Đổi Ý

Tâm Văn

Có một vị thương gia lập  nghiệp từ tay trắng, sau  kiếm được rất nhiều tiền  nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử.

Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:

– Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?

Cô gái buồn bã nói:

– Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không thể tiếp tục sống.

Vị thương gia vừa nghe xong lập tức nói:

– Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.

Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử.

Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm nên mà!

Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:

– Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?

Vị thương gia ậm ừ trả lời:

– Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi. (Theo Hoa Linh Thoại, Như Nguyện dịch)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Trước khi ta có được bất cứ điều gì như tài sản, danh vọng, sự nghiệp thì đó là một con số không to tướng. Người xưa nói “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” nhằm chỉ ra rằng hiếm người khi mới sinh ra đã đầy đủ phước phần, dư ăn dư để mà phần lớn những người thành đạt đều đi lên từ khó nhọc của quá khứ hàn vi, thậm chí từ tay trắng. Ấy vậy mà khi có được rồi họ thường nghĩ cách làm cho được nhiều thêm. Nếu rủi thời không đủ phước duyên khiến mất đi những gì đã có thì họ đau khổ cùng cực, một số người đã tìm đến cái chết.

Nếu bình tâm mà nhìn lại thì tuy có tổn hại, mất mát thật đấy nhưng điều đó có nghiêm trọng đến mức phải tìm đến cái chết không? Vì trước đây khi chưa có gì ta vẫn sống khỏe, sống vui trong hy vọng nữa là khác. Ngày xưa lúc ở mức số không, tay trắng ta vẫn vui thì nay lui về với số không thì quá lắm cũng bằng ngày xưa chứ đâu đã đến nỗi nào! Thấy được như vậy thì chắc chắn ta sẽ không dại dột mà tìm đến cái chết. Nếu không đủ sức để “thua keo này, bày keo khác” thì ta vẫn tìm được sự quân bình, sống thanh thản và nhẹ nhàng.

Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự thì cũng bằng lúc ta chưa có mà thôi. Phần lớn chúng ta từng sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong giai đoạn đói nghèo, gia sản chỉ gói gọn trong một chiếc ba lô nhưng vẫn yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng thì sau này dẫu có thất thế sa cơ đến tay trắng cũng chẳng đến nỗi nào, vì trước đây ta có cái gì đâu! Ai thấy được điều này là có tuệ giác. Vì khổ đau, vật vã, thù hận thậm chí quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình.

Người con gái trong câu chuyện trên khi mất người yêu nghĩ rằng không có người yêu thì không sống nổi. Chợt nhớ rằng trước khi chưa gặp “kẻ phản bội” kia thì ta vẫn sống vui, lập tức đổi ý. Người thương gia trắng tay cũng đổi ý khi ngộ ra rằng trước đây ta cũng từ tay trắng mà nên.

Con người sinh ra đời với hai bàn tay trắng và trở về cát bụi với hai bàn tay không, vậy thì sá gì với được mất, có không, vì vô thường thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này. Hãy quán chiếu thật sâu sắc vào sự chuyển biến vô thường của cuộc đời để sống bình thường trước mọi biến động có thể xảy đến với ta bất cứ lúc nào.