Cúng Giỗ Giản Đơn

HỎI:Tôi có một người bạn là Phật tử tri thức, gia đình khá giả. Có một điều bạn làm tôi băn khoăn là vào những ngày giỗ ông bà, gia đình bạn không bày cỗ bàn mà chỉ chưng dọn hoa trái và trà bánh. Khi con cháu hội tụ đầy đủ thì đốt đèn, dâng hương niệm ân. Sau đó là ăn bánh, uống trà và kể chuyện về ông bà để con cháu rõ biết cội nguồn. Tôi không hiểu cúng giỗ giản đơn như vậy có phù hợp với người Phật tử không?
(HỒNG HẠNH, P.10, Q.11,TP.HCM)

ĐÁP:Bạn Hồng Hạnh thân mến!
Điều cơ bản và quan trọng nhất trong cúng bái, giỗ quảy là lễ bạc mà lòng thành. Và tất nhiên, nếu ai có điều kiện sắm sanh đầy đủ lễ phẩm cùng với lòng thành thì càng quý hóa hơn. Trong cúng giỗ, không nên quá chú trọng đến hình thức rình rang bên ngoài mà quan trọng là sự thành tâm, cung kính đối với tiền bối, kết nối được truyền thống gia tộc giữa các thế hệ với nhau và nhất là đem đến lợi ích thiết thực cho người đã mất.

Tuy nhiên, cũng không nên đơn giản quá (trừ trường hợp quá khó khăn), có thể nói lễ phẩm cúng giỗ là tùy tâm, tùy hoàn cảnh, ngoài hoa quả nhang đèn trà bánh thiết nghĩ cũng nên có cơm nước, dù đơn sơ đạm bạc. Mâm cơm, bát nước dâng cúng tổ tiên ông bà cha mẹ là biểu trưng cho lòng thành kính và phụng dưỡng. Lúc ông bà cha mẹ còn sanh tiền, việc dâng cơm nước là sự thể hiện cụ thể nhất lòng hiếu kính của con hiền cháu thảo.
Ngày xưa, mỗi khi đến vụ mùa, những nông sản đầu tiên gặt hái được đều đem cúng tổ tiên ông bà cha mẹ trước, sau đó con cháu mới dùng. Ngày nay cũng vậy, mỗi khi có món ngon đều dâng lên cha mẹ trước để thể hiện sự thương kính. Do vậy, mâm cơm dâng cúng trong ngày kỵ giỗ là những lễ phẩm cần yếu. Ngoài ý nghĩa biểu trưng, cơm nước là những vật thực mà ngoài loài người, một số chúng sanh khác có thể thọ dụng ăn uống được (như qu thần chẳng hạn). Trong trường hợp mà ông bà cha mẹ chúng ta chưa siêu thoát hoặc tái sanh vào các loài chúng sanhthể thọ dụng vật thực của loài người thì mâm cơm bát nước vừa mang ý nghĩa biểu trưng vừa có giá trị ẩm thực rất thiết thực.
Do vậy, việc tổ chức cúng giỗ tuy giản đơn nhưng hội đủ các yếu tố văn hóa và tâm linh như bạn đã nêu, trong chừng mực nào đó là tạm được, nếu lễ phẩm có thêm cơm nước nữa thì sẽ chỉn chu hơn.

                     CẦU SIÊU ĐỘ Ở NHỮNG NƠI THƯỜNG XẢY RA TAI NẠN GIAO THÔNG
HỎI
: Trước thực trạng nhiều tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở rất nhiều nơi, thiết nghĩ, Tăng Ni và Phật tử ở mỗi địa phương (những nơi xảy ra tai nạn giao thông liên tục) nên lập đàn chẩn tế cầu siêu cho các vong hồn nạn nhân được siêu thoát. Tôi nghĩ đây là một trong những việc làm thiết thực để giúp cho âm siêu dương thái, góp phần giảm thiểu tai nạn. Mong được quý Báo chia sẻ.
(VÕ ANH THY, Quy Nhơn, Bình Định)
ĐÁP:Bạn Võ Anh Thy thân mến!
Hiện nay, tại những “cung đường tử thần”, sau các sự cố tai nạn giao thông thảm khốc, gia đình nạn nhân thường tổ chức cúng tế, cầu nguyện cho các vong hồn xấu số được siêu thoát. Ở một vài địa phương, chư Tăng Ni và Phật tử đã phát tâm từ bi cúng tế, thí thực tại những nơi thường xảy ra tai nạn nhằm cầu nguyện âm siêu dương thái. Đặc biệt, trong dịp Đại lễ Vu lan-rằm tháng Bảy thì việc chẩn tế thí thực cầu siêu độ tại những nơi này càng được chú trọng hơn. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, đem lợi ích to lớn cho người còn cũng như người đã mất.
Theo Phật giáo, mọi sự việc nếu hội đủ nhân duyên thì sẽ thành tựu. Tai nạn giao thông hiện nay là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Để khắc phục, hạn chế bớt tai nạn, trước hết cần phối hợp đồng bộ về các phương diện như an toàn cầu đường, các phương tiện tham gia giao thông đạt chuẩn và nhất là nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của những người điều khiển các phương tiện giao thông. Việc tổ chức giải oan bạt độ, chẩn tế âm linh cô hồn tại những nơi thường xảy ra tai nạn để giải nghiệp cho những người tử nạn, giúp họ chuyển hóa và siêu thoát cũng rất cần thiết. Dưới tuệ giác Duyên khởi, đó cũng là một trong những nhân duyên quan trọng về phương diện tinh thần nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn