Chữ Nhẫn Trong Phật Giáo Có Ý Nghĩa Như Thế Nào

Chữ Nhẫn Trong Phật Giáo Có Ý Nghĩa Như Thế Nào?

Thủy Hương, Chiba, Nhật Bản

Nhẫn nghĩa là chịu đựng, nhường nhịn, cũng được hiểu là nhẫn nhục. Nhục là chịu khuất phục, hổ thẹn vì thấp hèn. Nhẫn nhục được xem là đồng nghĩa với kiên nhẫn, nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực chịu đựng, chịu đựng lâu bền.

Trong Phật giáo, nhẫn hay nhẫn nhục được nâng cao ý nghĩa đến tối đa. Nhẫn nhục (Sanskrit: Ksanti, Pali: Khanti, tiếng Hán: Nhẫn, An Nhẫn), nhằm chỉ cái tâm an tịnh trước mọi sự sỉ nhục, gây hại. Nhẫn nhục được đề cập trong rất nhiều kinh điển Phật giáo, nhất là ở các Kinh luận Đại thừa.

Kinh Duy Ma Cật nói đến ba loại nhẫn, qua đó, chịu đựng, an nhiên về thân, khẩu, ý: Bị hành hạ, bệnh tật, nóng lạnh… (thân); không thốt lời ác khi bị làm nhục, bị hành hạ (khẩu); không giữ sự căm hận, oán thù trong tâm (ý). Luận Du-giàĐịa nêu ba tính chất của Nhẫn: Không tức giận, không kết oán thù và không giữ ý xấu trong lòng. Kinh Giải Thâm Mật phân biệt ba ý nghĩa của Nhẫn: Không oán hận những ai gây hại cho mình (oán hại nhẫn), chịu đựng mọi sự khó khăn, đau khổ, hành hạ (an thọ khổ nhẫn) và thấy rõ bản chất của các sự vật (đế sát pháp nhẫn). Luận Đại Trí Độ phân biệt hai loại nhẫn: chấp nhận, không tức giận và vẫn thương yêu tất cả những ai gây hại cho mình (chúng sinh nhẫn); chấp nhận nguyên lý tất cả pháp đều không sinh không diệt, do đó tâm không dao động. Kinh Bồ-tát Địa Trí nêu hai loại nhẫn: chịu đựng các thứ khổ về thân như bệnh tật, bị hành hạ (an thọ khổ nhẫn) và quán sát tính không, như huyễn của mọi sự vật, do đó tâm an nhiên tự tại (quán sát pháp nhẫn). Kinh Pháp Tập nêu rõ ý nghĩa của nhẫn đồng thời là sáu năng lực của người tu nhẫn:

1/ An tĩnh trước mọi lời mắng chửi, không có ý giận hờn, thù hằn.

2/ An tĩnh khi bị người ta đánh đập, hành hạ.

3/ An tĩnh trước sự áp bức, mưu hại mà không có ý trả thù;

4/ An tĩnh trước sự tức giận của người khác;

5/ An nhiên trước sự được mất, khen chê, đề cao hay hạ thấp, khổ vui; và

6/ Không nhiễm phiền não.

Kinh Tăng Nhất A-hàm nêu tám loại sức mạnh, trong đó sức mạnh của Sa-môn là nhẫn nhục. Khá nhiều kinh Đại thừa đưa hạnh nhẫn nhục lên tối cao, đồng nghĩa với trí tuệ. Nhẫn ba-la-mậttrí tuệ tuyệt đối, là sự thể nhập tính không, tính vô sinh. Nhẫn là pháp tu, là phẩm hạnh của vị Bồ-tát đã chứng đạt ba la mật, không còn thấy ta, thấy người, tất cả chỉ là sự thể hiện tâm đại bi, thể hiện đại thệ nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh.

Thật khó có thể kể hết các gương nhẫn nhục trong kinh điển Phật giáo. Kinh Bổn Sinh (Jataka) kể nhiều chuyện về nhẫn nhục của tiền thân Đức Phật, ví dụ như Ngài từng là Thái tử, cam chịu móc mắt, xẻo thịt, chặt tay chân… mà không oán thán để cảm hóa kẻ ác. Kinh Pháp Hoa kể chuyện Bồ-tát Thường Bất Khinh, hễ gặp ai thì đảnh lễ, cúi lạy, tán thán, mặc cho người ta chê cười, xua đuổi, rồi cuối cùng đạt trí tuệ vô ngại, giáo hóa được mọi người. Các Kinh Tạp A-hàm, Trung bộ, Trưởng lão tăng kệ đều có kể chuyện Tôn giả Punna (Phú-Na) xin Đức Phật thuận cho Ngài đến giảng Pháp tại xứ Sronaparanta (Du-lãn-na) là nơi dân chúng còn sơ khai, dữ dằn. Tôn giả sẵn sàng cam chịu sự mắng chửi, ném đá, đánh đập, thậm chí có thể hy sinh thân mạng vì đao kiếm. Cuối cùng ngài giáo hóa được dân chúng xứ này. Gần gũi với chúng ta nhất là gương nhẫn nhục của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Ngài thiêu thân vì Đạo pháp, an nhiên khi lửa bùng cháy, không một cử động, không lời oán thán chính quyền kỳ thị Phật giáo của Ngô Đình Diệm.

Nhẫn nhục vốn được thể hiện từ xưa đến nay ở khắp nơi trên thế giới. Nhẫn nhục với mục đích tích cực hiền thiện thì không thể gọi là hèn nhát, tiêu cực. Nhẫn nhục trong Phật giáo như đã nói là trí tuệ, là từ bi và là bằng chứng của những cấp độ giải thoát, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.

http://tapchivanhoaphatgiao.com