Ai Hay Hơn

Một con sư tử đang tản bộ trong rừng, bỗng nghe tiếng hót thật êm tai, nó lần theo tiếng hót đi tới một cây to, phát hiện âm thanh mượt mà du dương ấy là của con hoàng oanh đang đậu trên cành. Bên dưới, muông thú đang vây quanh dỏng tai nghe với vẻ say sưa như mất hồn, cơ hồ không còn nhớ việc gì đang xảy ra quanh mình.

Giọng hoàng oanh khi vút cao réo rắt như sáo trời nhẹ thổi, lúc mượt mà như tiếng thác reo vui, trầm bổng dịu dàng chẳng khác thiên thần đang khảy khúc mê ly. Tiếng hoàng oanh nhẹ như ru, êm như gió chiều, thân thiết như bằng hữu, thủ thỉ như tri âm, nỉ non như tâm sự, dịu dàng như an ủi… truyền cảm đến say lòng. Muông thú vây quanh bị tiếng hót hoàng oanh mê hoặc, dường như nín thở lắng nghe. Chúng chau mày, sa lệ, khi thích thú hòa ca, lúc thì hớn hở nhảy theo điệu nhạc…

Chứng kiến cảnh này sư tử ghen tị quá, xưa nay nó được tôn là vua loài thú nhưng đâu có được ngưỡng mộ sùng bái như vậy.

Nó tức tối rống lên, miệt thị:

– Hừm! Chỉ là tiếng hót xoàng, sao bằng âm thanh của ta.

Hoàng oanh ngừng bặt, dịu dàng nói:

– Xưa nay tôi chỉ biết sư tử có sức mạnh vĩ đại, chứ chưa nghe ngài hát bao giờ.

Sư tử ưỡn ngực khoe:

– Ngươi chưa nghe tiếng rống của ta sao? Âm thanh giòng họ sư tử nổi tiếng dũng mãnh nhất thế gian! Ngươi có thể nhả tiếng du dương mê hoặc bọn ngu ngốc, song ta chỉ cần rống một tiếng là thiên hạ sợ rét run… Nghe này!

Sư tử liền rống to một tiếng. Các loài thú quanh đấy kinh hoàng chạy trốn, chớp mắt không còn con nào.

Sư tử đắc ý bảo:

–  Thế nào? Âm thanh của ta lợi hại chưa?

Hoàng oanh mỉm cười:

– Về mặt này thì tôi thua hẳn ngài!

Nói xong, hoàng oanh vỗ cánh bay mất. Sư tử khoái chí, nhìn quanh với vẻ tự hào, nó vừa lắc mông vừa ve vẩy đuôi bước đi.

Mấy ngày sau, sư tử dạo chơi trong rừng, vô ý rơi vào bẫy của thợ săn. Nằm tuyệt vọng nơi hố sâu, rống lên từng hồi kêu cứu song tiếng rống của nó khiến thú rừng càng sợ hãi lánh xa, chẳng con nào dám bén mảng tới gần, kết quả sư tử bị thợ săn bắt.

Trong ngày đó, hoàng oanh cũng bị sa lưới, nó cất tiếng hót cầu cứu rất thiết tha, khiến loài vật trong rừng nghe đều phải rơi lệ, chúng không ngại hiểm nguy, cùng chạy tới phá lưới cứu hoàng oanh ra.

                                       Hạnh Đoan  (Kể theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Người xưa nói: “Dùng sức thu phục người chẳng bằng dùng đức cảm hóa người”. Thật vậy, làm người sợ hãi, chỉ khiến họ lánh xa, không muốn giao tiếp nhưng cư xử cảm thông, ăn nói dịu dàng thì dễ chinh phục nhân tâm. Thị uy, ra quyền có thể làm người ta sợ thật đấy song trong nỗi sợ ấy luôn kèm theo khinh ghét. Chẳng ai muốn thân cận, giao tiếp với người chỉ biết ra uy, vì khi lòng đầy uy quyền thì tình thương vắng bóng. Đây là lý do Phật dạy các đệ tử phải hành ái ngữ, nói lời hòa hợp và yêu thương, không phải lời ngọt ngào đầu môi mà xuất phát từ sự tri hành hợp nhất, chân thật tận đáy lòng.

Người thích phô trương sức mạnh, quyền thế… chỉ thu được nể sợ và cô đơn. Làm người ta sợ tất nhiên họ không thiện cảm và luôn xa lánh. Tiếng hót hoàng oanh làm cho muông thú say đắm không phải chỉ vì nó hay không thôi mà trong đó còn chất chứa sự thân thiện, từ ái, yêu thương… Vì vậy mà có câu: “Người ta cúi đầu trước tài năng song họ lại nghiêng mình trước lòng nhân!”. Chính mỹ đức mới thu phục nhân tâm, dễ cảm hóa và tỏa sức thu hút thâm trầm, khiến người ta kính quý, thân gần.

Comments are closed.