Thành tâm, Đức độ làm Thiên Đàng và con người đều cảm động

Nguyên Đức Tú, tự là Tử Chi, là người Hà Nam dưới thời Đường. Ông vốn chân thành, phúc hậu, hiếu thuận, là một viên quan thanh liêm tiết kiệm, rất có đức độ.

Anh trai và chị dâu của Nguyên Đức Tú sau khi sinh được một đứa con trai chẳng bao lâu thì qua đời. Nguyên Đức Tú không có tiền thuê nhũ mẫu cho cháu bé, không biết làm sao dỗ dành khi đứa trẻ đói khóc đành cho đứa trẻ ngậm vú của mình. Có thể Trời Cao biết chuyện, cảm động bởi thành tâm của ông, nên vài ngày sau tự nhiên thật sự có sữa chảy ra. Mãi đến khi đứa trẻ có thể tự mình ăn cơm thì sữa mới ngừng không sinh ra nữa.

Đứa bé đến tuổi trưởng thành, Nguyên Đức Tú muốn lấy vợ cho cháu, nhưng gia đình nghèo khó, thế là ông bèn thỉnh cầu đảm nhiệm chức Huyện lệnh huyện Lỗ Sơn. Khâm phục ông đức độ hơn người nên các quan thái thú đều rất trọng đãi ông.

Vào thời gian đó có một con cọp chuyên tác oai tác quái. Một ngày có một tên cướp bị bắt, tên cướp xin đi giết cọp để chuộc tội, Nguyên Đức Tú bằng lòng. Các quan lại bên cạnh nói tên cướp có thể lợi dụng cơ hội này để chạy trốn, và vì thế Nguyên Đức Tú sẽ bị liên lụy. Nguyên Đức Tú nói: “Tôi đã chấp thuận thỉnh cầu của ông ta, không thể làm trái lời giao ước được. Nếu tôi có bị liên lụy thì chỉ mình tôi gánh chịu, quyết không để liên lụy đến người khác“. Ngày hôm sau, quả thật tên cướp đem xác cọp về, người trong huyện đều rất xúc động.

Bổng lộc trong thời gian làm quan Nguyên Đức Tú đều dùng để cứu tế các trẻ em mồ côi. Sau khi mãn nhiệm, trong rương chỉ còn có một cuộn tơ lụa nhỏ, bỏ lên một cái xe gỗ rời đi, định cư ở nơi sơn thủy. Lúc ấy Thượng thư bộ Hình tên là Phòng Quản mỗi lần gặp ông đều khen ngợi: “Chỉ cần nhìn thấy mặt Nguyên Đức Tú thì tâm danh lợi của người ta đều được tiêu tan“. Sau khi Nguyên Đức Tú qua đời, trong nhà ông chỉ có những thứ như rổ rá, gối và một đôi giày thô mà thôi.

Nguyên Đức Tú một lòng muốn nuôi dạy đứa con của người anh trai, thành tâm ấy cảm động Trời Cao, cho nên là đàn ông mà thân có sữa chảy ra để nuôi đứa bé. Ngay cả Thượng Thiên còn cảm động trước người nhân đức, huống chi là con người. Tên cướp ấy chính là đã được tâm thành tín và đức độ của ông cảm hóa, mới giữ trọn lời hứa không ngại nguy hiểm tính mạng đi giết hổ để chuộc tội, khiến cho người ta phải cảm động. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng những người có Đức hạnh và Đạo nghĩa, thành tâm đối với Trời Cao sẽ được Thượng Thiên quan tâm và che chở, và mọi người cũng rất kính trọng và tín nhiệm những người như thế.