Cây Khế Ven Đường

Hạnh Đoan

Cu Tý  là thủ lĩnh đám  bạn nhóc tỳ, tính rất ưa  suy gẫm. Ngày nọ, Tý và đám bạn đi đến làng nọ nô đùa, phát hiện ven đường có một cây khế. Trên cây trái chín đầy cành, xum xuê mọng nước chiếu sắc vàng óng. Lũ trẻ vừa nhìn thấy, xúm nhau chỉ chỏ kêu to, cuống quýt chạy quanh cây, chỉ có cu Tý đứng im, vẻ trầm ngâm, không chút tranh giành.

Đám nhóc tranh nhau trèo lên cây, Tèo thấy cu Tý cứ đứng ỳ ra, vội thúc: Mau trèo lên cây hái trái đi chứ! Sao đứng im như phỗng vậy? Chậm chạp quá thì không xơi được trái nào đâu nghen!

Tý lắc đầu:

Không thèm! Cây khế này vừa chua vừa khó nuốt!

Lũ nhóc hí hửng hái trái bỏ vào miệng nhai nhưng lập tức phun ra hết và kêu oai oái cùng nhăn nhó chùi miệng.

Khế đúng là chua lè, không những chua mà còn chát. Lúc này chúng mới ngẩn người, hỏi cu Tý:

– Sao mày tài thế? Chưa ăn mà đã biết là khế không ngon?

Tý cười:

– Có gì khó hiểu đâu? Trái to xum xuê trĩu cành, nằm lồ lộ trên cây ven đường, trông hấp dẫn vậy mà còn nguyên, tức là không ai dám động đến, mà không người động đến thì là khó nuốt chứ sao!

(Theo Truyện cổ Việt Nam)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Từ xưa đến nay, bất cứ cái gì có dáng ngoài hấp dẫn mà không ai dám động đến thường là khó “nuốt” rồi. Câu chuyện kể trên đây có thể trong đời ta đã từng dự vào hay làm kẻ bàng quan chứng kiến. Song xử sự thì thế nhân luôn có hai cách: 1- Quyết định tránh xa không động tới. 2- Nhào vô nếm thử để biết mùi vị nó chua, đắng như thế nào…

Cuộc đời cũng giống vậy, khi nghe nói đời là bể khổ, tình là dây oan, mọi người đều hiểu, song không phải vì vậy mà họ không lao vào. Họ sẽ lý luận là “Phải biết mùi vị nó đắng như thế nào, oan nghiệt ra sao…”. Tất nhiên, ai cũng có quyền chọn cho mình một thái độ sống, khi nghe cảnh báo quyết định lánh xa hay tự thân lao vào nếm thử rồi liễu ngộ.

Loài vật cũng biết sợ khổ và thích an vui, song chúng không có được khả năng tư duy để biết và tìm cho mình giải pháp lìa khổ, được an như con người. Đây là khả năng đặc biệt quý giá thuộc lĩnh vực trí tuệ của con người, biết suy nghĩ làm sao để chế ngự đau khổ và đạt được hạnh phúc vững bền. Bởi vậy Phật mới nói cõi người là thuận duyên nhất cho sự tu học.

Không riêng gì cây khế ven đường mà tất cả mọi thứ tài sắc, danh vọng, giàu sang… chưa chắc người có được đã ngất ngưởng tận hưởng bình an, vì cái giá họ phải trả để được sở hữu những thứ mà thế nhân hằng thèm thuồng, ao ước ấy  thường rất gay go.

Khi người nghèo sống cảnh bần hàn, nhìn cảnh người giàu lắm tiền thì cho là sướng, song họ không biết rằng tủ thuốc những nhà giàu kia chứa đầy thuốc ngủ, an thần vì đầu óc họ luôn căng thẳng không có lấy phút giây an ổn do phải lo tính toán lợi nhuận, thiệt hơn. Người nghèo tuy thiếu thốn về vật chất nhưng đầu óc họ vô tư, đơn giản…

Ngũ dục thế gian cũng giống như cây khế ven đường, người sở hữu hay làm chủ quả trái vàng óng có hình sắc quyến rũ, song vị chua chát bên trong chỉ riêng họ biết rõ mà thôi.

Ở đây không bàn đến nếm hay không nếm, cần nhất là bản thân mỗi người phải có trí, vì khi nội tâm sáng suốt họ sẽ tự biết giải quyết và ứng xử như thế nào. Song trí tuệ không thể cứ sống mặc tình hoặc ngồi đấy đợi nó tự phát. Ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu giáo pháp để thực hành, mở mang kiến thức, tô bồi tuệ căn, củng cố đức hạnh.

Đây chính là cách để giải khổ và tạo dựng hạnh phúc cho mình. Khi ta nếm được mùi vị của pháp lạc, sẽ biết thế nào là tuyệt vời, vì nó không chua và chát hay đắng như vị của “cây khế ven đường”.