Cách thờ Phật và Quy y Tam Bảo như thế nào mới đúng?

Hỏi: Kính bạch thầy, con là Châu Anh, con có một thắc mắc kính xin hỏi thầy: Gia đình con muốn lập bàn thờ Phật tại nhà. Có người cho rằng có thể đặt bát hương chung thờ Phật và thờ thần linh. Có người nói phải lập bàn thờ Phật riêng làm con rất bối rối. Con xin thầy chỉ dạy làm cách nào mới đúng và nên thờ tượng Phật nào tại nhà. ( Ba con mất được 1 năm, mẹ con theo Tịnh độ tông và đang tu tập Thiền tông ). Nhân đây, con hỏi thêm một câu, mẹ con khuyên con nên quy y Tam bảo. Nhưng con chưa tìm hiểu kỹ nên chưa dám nghe theo. Con xin thầy chỉ cho con biết sau khi quy y thì có gì khác với cuộc sống bình thường không? Con cần phải làm những việc gì và không được làm những việc gì? Con kính cám ơn thầy.

Đáp: Trong câu hỏi của Châu Anh, gồm có 4 vấn đề mà Châu Anh muốn biết. Để tiện bàn giải, tôi xin nêu ra đây từng vấn đề một để xin chân thành góp ý.

  1. Châu Anh nghe người ta nói có 2 trường hợp trái ngược nhau:
  2. Nên lập bàn thờ Phật chung với thần linh.
  3. Nên lập bàn thờ để thờ Phật riêng.

Do hai ý kiến trái nhau, nên Châu Anh đâm ra hoang mang phân vân không biết phải thờ Phật như thế nào mới đúng.

Theo lời Phật dạy, trời thần vẫn còn là chúng sinh, vẫn còn phải chịu trôi lăn trong tam giới. Do đó, nên khi quy y Tam bảo, Phật dạy người Phật tử không được quy y với thiên, thần, qu, vật. Vì thần cũng là một loại qu, nhưng chẳng qua loại qu có thế lực quyền uy cao hơn những loài qu khác, nên người ta gọi là thần. Nói chung là qu thần. Đã thế, thử hỏi làm sao qu thần dám ngồi chung một bàn với Phật? Thần có ác thần và thiện thần. Những vị thiện thần thì luôn luôn phát nguyện hộ trì chánh pháp của Phật.

Tôi rất thông cảm cho sự băn khoăn bối rối của Châu Anh. Tại vì Châu Anh chưa có cơ hội để học hỏi nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng về Phật pháp, nhất là về phương diện đời sống tâm linh mang tính siêu hình. Vì thế, nên Châu Anh mới có sự băn khoăn thắc mắc nghi ngờ về vấn đề đó. Hơn nữa, chính người nói thờ Phật chung với thần linh, thật ra bản thân của họ cũng chưa hiểu gì về Phật pháp cả. Nghĩa là họ không phân biệt sự sai khác hơn kém giữa thần linh và chư Phật, Bồ tát.

Người nói, nên thờ Phật riêng, chứng tỏ người đó có hiểu phần nào về cách tôn trí thờ phụng. Và họ biểu lộ được tấm lòng tôn kính ở nơi đức Phật. Vì họ biết giữa Phật và thần linh có sự khác biệt rất xa. Thiết nghĩ, Châu Anh nên nghe theo lời khuyên của người đó.

Nói tóm lại, qua câu hỏi nầy, thì tôi thành thật khuyên Châu Anh nên thiết lập bàn thờ Phật riêng và chỉ thờ một vị Phật mà thôi. Nên nhớ phải thiết lập bàn thờ nơi chỗ trang nghiêm thanh tịnh. Đó là vì chúng ta biểu lộ lòng tôn kính ở nơi đức Phật. Có thế, thì chúng ta mới có thêm nhiều phước báo.

  1. Nên thờ tượng Phật nào? Theo Châu Anh nói, người mẹ theo Tịnh Độ tông, nhưng hiện thời bà lại tu theo Thiền tông. Thông thường, người Phật tử tu theo tông nào thì người ta hay thờ tượng Phật cho phù hợp với tông chỉ của mình đang tu theo tông đó. Tuy rằng, Phật nào cũng thờ được cả. Vì đã là Phật thì tất cả đều như nhau, Phật Phật đại đồng, không có gì là sai biệt. Tuy nhiên, điều nầy còn tùy theo quan niệmTông phái mà người đó đang tu theo. Do đó, nên việc tôn thờ Phật tượng có sai khác. Xưa nay, người tu theo Thiền tông, thì người ta chỉ tôn thờ một tượng Phật Thích Ca. Vì đức Phật Thích Ca do tu Thiềnchứng quả. Ngược lại, người tu theo Tịnh độ tông, thường người ta hay thờ đức Phật Di Đà hoặc là thờ tượng Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm và Thế Chí). Vì người ta muốn sau khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Mà thế giới Cực lạc là do Phật Di Đà làm giáo chủ. Cho nên người ta chí thành quy hướng tôn thờ và niệm danh hiệu của Ngài để cầu vãng sanh về cõi đó.

