Bà La Môn

● Là một trong bốn chủng tộc (cũng là bốn giai cấp dân chúng) trong xã hội Ấn-độ thời cổ, chuyên phụng thờ Đại Phạm Thiên, tu hạnh trong sạch. Các giáo sĩ Bà-la-môn tự cho rằng, khi Phạm Thiên sinh ra loài người thì chủng tộc của họ đã được sinh ra từ miệng ngài. Chỉ có họ mới có thể tiếp xúc trực tiếp với thần linh, cho nên, chỉ có họ mới thông hiểu được các kinh Phệ Đà; và cũng chỉ có họ mới có quyền cúng tế, xướng tụng và giảng dạy các kinh điển ấy. Họ tự cho mình là giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp. Để củng cố Địa Vị và áp chế các giai cấp khác, họ đã tạo ra bộ luật Mã Nỗ (Manu), tự cho mình là giai cấp trên hết và tôn quí nhất trong xã hội, phải nắm độc quyền về tôn giáo, tư tưởng, học thuật và giáo dục, bắt buộc ba giai cấp dưới phải tuân phục. Một cách cụ thể, họ tự ban cho mình 6 đặc quyền sau đây:

– Học tập kinh điển Phệ Đà;

– Giảng dạy kinh điển Phệ Đà;

– Tự cúng tế cho mình;

– Cúng tế cho người khác;

– Thọ nhận của cúng dường;

– Bố thí cho người khác.

Cuộc đời một người Bà-la-môn được chia làm bốn thời kì, thời kì đầu tiên gọi là “thời kì phạm hạnh”: cậu bé Bà-la-môn lên 8 tuổi thì rời nhà, theo thầy học tập, ròng rã 12 năm, giữ giới bất dâm, học các kinh Phệ Đà và thực tập các lễ nghi tế tự.

Thời kì thứ hai gọi là “thời kì gia trú”: cậu bé bây giờ đã 20 tuổi, trưởng thành, được thầy cho trở về nhà, sống đời bình thường, cưới vợ sinh con, làm ăn xây dựng sự nghiệp, thờ phượng tổ tiên.

Kế tiếp là “thời kì lâm thê”: người Bà-la-môn này, khi đến tuổi già thì nhường hết gia sản cho các con, vào ở rừng tu khổ hạnh, chuyên tâm tư duy, tham dự các sinh hoạt tôn giáo.

Sau hết là “thời kì lánh đời”: bỏ hết những gì dính mắc đến thế tục, mặc áo thô, xách bình nước, đi du hành đây đó.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.