Giấm Của Tosui

Tosui là một thiền sư đã bỏ hình thức những ngôi chùa để sống dưới một cây cầu với những kẻ ăn xin. Khi Tosui già yếu, một người bạn giúp chỉ cho Tosui lượm gạo để làm giấm. Tosui làm như thế cho tới khi ông qua đời. Trong khi Tosui làm giấm, một người ăn mày biếu ông một bức hình Phật. Tosui treo bức hình lên vách lều và ghi vào cạnh bức hình: “Thưa ông Phật A Di Dà, cái phòng này quá nhỏ. Tôi có thể để ông lại đây nhất thời. Nhưng xin đừng có nghĩ rằng tôi cầu nguyện ông để ông giúp tôi được tái sanh nơi cõi nước của ông đấy nhé.”

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn nghĩ thế nào cuộc đời hành đạo của Thiền sư Tosui?

2/ Trong thời hiện đại có ai hành thiền như Tosui không? Tại sao?

3/ Có điểm mâu thuẩn nào giữa đời sống đạo và thực tế của Tosui không?

4/ Tu thiền không cần mọi hình thức tụng kinh? Bạn nghĩ sao?

5/ Tu thiền định sau khi chết cầu sanh về thế giới nào?

NHẬN XÉT GÓP Ý

1- Ở ngoài đời cũng như trong đạo có những người làm được những việc phi thường mà nhiều người không làm được. Thiền sư Tosui là một thí dụ điển hình:

Tu tập không cần hình thức ngôi chùa đầy đủ tiện nghi mà sống đơn giản dưới gầm cầu thiếu thốn mọi mặt,

– Bốn sự thiết yếu hay bốn nhu cầu căn bản của nhà tu hành như: ăn uống, y phục, chỗ ở và y tế thuốc men xem như con số không không đáng kể.

– Thực hành đúng tâm nguyện theo hạnh xả ly.

Nhứt bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu

 

(Một mình dạo khắp ta bà

Ôm bình bát pháp mọi nhà xin ăn

Chỉsanh tử đảo điên

Xuân thu giáo hoá gieo duyên độ đời”

(Thích Bảo Lạc dịch)

2- Thời hiện đại là thời của tín học, của văn minh khoa học v.v… con người mãi chạy theo mode thời trang (fashion) mỗi ngày càng đổi mới; và tự cho đó là tiến bộ phi thường để rồi quên mình và hụt hẩng trong tiện nghi vật chất; đến lúc ý thức được thì cũng đã quá trể tràng! Có ai cầm đuốc đi ngược gió: chèo thuyền ngược sóng, phải nếm đủ mùi vị cay đắng mà vẫn an bần lạc đạo. Người đó là Tosui của thời đại !

3- Ý câu hỏi muốn nhắm tới người tu thiền quá cố chấp, thì quả tình Tosui có nhiều điểm mâu thuẩn với việc hành đạo như sau:

– Hình Phật A Di Ðà để cho người thực hành pháp môn tịnh độ

– Gọi Phật bằng Mr thay vì Lord (Ngài, Ðức) quả tình đương sự không mấy tin tưởng mà vẫn để thờ đã là một việc lạ;

Lại xem bức hình Phật bằng giấy như là một nhân vật sống đang hiện trước mình qua cuộc độc thoại cách tự nhiên là một chuyện lạ thứ hai.

– Nếu không tin Phật A Di Ðà thì chỉ việc hạ khung hình xuống và cất đi, tại sao vẫn để thờ là một việc lạ thứ ba …

4- Nếu tu thiền mà đạt ngộ thiền; nhập vào các cõi sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền như hàng Bồ Tát mới không cần hình thức. Chúng ta dù là bậc thiện nhân tu thiền vