Cái Tâm Đá

Hogen, một thiền sư Trung Hoa sống ẩn dật nơi một ngôi chùa nhỏ ở miền quê. Một hôm bốn nhà sư du hành xuất hiện ban đêm và xin phép đốt lửa trong vườn Hogen để sưởi ấm.

Trong khi đang nhóm lửa, bất chợt Hogen nghe họ bàn nhau về chủ thể và khách thể, Hogen nhập cuộc và hỏi:

“Có một hòn đá lớn. Chư sơn xem nó ở ngoài hay ở trong tâm quý vị

Một khách tăng đáp:

“Theo quan điểm của đạo Phật, mọi vật đều là đối thể của tâm. Vì thế, tôi cho rằng hòn đá ở trong tâm tôi”

Hogen quan sát:

“Chắc cái đầu của thầy phải cảm thấy nặng nề lắm! Nếu thầy đang mang một hòn đá như thế trong tâm”.

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Thử so sánh cảnh sống ẩn dật và bon chen của một tăng sĩ ở miền quê và thành thị khác và giống nhau ra sao?

2/ Tại sao ví cái tâm đá cho thêm phiền phức nặng nề?

3/Thế nào là chủ thể? Và đối tượng?

4/ Bạn nghĩ sao theo quan điểm đạo Phật: mọi vật đều là đối tượng của tâm?

5/ Câu nói của Hogen như thế có giúp mở khai cho vị khách tăng kia không?

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện phướn động hay gió động của 2 vị tăng chùa Pháp Tánh (Quảng Châu) và Lục Tổ Huệ Năng. Không phải do lá phướn động, không phải gió động mà chính do cái tâm động. Vậy thì liệu so sánh cảnh sống của một tăng sĩ ở miền quê và thành thị phỏng có ích gì?

2/ Không giống như công thức toán học: 1 + 1 thành 2; 2 x 2 thành bốn mà trong câu chuyện thiền tùy theo đối tượng, miển sao làm cho đối phương bừng vỡ mối nghi tình ngự trị trong lòng từ bấy lâu nay. Thiền sư Hogen như một nhà tâm lý học chọc thủng được tâm đăng người tăng khách để đưa ông về với thực tại.

3/ Như giữa mẹ và con hễ có cảm mới có ứng. Kinh còn nói rằng “Cảm ứng đạo giao” tức là giữa năngsở không còn phân biệt đâu là bờ ngăn cách giữa chủ và khách nữa mà cả hai hòa chung thành một. Tuy nhiên sự cảm thông không có nghĩa là đồng nhất giữa chủ thể và đối tượng. Theo nhà tâm lý học Pháp, August Comte (1798 -1857) nhận xét rằng, muốn nhận biết xác đáng chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức phải khác nhau, nghĩa là không đồng nhất với nhau.

4/ Kinh ví cái tâm ta như con vượn chuyền cành, nó chuyền hết cành này sang cành khác không bao giờ dừng nghỉ, nên gọi là “tâm viên” .Ý như con ngựa sổ dây cương chạy rông hết chỗ này tới chỗ khác không đứng yên một chỗ gọi là “ý mã”. Cái tâm biến hóa khôn lường như thế là động lực thúc đẩy chúng sanh tạo nghiệp thọ báo: kết quả đó phải chăng là đối tượng của tâm?

5/ Câu nói: “Cái đầu thầy phải nặng lắm, nếu thầy đang mang một hòn đá trong tâm” của thiền sư Hogen có thể:

– Làm cho vị khách tăng trở nên lúng túng cùng đường.

– Chứng tỏ cái tâm chưa tu tập đúng mức còn nặng nề trì trệ thêm.

– Như một lời khích động giúp  thêm năng lực cho người bạn đồng tu cần phải gia tâm tinh tấn hơn.

– Khiến khách lấy làm khó chịu, vì tự nghĩ rằng chủ chùa cố làm hạ nhục mình trước các pháp hữu hiện diện.

Nguồn:tuvienquangduc.com.au