Vấn đề nầy, theo ý kiến của tôi, thì tôi thành thật khuyên Châu Anh tốt hơn hết là Châu Anh nên hỏi qua ý kiến của mẹ, xem thử mẹ thích thờ tượng Phật nào. Nếu như hiện giờ Châu Anh còn đang chung sống với mẹ, thì nên tôn trọng ý kiến của mẹ. Tùy theo sở thích của bà mà thỉnh Phật về thờ. Như thế thì tôi nghĩ, sẽ được tốt đẹp cho cả hai. Vì đó cũng là cách làm cho mẹ vui và cũng không trái ý của bà mà gây nên phiền lòng giữa mẹ con với nhau không tốt. Vì chưa thỉnh Phật về nhà thờ mà tình mẹ con đã bất đồng bị sứt mẻ rồi, thì điều đó không nên. Như thế, thì dù cho mình có thỉnh Phật về thờ thì cũng không có ông Phật nào chứng minh cho lòng mình điều đó. Đó là điều mà tôi thành thật khuyên Châu Anh cần nên hỏi qua ý kiến của mẹ.

  1. Có nên quy y Tam bảo theo lời mẹ khuyên hay không? Điều nầy, thiết nghĩ, Châu Anh cũng không nên vội gấp. Vì bất cứ việc làm nào, trước khi quyết định, mình cũng phải tìm hiểu suy tư cho thật kỹ càng. Việc thông thường còn như thế, huống gì là việc quy y Tam bảo. Đó là một quyết định tối ư hệ trọng cho đời sống tâm linh suốt cả cuộc đời của mình sau nầy. Do đó, nên mình cần phải cân nhắc tìm hiểu cho thật kỹ càng thận trọng trước khi quyết định.

Tuy nhiên, việc quy y có đôi khi, người ta vẫn quy y trước rồi sẽ học hỏi tìm hiểu Phật pháp sau. Lý do, là vì người ta sợ qu vô thường thình lình cướp mất đi mạng sống. Nếu như thế, thì e rằng, chừng đó có muốn quy y thì cũng đã quá muộn màng chậm trễ rồi! Theo tôi, thì Châu Anh, nếu muốn quy y theo lời mẹ khuyên, thì cũng tốt không có sao đâu. Tuy nhiên, sau khi quy y Tam bảo rồi, Châu Anh nên cố gắng siêng năng nghiên tầm trau dồi học hỏi Phật Pháp. Mục đích là để cho mình biết rõ đường lối tu hành, không bị rơi vào con đường tà ngoại. Và như thế mới có lợi ích thiết thực cho sự tu hành và mới thực sự thăng tiến xứng danh mình là người con Phật.

Điều nầy, tùy Châu Anh quyết định phương cách nào cũng được. Một là tìm hiểu trước rồi quy y sau, hoặc quy y truớc rồi tìm hiểu học hỏi Phật pháp sau. Cả hai đều có lợi ích cả. Tuy nhiên, theo tôi, thì có đôi khi nhờ có quy y rồi, nên mình mới chịu nỗ lực gia công nghiên tầm học hỏi. Vì đó là điều do mình ý thức bổn phận của mình. Cũng như mình có vào trường rồi thì mình mới cố gắng gia công học hành. Còn không vào trường, thì mình đâu có chịu học hành. vì không có ai thức nhắc khuyên bảo hay bắt buộc mình cả.

  1. Châu Anh hỏi sau khi quy y rồi đời sống có thay đổi như trước khi mình chưa quy y không? Hay cũng vẫn bình thường không có gì khác lạ? Và mình cần phải làm gì? Dĩ nhiên, sau khi quy y Tam bảo mình phải giữ gìn Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) và đồng thời mình cũng phải giữ gìn 5 giới cấm tức 5 nguyên lý đạo đức căn bản của người Phật tử tại gia để tăng thêm nhơn cách đạo đức phẩm giá của một con người. Năm nguyên lý đạo đức Phật dạy gồm có:

Thứ nhứt, Phật dạy người Phật tử không được sát hại sinh vật, chủ yếu là không được giết người. Nguyên lý đạo đức nầy là Phật dạy nguời Phật tử phải có lòng từ bi thương yêu muôn loài mà tôn trọng mạng sống cho nhau. Vì loài nào cũng đều ham sống sợ chết cả. Hơn nữa, còn tránh được quả báo oán thù hiện tại và mai sau.

