Chấp Chưởng Việc Khoa Bảng

Đế Quân kể rằng: Ngọc Đế thấy ta nhiều đời học đạo Nho, chuyên tâm tận ý nghiên cứu tam phần ngũ điển,[i] liền giao phó cho ta chấp chưởng quản lý sổ bộ của thiên đình ghi chép việc khoa bảng ở nhân gian.

Hết thảy mọi việc liên quan đến sĩ tử, từ các khoa thi nơi quận huyện, cho đến những việc lớn lao như quy chế thi cử, quan phục, bổng lộc, ngạch trật, phong thưởng… đều phải trình lên ta, cho đến việc bổ nhiệm hay bãi chức các vị thừa tướng, ngự sử cũng đều do ta chưởng quản.

Lời bàn

Người thế gian nghe biết ai đó được làm quan khảo thí, liền tìm đủ mọi cách để mua chuộc, cầu cạnh, mong được chiếu cố. Nhưng vị quan ấy cũng chỉ nắm được một phần quyền hạn, không có quyền quyết định tất cả, cũng chỉ giữ quyền trong một lần bổ nhiệm, không thể kéo dài quá 3 năm. Lại như quan chủ khảo cấp dưới cũng không có quyền can dự vào các kỳ thi cấp trên; quan coi về quy chế khoa cử cũng không thể can dự vào phần việc của quan khảo tuyển. Như vậy, việc thành tựu hay thất bại trong khoa cử vẫn là do chính mình quyết định trước nhất, tuy rằng cũng có lúc không được như mong muốn. Do có nhiều quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nên việc mua chuộc đút lót quả thật là rất khó.

Giả sử như có một vị quan khảo thí hết sức sáng suốt, chí công vô tư, không bệnh không già, không có những việc tang chế trong nhà khiến phải tạm nghỉ việc, không thiên lệch cất nhắc học trò của riêng mình, không tham muốn tiêu pha tiền bạc, không phải theo ý muốn người khác mà hành xử, lại đảm trách từ việc thi cử nơi quận huyện cho đến tại kinh đô, từ quan viên lớn nhỏ cho đến tể tướng, đại thần, hết thảy đều giao cho vị ấy quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi chức. Nếu có người muốn mua chuộc cầu cạnh, vị ấy cũng không nghe theo. Ví như kẻ noi gương người như vậy, có thể gọi là sáng suốt chăng? Bằng cách nào có thể noi gương người như vậy? Xin thưa, chỉ cần cung kính học làm theo như đức hạnh của Đế Quân, góp sức lưu hành những lời răn dạy quý báu của Đế Quân là được.

[i] Tam phần ngũ điển: các thư tịch cổ phổ biến và được xem là mẫu mực để trau dồi kiến thức. Tam phần là các sách của 3 vua cổ đại: Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Ngũ điển là các sách của 5 vị: Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, NghiêuThuấn. Vào thời cổ, người thông thạo cả tam phần ngũ điển thể xem là uyên bác.