Câu thoại đầu cũng vọng niệm?

Hỏi: 
Câu thoại đầu là dùng để ngăn chận các vọng niệm, nhưng theo con hiểu câu thoại đầu cũng từ bản chất vọng niệm. Kính xin thầy giải thích?

Đáp:
Nhờ câu thoại đầu để khởi lên nghi tình tức là không biết của bộ óc, chứ không phải để dẹp vọng niệm. Bởi vậy, Thiền tông không cho dẹp vọng niệmkhông cho biết vọng niệm, vọng niệm nổi lên cứ mặc kệ cho nổi lên, chỉ cần hỏi câu thoại đầu. Nếu giữ được nghi tình thì vọng niệm tự nhiên sẽ hết, vì không biết vọng niệm làm sao có vọng niệm! Cho nên dẹp vọng niệm không đúng cách tu của Phật

Ý của Phật muốn mình giữ nghi tình, Phật nói từ nghi đến ngộ, nghi là nhân, ngộ là quả, có nhân mới có quả; pháp thế gian cũng phải do nghi rồi có ngộ, pháp thế gian dùng bộ óc đi nghiên cứu suy tìm; mặc dù ngộ được chỉ có giá trị thế gian, không phát minh được chính tâm mình; nên không làm chủ tâm mình, không được sanh tử tự do; tự do tự tại dứt hết tất cả khổ.

Nghi của Thiền tông không phải muốn giải thích câu thoại đầu, chỉ nhờ câu thoại đầu phát lên nghi tình để phát hiện bản tâm của mình. Còn vọng tưởng hay phiền não nổi lên đừng biết tới. Vì không biết tự động quét tất cả vọng tưởng hay không vọng tưởng. Cho nên Thiền tông không cho quét vọng tưởng, không cho đè nén vọng tưởng, không cho buông bỏ vọng tưởng.
Nghi tìnhkhông biết thì chân lý không biết, vọng tưởng cũng không biết; không biết thì không thành lập vọng tưởng, không biết chân lý thì không thành lập chân lý, không biết năng thì không thành lập năng, không biết sở thì không thành lập sở. Đã nói là không biết thì cái này cái kia, tất cả đều không biết. Cho nên tất cả không thành lập, vọng tưởng cũng không thành lập.