Thứ hai, Phật dạy người Phật tử không được gian tham trộm cắp, vật gì của người ta mà người ta không cho thì mình không được lấy. Nghĩa là không được ngang nhiên chiếm đoạt cướp lấy vật sở hữu của người làm của mình. Nguyên lý đạo đức nầy là Phật dạy người Phật tử phải tôn trọng tài sản của người khác. Tài sản của mình nếu vô cớ bị người chiếm đoạt, tất nhiên là mình rất đau khổ. Người khác khi mất tài sản họ cũng đau khổ luyến tiếc như mình.

Thứ ba, Phật dạy người Phật tử khi có gia đình rồi không được làm việc tà hạnh tư thông dâm loàn làm mất trinh tiết gây tổn hại danh giá của người khác phái. Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật nhằm bảo vệ mái ấm hạnh phúc gia đình, làm cho vợ chồng và gia đình luôn luôn có được nếp sống an vui yêu thương hòa kính lẫn nhau.

Thứ tư, Phật dạy người Phật tử phải luôn luôn tôn trọng sự thật, không được nói dối. Nói dối hay nói láo là chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc dùng những lời lẽ thêu dệt, việc ít xích cho nhiều, gây nên đôi đàng xích mích với nhau. Không nên dùng lời ác khẩu trù rủa chửi mắng đối phương v.v… Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật muốn cho người Phật tử phải luôn luôn trau dồi nuôi dưỡng đức tánh thành thật và phải nói lời ái ngữ thương yêu tôn trọng hòa kính với nhau. Đây là phương cách nhằm bảo vệ uy tín cho mình và người.

Thứ năm, Phật dạy người Phật tử không được uống rượu tức là những thứ mang chất kích thích tố làm cho con người mê say đắm nhiễm mất đi nhơn cách phẩm giá đạo đức con người. Vì những loại có chất ma túy nầy, nó tác động gây nên rất tai hại cho mình, gia đình và xã hội. Vì thế, Phật răn cấm không cho người Phật tử dùng đến. Vì một khi bị mê say đắm nhiễm nó rồi, thì con người rất là đau khổ. Và từ đó không những có hại cho bản thân mà còn gây nên tệ hại mất đi mái ấm hạnh phúc gia đình. Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật nhằm nâng cao phẩm giá đạo đức con người trong việc bảo vệ hạnh phúc cá nhân và gia đình vậy.

Đại khái, đó là năm điều cấm giới căn bản đạo đức mà người Phật tử sau khi quy y rồi, thì Phật khuyên phải nên gìn giữ cẩn thận không được phạm phải. Giới luật của Phật chế ra, không phải là điều bắt buộc làm cho con người mất đi tự do, mà trái lại Phật muốn bảo vệ tự do hạnh phúc tối đa cho con người.

Như vậy, sau khi quy y đời sống của mình có thể thay đổi làm mới tốt đẹp hơn. Nhưng với điều kiện là mình phải vâng theo lời Phật dạy mà giữ gìn giới cấm và làm những điều phước thiện lợi lạc cho mình và người. Nói rộng ra là cho cả nhân quầnhội. Do đó, sự quy y Tam bảo và giữ gìn giới cấm rất có lợi cho đời sống của mình. Còn việc sinh hoạt hằng ngày Châu Anh vẫn sinh hoạt giao tiếp bình thường không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Châu Anh đã có sự thay đổi làm mới cuộc đời của mình theo con đường thiện nghiệp để được an lạc hạnh phúc.

Tôi chỉ trình bày nêu ra một cách khái quát, để cho Châu Anh có một khái niệm qua thôi. Mong rằng, nếu có dịp, Châu Anh sẽ tìm hiểu nghiên cứu học hỏi nhiều hơn. Tìm hiểu học hỏi để tự trau dồi tu tâm sửa tánh, cho đời mình ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn. Sự tìm hiểu học hỏi, đối với thời đại kỹ thuật điện tử thông tin toàn cầu hiện nay, thì thật là quá ư tiện lợi. Vì hiện nay, phương tiện truyền thông giúp cho người ta tìm hiểu học hỏi Phật pháp không còn là vấn đề trở ngại khó khăn nan giải như xưa nữa.

Kính chúc Châu Anh chóng đạt thành sở nguyện.