Cánh Cửa Không Bao Giờ Khóa

Ở  thành phố Glasgow nước  Scotland, có một cô gái trẻ đua đòi ăn chơi, sống theo trào lưu của một số ít thanh thiếu niên ngày nay thường làm. Chán sống chung trong một gia đình nề nếp có lối sống khuôn phép, cô bảo với mẹ: “Con không muốn tin vào ông trời của ba mẹ, con mặc kệ, con đi đây!”.

Thế là cô gái bỏ nhà ra đi, quyết định sống tự do, lấy thế giới bao la làm nhà mình. Tuy nhiên chẳng bao lâu thì cô bị ruồng bỏ; mất việc làm, cô đành phải làm gái đứng đường. Năm tháng cứ thế trôi qua, cha cô qua đời, mẹ cô già đi; còn cô gái ấy ngày càng sa đọa theo lối sống của mình.

Không còn chút liên lạc nào với con, bà mẹ nghe đồn về lối sống của con gái mình và bà đã đi tìm con khắp trong thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu đơn giản: “Làm ơn cho tôi trưng ở đây tấm hình này”. Đó là tấm hình bà mẹ tóc đã hoa râm mỉm cười với hàng chữ: “Mẹ vẫn yêu con! Con hãy về nhà đi!”.

Rồi một ngày nọ, cô gái tìm đến nhóm cứu trợ nhận bữa ăn cứu đói, cô đã nhìn thấy tấm hình mẹ, đọc hàng chữ ấy nước mắt cô bỗng tuôn trào. Cô quyết định trở về nhà. Về tới nhà thấy cửa không khóa, cô nghĩ chắc có trộm vào nhà, lo lắng cho sự an toàn của mẹ, cô gái chạy vội đến buồng ngủ và thấy mẹ vẫn còn đang ngủ yên, cô đánh thức mẹ dậy và thưa:

– Mẹ ơi! Con đây! Con đã về nhà rồi!

Bà mẹ như không tin vào đôi mắt mình, bà lau nước mắt rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cô gái nói với mẹ:

– Mẹ à, con lo quá! Cửa không khóa nên con tưởng nhà có trộm.

Bà mẹ dịu dàng trả lời:

Không phải vậy đâu con à! Từ ngày con ra đi, cửa nhà mình không hề khóa.(Theo Học làm người)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Thuở nhỏ, nhà ông Mạnh Tử ở gần lò mổ heo, cậu bé Mạnh Tử bắt chước mổ những con heo cậu nặn bằng đất sét. Mẹ thấy vậy hoảng quá, vội dời nhà về gần trường học. Nhờ vậy, sau này ông Mạnh Tử trở nên một bậc thánh hiền.

Không phải người mẹ nào cũng có đứa con nên người như bà mẹ của ông Mạnh Tử. Mới đây thôi, bản tin thời sự VTV1(29-11), đưa tin em học sinh Phạm Đình Cử, 14 tuổi, vì cần tiền chơi games “Thiên Long Bát Bộ” trên mạng internet, hai em Cử và Trọng đã bắt cóc bé Tuấn Anh 5 tuổi, đòi 30 triệu tiền chuộc. Sau đó Cử đã giết chết bé Tuấn Anh. Vụ việc này đã làm cho mẹ của Cử là bà Phạm Thị Kim Thanh đau đớn thốt lên trước ống kính truyền hình: “Tôi đi cứu người, tại sao tôi lại đẻ ra một đứa giết người?”.

Lỗi này tại ai? Xin chớ vội đổ lỗi cho vi tính, internet. Ai sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của em Cử, em Trọng và của cô gái trẻ Scotland trong câu chuyện trên? Quan niệm xưa “Thương cho roi cho vọt” dù roi vọt chỉ là giơ cao đánh khẽ đã không còn phù hợp với hôm nay. Nhưng thay vào đó là cái gì? Sự nâng niu chìu chuộng và buông lỏng quá mức cho con cái, chưa phải là điều hay.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Gia đình đã dành cho các em nhiều ưu ái, nhưng không vì thế mà bỏ quên trách nhiệm khi để cho các em bước vào cạm bẫy cuộc đời. Như trường hợp em Cử, người ta rất ngạc nhiên vì trước đó em là một học sinh giỏi, chưa hề nghỉ học một tiết nào, gia đình chỉ lơ đễnh một chút thôi, vậy là em đã bị cuốn sâu vào trò chơi games. Chơi quá độ thành nghiện, nghiện quá làm cho em sống trong ảo giác trầm cảm; bàn tay em thường xuyên click chuột, gõ phím; thực hiện những màn bắn giết, cướp nhà băng… chỉ ở trong thế giới ảo thôi, nhưng đến một lúc nào đó em đã lẫn lộn giữa thế giới ảo và thế giới thực. Bàn tay non nớt của em Cử đã vấy máu lúc nào không hay. Thật là nguy hiểm!

Các em còn quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, các em đang rất cần gia đình và xã hội, giáo dục và giám sát hành vi đạo đức. Các em nên cảnh giác, dè chừng cái gọi là lối sống hiện đại vượt ra ngoài khuôn phép gia đình và thận trọng khi chọn những trò chơi games, giải trí trên internet. Xin các em đừng có làm khổ các bà mẹ nữa. Mẹ cô gái trẻ Scotland, mẹ Phạm Thị Kim Thanh, mẹ của ngài Mạnh Tử và tất cả những bà mẹ hiền trên thế giới này luôn sẵn lòng thứ lỗi cho con, mẹ vẫn nguyện cầu cho con, cửa nhà mẹ không bao giờ khóa để ngõ chờ con hối lỗi trở về.

LÊ ĐÀN