Con Cái Phải Làm Gì Khi Bị Cha Mẹ Phản Đối Hôn Nhân

HỎI: Tôi sinh năm 1983, bạn trai của tôi sinh năm 1988. Chúng tôi đang công tác tại TP.HCM. Tôi là gái miền Nam, anh ấy là trai miền Bắc. Chúng tôi thật lòng tin yêu nhau và mong muốn đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, bố mẹ anh ấy lại phản đối kịch liệt vì nhiều lý do: anh là con trai một trong nhà, sợ rằng khi lấy vợ ở miền Nam thì sẽ không về thăm bố mẹ thường xuyên; mặt khác, khoảng cách tuổi tác của chúng tôi… Bố anh còn đòi từ con nếu anh ấy cứ cãi lời bố mẹ. Là một người con hiếu, anh đang rất khó xử giữa bên tình bên hiếu. Là người yêu anh, tôi thật sự rất buồn vì không thể bắt anh phải chọn giữa tình và hiếu được. Tôi biết mẹ anh ấy là Phật tử thường xuyên đi lễ chùa, niệm Phật. Vậy giáo lý nào của đạo Phậtthể khai thông nhận thức của bố mẹ anh ấy? Rất mong quý Báo cho tôi những lời khuyên.

(HOÀNG ANH, huynh_oriole11@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Hoàng Anh thân mến!

Bạn cùng người yêu của bạn yêu thương nhau thật lòng hiện đang chuẩn bị để tiến tới hôn nhân, điều này hoàn toàn xác đáng; và lẽ tất yếu là mọi người, kể cả cha mẹ hai bên cần phải tôn trọng quyết định hôn nhân của các bạn.

Hiện tại có thể vì quá xa xôi cách trở, kẻ Bắc người Nam nên bạn không có nhiều cơ hội thăm viếng gia đình anh ấy đồng thời bố mẹ của anh ấy cũng không hiểu nhiều về con dâu tương lai của mình, thậm chí không hiểu hết chính con trai của mình khi vào Nam lập nghiệp sinh sống cũng khá lâu. Khi không hiểu thì các bậc làm cha mẹ thường hay lo lắng, sợ con cái của mình vì quá yêu mà cạn nghĩ, rồi khi đã quá lo thì cậy quyền làm cha mẹ cản ngăn, cản ngăn không được thì giận dỗi đòi khước từ. Cho nên, vấn đề then chốt ở đây là hai bạn phải làm sao cho bố mẹ thực sự hiểu con cái về nhiều phương diện, nhất là về tình cảm chân thành mong muốn được nên đôi chồng vợ để tác hợp hôn nhân cho các bạn.

Những lý do để bố mẹ anh ấy phản đối hôn nhân của con cái mà bạn đã nêu như lấy vợ ở xa rồi hiếm khi về thăm, vợ lớn tuổi hơn chồng… trong chừng mực nào đó ta cũng cảm thông được nhưng không thật sự xác đáng vì đó chưa phải là nhân tố quan trọng làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc hôn nhân của hai bạn. Các bạn đã thực sự hiểu và thương yêu nhau rồi tự nguyện gắn bó với nhau mới là điều quan trọng nhất. Do đó các bạn phải nỗ lực hơn nữa trong việc làm cho gia đình hai bên hiểu về mình nhiều hơn nhằm thuyết phục bố mẹ đồng thuận với quyết định hôn nhân của mình.

Theo Phật giáo, khi hai người yêu thương nhau và quyết định đi đến hôn nhân hẳn là có duyên nghiệp với nhau nhiều đời. Ái nghiệp tuy vô hình nhưng có sức mạnh ràng buộc hai người lại với nhau và nó cũng là nhân tố quan trọng giúp hai người cùng nhau vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Nếu mẹ anh ấy là Phật tử có tu học thì nên thấu hiểu lý nhân quả-nghiệp báo, khi hai người tự nguyện kết hôn ắt hẳn họ có nhân-duyên-quả với nhau, nói nôm na là có duyên nợ với nhau nên cần hoan hỷ trợ duyên cho con cái được toại nguyện.

Sự thiếu đồng thuận của bố mẹ anh ấy hiện nay cũng là một thử thách lớn cho tình yêu của các bạn nên cần phải nhẫn nại để vượt qua. Thiết nghĩ, bên hiếu bên tình phải cân phân, không để thiên lệch bên nào. Vì thiên lệch về bất cứ bên nào thì chắc chắn các bạn cũng chịu thiệt thòi và đau khổ. Nếu hiện tại chưa thuyết phục được bố mẹ anh ấy đồng thuận cho phép kết hôn thì các bạn cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Mặt khác, các bạn cần tìm phương cách để gia đình hai bên thực sự hiểu về con cái dâu rể nhiều hơn. Chính sự thấu hiểu lẫn nhau mới hình thành sự tin cậy và thương yêu mà trợ duyên cho các bạn được tác hợp hôn nhân như ý nguyện.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn