Con Rùa Ham Nói “Chết”

Có lẽ chúng ta nên học giữ im lặng ngay từ buổi đầu để tránh những phiền toái xảy ra về sau. Tôi thường kể chuyện dưới đây cho trẻ con để giúp chúng hiểu giá trị của sự giữ im lặng.

Có một con rùa ham nói sống trong một hồ nọ trên núi cao. Mỗi khi gặp bạn đến hồ rùa bắt chuyện và nói dai khiến ai ai cũng chán ngán. Chúng bạn nghĩ rùa không thở hay sao mà nói liên tục như vậy, hay là chú ấy thở bằng tai vì chú không bao giờ lắng nghe ai cả. Chú nói quá làm ai cũng sợ chú hết. Thỏ thấy chú thỏ thụt đầu vô hang, chim thấy chú vụt bay lên ngọn cây, cá thấy chú cá lội tránh vô kẹt đá để khỏi  phải nghe chú nói hàng giờ mà không cáo lui được. Vì vậy chú rất cô đơn.

Hồ của chú rùa ham nói được dịp đón tiếp đôi ngỗng trời đến nghỉ hè. Chúng rất tốt nên chiều rùa để rùa nói bao lâu cũng được. Vả lại chúng đâu có ở đây lâu mà ngại chuyện phải nghe rùa nói dài dài. Do đó chú rùa rất thích đôi ngỗng trời này. Chú nói đến lúc sao lặn chú vẫn còn nói và đôi ngỗng cứ kiên nhẫn nghe.

Hè đi. Thu đến. Và đôi ngỗng chuẩn bị trở về quê cũ, chú rùa bắt đầu than và trách cái lạnh của mùa thu đã làm cho chú mất đôi bạn ngỗng. Chú thở dài:

“Giá mà tôi có thể đi với hai bạn, chớ ở đây tuyết sẽ đến, hồ sẽ đông lạnh và sẽ buồn chán vô ngần. Rùa chúng tôi rất tiếc không biết bay. Còn đi bộ thì biết chừng nào tới; rùa chúng tôi bò chậm lắm.”

Đôi ngỗng tốt bụng nghe rùa than động lòng nên đã đề nghị:

“Bạn rùa, anh đừng than trách nữa. Chúng tôi có thể đưa anh đi với chúng tôi nếu anh giữ cho một lời hứa”

“Tôi xin hứa.” Rùa nhanh nhẩu trả lời dẫu chưa biết phải hứa gì. Rồi chú nói tiếp: “Rùa chúng tôi luôn luôn giữ đúng lời. Mới vài ngày trước đây chính tôi đã hứa với thỏ sẽ giữ im lặng sau khi kể cho thỏ nghe hết tất cả các loại mai rùa…”

Một giờ sau khi rùa bớt nói, đôi ngỗng mới xen vô nói rằng: “Anh hứa ngậm miệng nha”

“Dễ ợt. Rùa chúng tôi nổi tiếng là giữ kín miệng; chúng tôi ít khi hả miệng lắm. Chính tôi đã giải thích cho cá biết điều này hồi gần đây và…”

Một giờ sau khi rùa bớt nói đôi ngỗng mới xen vào bảo chú cắn giữa khúc cây và hứa không bao giờ mở miệng trên đường đi. Đoạn đôi ngỗng mỗi con ngậm một đầu cây và bay bổng lên không trung. Chú rùa đeo tòn ten dưới khúc cây. Lần đầu tiên trên đời có con rùa “bay”. Rùa bay càng lúc càng cao và núi non dưới chân chú giờ chỉ còn là những chấm nhỏ li ti. Ôi rất kỳ thú! Lần đầu tiên chú rùa mới có dịp thấy như vậy. Chú cố nhìn để ghi lại tất cả trong ức hầu sau này sẽ kể lại cho bạn bè nghe.

Ngỗng và rùa bay qua núi rồi tới đồng bằng. Bình an vô sự. Đến một trường học vào lúc tan trường. Một cậu bé thấy chuyện lạ la lớn:

“Rùa bay! Tụi bây nhìn kìa, có con rùa quái gở đang bay!”

Không thể tự chế, rùa nói:

“Đứa nào dám nói … quái ..gở!”

Đó là tiếng nói sau cùng của chú rùa vì chú đã rơi cái bịch xuống đất tan xác rồi(Viết theo chuyện Tiền thân “Chuyện con rùa”- Kachapa Jataka, số 215)

Chú rùa hay nói bị chết thảm thiết vì chú không biết ngậm miệng trong lúc cần thiết. Cũng vậy, nếu chúng ta không học ngậm miệng đúng thời đúng lúc, chúng ta có thể sẽ phải chịu số phận của chú rùa.