Cuộc Điện Thoại Lúc Nửa Đêm

Chuông điện   thoại reo vang  lúc nửa đêm,  người vợ thức giấc, những ý nghĩ sợ hãi hiện lên trong đầu óc còn ngái ngủ, bà vội cầm lấy ống nghe. A lô…

  – Mẹ ơi!

Bà gần như không nghe được giọng thì thầm trong tiếng nhiễu sóng. Nhưng bà lập tức nghĩ đến con gái. Khi một giọng con gái đang khóc rõ dần, bà liền chộp lấy cổ tay chồng siết chặt.

– Mẹ ơi, con biết là khuya rồi. Nhưng đừng… mẹ đừng nói gì trước khi con nói hết. Và mẹ không cần hỏi, vâng, con đã uống rượu. Con đã chạy xe như bay và…

Người vợ hít một hơi ngắn đau nhói, buông tay chồng rồi áp tay lên trán. Trí óc bà vẫn còn mờ mịt vì giấc ngủ và bà cố đẩy lùi sự sợ hãi. Có một điều không tốt đang xảy ra.

– Và con rất sợ. Con chỉ nghĩ mẹ sẽ đau như thế nào nếu một người cảnh sát đến nhà và nói con đã chết. Con muốn… về nhà. Con biết bỏ trốn là sai lầm. Con biết mẹ đã lo đến phát ốm. Đáng lẽ con phải gọi cho mẹ từ lâu nhưng con sợ… sợ…

Những tiếng khóc thành thật tràn ra khỏi ống nghe và tuôn vào tim bà. Ngay lập tức bà tưởng tượng đến khuôn mặt con gái bà và đầu óc bà như tỉnh hẳn.

– Mẹ nghĩ…

Không! Xin mẹ để con nói hết! Con xin mẹ! Con bé nài nỉ.

Bà dừng lại và cố nghĩ ra điều cần phải nói. Con bé tiếp tục với giọng nói đứt đoạn:

– Mẹ ơi! Con biết con không nên uống rượu vào lúc này, nhưng con rất sợ… Mẹ ơi! Con sợ lắm…

Giọng nói lại đứt đoạn và bà cắn môi cảm thấy mắt mình cũng ngấn lệ. Ông chồng nhìn bà đôi môi mấp máy ra dấu hỏi: Ai vậy? Bà lắc đầu. Ông chồng nhảy xuống giường lấy chiếc điện thoại không dây lắp vào cùng nghe cô bé đang nói gì.

– Mẹ còn đó không? Xin mẹ đừng gác máy! Con cần mẹ. Con rất cô độc…

Người vợ nhìn chồng chăm chăm mong ông góp ý.

– Mẹ đây, mẹ không gác máy đâu. Bà nói.

– Mẹ ơi! Tại sao mẹ không bao giờ để con kể mẹ nghe con cảm thấy thế nào, như thể cảm giác con không quan trọng. Vì mẹ là mẹ của con, mẹ nghĩ mẹ biết mọi câu trả lời. Nhưng đôi khi con không cần những câu trả lời. Con chỉ muốn có người lắng nghe con.

– Mẹ đang nghe con đây! Bà thì thầm.

Lúc này hai ông bà đã nhận ra cô gái kia không phải con mình. Cô ta đã gọi nhầm số, nhưng họ đồng tình tiếp tục trò chuyện như thể với con mình. Người vợ đã lắng nghe và nói những lời nhỏ nhẹ khuyên cô nên gọi taxi về nhà. Cô gái vẫn tin mình đang nói chuyện với mẹ. Bà thở phào nhẹ nhõm khi phía đầu dây bên kia giọng cô bé đã trở nên vui vẻ hơn nhiều: Mẹ ơi! Taxi đến rồi! Con về nhà đây! Con cúp máy mẹ nhé! Nhớ mẹ nhiều!

Xong cuộc nói chuyện, hai ông bà liền bước qua phòng bên cạnh nhìn con gái yêu đang ngon giấc. Người vợ lau nước mắt nói với chồng: Chúng ta cần phải học hạnh lắng nghe!

(Kể theo Cuộc điện thoại lúc nửa đêm, dịch giả Hạnh Loan)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Câu chuyện khiến những bậc làm cha làm mẹ phải giật mình coi lại gia cảnh của chính mình. Vì bộn bề công việc nên chúng ta không có nhiều thời gian dành cho con cái để làm cho mái ấm gia đình thật sự ấm cúng hạnh phúc. Như những cây con mới trồng, bọn trẻ rất cần sự chăm sóc tưới tẩm, thiếu hơi ấm vòng tay yêu thương của mẹ cha, chúng sẽ mất đi điểm tựa vững vàng để lớn khôn. Và… có thể một lúc nào đó, con cái chúng ta sẽ lâm vào hoàn cảnh như câu chuyện trên.

Mặc dù cha mẹ đã lo cho con đầy đủ những thứ con cần, nhưng vẫn còn một thứ mà cha mẹ hay bỏ quên đó là lắng nghe con. Bởi vì con còn quá trẻ, có rất nhiều niềm vui nhưng cũng có lắm nỗi buồn cần phải tâm sự, và chính cha mẹ là người bạn lớn, lắng nghe con để chia sẻ hạnh phúc hoặc chia sớt niềm đau.

Lắng nghe con thôi cũng đủ truyền cho con rất nhiều năng lượng tình thương, niềm tin vào cuộc sống và làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau mà con trẻ đang gặp phải. Có một câu nói rất hay: “Học nói chỉ ba năm, nhưng phải mất sáu mươi năm để học im lặng”. Học nghe hay là học im lặng cũng như nhau thôi, theo kinh nghiệm của tiền nhân bài học này phải học mãi đến tuổi sáu mươi mới đạt được, ý muốn nói học nghe thật là khó! Mọi người đều phải học, đến tuổi làm cha mẹ, ông bà cũng phải học.

Biết lắng nghe mình, lắng nghe người khác mới hiểu được, có hiểu thấu mới tha thứ được, có tha thứ mới có được yêu thương mang lại hạnh phúc cho người khác và cho chính mình. Học lắng nghe là học theo hạnh nguyện của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, nghe hết thảy niềm đau của chúng sanh để cứu khổ. Cuộc sống của xã hội hiện đại, chỉ cần một thao tác click chuột là có thể kết nối với mọi người ở khắp nơi trên thế giới, nhưng con người ngày càng cô đơn bế tắc và nổi loạn, không hiểu được nhau giữa những người thân trong gia đình.

Vậy nên, những người con Phật nên thường xuyên thực tập hạnh lắng nghe. Đó là phương thuốc hữu hiệu nhất có thể giúp cho mọi người xích lại gần nhau, hiểu nhau và thương nhau hơn mà không phải đợi đến sáu mươi năm như câu nói của nhà hiền triết.

Lê Đàn