Cảnh Sống Trên Đời

Khi đức Phật ở trong vườn Trúc thành La-duyệt-kỳ (Ràjagrha), một hôm Ngài cùng các đệ-tử nhận lời thỉnh của thiện-tín vào thành thuyết-pháp. Thuyết-pháp xong, chiều về giữa đường Ngài gặp một người chăn trâu, đương đuổi đàn trâu lớn vào thành. Ngài thấy con nào con ấy no-béo, lồng-lộn đâm-húc nhau, Ngài liền đọc bài kệ:

Lăm-tăm roi nhắc trên tay,

Chăn-nuôi mong để có ngày thịt, sơi!

Già đi, chết lại…, chuyển-dời,

Chiếc thân chăm-chút đợi thời ra đi!

Góp-gom tài-sản chi-ly,

Dù ai, ai mặc, suy-vi chẳng từ!

Ngày, đêm sống tưởng lặng-tờ,

Mệnh-căn tự-hủy từng giờ không hay!

Cuộc đời trong giấc ngủ say,

Ao sâu giọt nước, ẩm đầy bao lâu?

Đức Phật về đến vườn trúc, rửa chân rồi ngồi vào tòa cũ. Tôn-giả A-Nan tới trước cúi đầu làm lễ bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Vừa rồi, khi đức Thế-Tôn đi đường Ngài có nói bài kệ, con không hiểu ý-nghĩa ra sao kính mong Thế-Tôn giáo-hóa cho!”

Đức Phật bảo: “Này ông A-nan, ông có trông thấy người chăn trâu đuổi đàn trâu vào thành không?” Tôn-giả A-Nan bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Con có trông thấy!” Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, nhà nuôi trâu ấy, họ có đến nghìn con, ngày ngày họ sai người ra ngoài thành tìm cỏ non, nước tốt đem về nuôi cho béo, hàng ngày họ chọn những con béo đem giết thịt. Tính ra những trâu họ đã giết đến quá nửa rồi. Thế mà những con trâu còn lại không hề biết gì mới lồng-lộn, đâm-húc nhau và gào-rống như thế. Ta thương nó không biết gì, nên Ta nói bài kệ ấy!”

Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, cứ gì đàn trâu ấy, người đời cũng thế! Người đời chỉ chấp chặt cái “ta”, không biết đến lẽ “vô-thường”, ham-đắm ngũ-dục, nuôi-nấng thân mình, vui lòng thỏa ý lại tàn-hại lẫn nhau; khi vô-thường oán-kết từ xưa vụt đến, mờ-mịt không biết gì, thời có khác chi đàn trâu kia vậy!”

Trong giảng-đường khi ấy có hai trăm vị Tỳ-Khưu còn vương tính tham-lam sự cúng-dàng nghe đức Phật nói pháp ấy tự thẹn, cố-gắng sửa-chữa, được đầy-đủ thần-thông và được quả vị A-la-hán.

Mọi người trong giảng-đường vui, buồn xen lẫn, làm lễ Phật rồi lui.

Tôi tạo bộ luận này,

Hòa-hợp lời vui cười;

Thêm, bớt lời chính-thực,

Quán nghĩa hợp hay không.

Tựa như thuốc độc đắng,

Hòa-hợp cùng thạch-mật;

Thuốc để phá-hoại bệnh,

Luận này cũng như vậy.

Đùa-cười trong chính-pháp,

Như thuốc độc-dại kia;

Nhưng, chính-pháp của Phật,

Vẳng, định soi sáng đời.

Như uống thuốc thổ ra,

Dùng vị Tô[i] nhuận thể;

Nay tôi đem nghĩa ấy,

Tỏ bày lẽ “tịch-định”.

Như thuốc A-già-đà,[ii]

Dùng lá cây gói, phong;

Thuốc thoa chỗ độc rồi,

Lá cây vứt bỏ đi.

Đùa-cười như lá bọc,

Thực-nghĩa nằm ở trong;

Trí-giả dùng chính-nghĩa,

Đùa-cười nên bỏ đi![iii]

[i] Tô là váng sữa. Lấy sữa bò, sữa dê chế làm đồ ăn gọi là “lạc”, trên món lạc có một từng sữa đóng đông lại gọi là “Tô”.

[ii] A-già-đà-dược (Agada): Trung-Hoa dịch là “Bất-tử-dược” (thuốc không chết).

[iii] Toàn bài kệ này là phần cuối-cùng của kinh Bách-Dụ gồm có 98 bài ở trên. Theo giọng bài kệ và có tên ghi dưới bài kệ thời chính là Tôn-giả: Tăng-già-tư-na soạn.