Bồ Tát Chuẩn-đề

HỎI: Chúng tôi là Phật tử, từ trước đến nay thờ phụng Bồ tát Quán Âm với niềm kính tín sâu sắc. Vừa rồi, chúng tôi được biết về Bồ tát Chuẩn-đề (còn gọi Phật Mẫu Chuẩn-đề), với những hình tướng gần giống với Bồ tát Quán Âm (tượng nhiều tay). Có người nói rằng Phật Mẫu Chuẩn-đề chính là một hóa thân của Bồ tát Quán Âm, điều ấy có đúng không

Xin cho biết thêm hạnh nguyện của Bồ tát này? Phật Mẫu nghĩa là gì? Có liên hệ gì với tín ngưỡng Địa Mẫu trong dân gian không

(TOÀN MINH,  toanminh1102@gmail.com; LIÊN NGUYỆT, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) 

ĐÁP:

Bạn Toàn Minh và Liên Nguyệt thân mến!

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập I, tr.962), Chuẩn-đề, Phạn ngữ Cundi, Hán ngữ phiên âm là Chuẩn-chi, Chuẩn-nê, gọi đủ là Chuẩn-đề Quan Âm, Chuẩn-đề Phật Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn-đề hay Thất-câu-chi Phật Mẫu. Chuẩn-đề có nghĩa là thanh tịnh.

Mật tông rất tôn sùng Chuẩn-đề, xếp ngài vào một tôn vị trong Quán Âm bộ. Theo phái Đông Mật của Phật giáo Nhật Bản thì Chuẩn-đề là một trong 6 danh hiệu của Quán Âm, thuộc Liên Hoa bộ. Sáu danh hiệu này là: 1. Thiên Thủ Quán Âm;

2. Thánh Quán Âm;

3. Mã Đầu Quán Âm;

4. Thập Nhất Diện Quán Âm;

5. Chuẩn-đề Quán Âm;

6. Như Ý Luân Quán Âm. Như vậy, Chuẩn-đề hay Chuẩn-đề Quan Âm chính là một trong những danh hiệu của Bồ tát Quán Âm.

Tuy vậy, phái Thai Mật của Phật giáo Nhật Bản lại xếp Chuẩn-đề vào một tôn vị trong Phật bộ, gọi là Phật Mẫu.

Theo kinh Thất-câu-chi Phật Mẫu sở thuyết Chuẩn-đề Đà-la-ni thì thân Bồ tát Chuẩn-đề thân màu vàng nhạt, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh. Bồ tát mặc thiên y hoặc lụa trắng mỏng, trên đầu đội mũ ngọc anh lạc, có 3 mắt. Đặc biệt 18 cánh tay đều đeo vòng xuyến. Hai tay trên cùng bắt ấn Thuyết pháp. Các tay còn lại, bên phải: Tay thứ hai kiết ấn Thí vô úy, tay thứ ba cầm kiếm, tay thứ tư cầm tràng hoa báu, trên lòng bàn tay thứ năm để trái câu duyên, tay thứ sáu cầm búa, tay thứ bảy cầm móc, tay thứ tám cầm chày kim cang, tay thứ chín cầm chuỗi hạt; Bên trái: Tay thứ hai cầm cây phướn báu như ý, tay thứ ba cầm hoa sen hồng hé nở, tay thứ tư cầm cái bình, tay thứ năm cầm dải lụa, tay thứ sáu cầm bánh xe pháp, tay thứ bảy cầm vỏ ốc, tay thứ tám cầm hiền bình, trên lòng bàn tay thứ chín để hộp kinh Bát Nhã chữ Phạn (ảnh).

Ngoài ra, còn có tượng Bồ tát Chuẩn-đề 16 tay, 6 tay, 4 tay theo các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Tích Lan. Bồ-tát Chuẩn-đề chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh tránh các tai ương, nếu có bệnh tật hoặc mạng sống ngắn ngủi thì được thọ mạng lâu dài.

Tu tập theo pháp môn tu hành của vị Bồ-tát này là trì tụng thần chú: “Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà câu chi nẫm, đát diệt tha. Án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn-đề, ta bà ha”. Nếu ai chí thành trì tụng thần chú trên thì sẽ tiêu trừ tai họa, dứt hết bệnh tật, đạt được thông minh…, tiêu tan tội chướng, thọ mạng lâu dài, tăng trưởng phước đức đồng thời được chư Phật, Bồ-tát gia bị, đời đời kiếp kiếp xa lìa ác thú, mau chóng chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Phật Mẫu là một thuật ngữ quan trọng trong giáo điển Phật giáo, bao gồm bốn nghĩa như sau: 1-Chỉ cho Ma-da phu nhân thân mẫu của Phật, hoặc chỉ cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề di mẫu của Phật. 2-Chỉ cho Bát-nhã Ba-la-mật. Vì Bát-nhã (trí tuệ) có năng lực sinh ra tất cả chư Phật. 3-Chỉ cho pháp. Vì chư Phật lấy pháp làm thầy, do phápthành Phật, cho nên gọi phápPhật mẫu, mẹ của chư Phật. 4- Chỉ cho Phật nhãn tôn. Theo Mật giáo, Bát-nhã Ba-la-mật  là pháp có công năng sinh ra các vị Phật, Bồ tát đồng thời đem đến cho chư Phật nhất thiết trí, có tác dụng thị hiện tướng thế gian. Pháp Bát-nhã này được thần cách hóa gọi là Phật mẫu hay Phật nhãn tôn, mẹ của hai bộ Kim cương giới và Thai tạng giới (Sđd, tr.3640-3641).

Tín ngưỡng Địa Mẫu (Mẫu, Thánh Mẫu…) là tín ngưỡng dân gian, không có bất cứ liên hệ gì đến Phật Mẫu Chuẩn-đề hay Bồ tát Chuẩn-đề của Phật giáo cả.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn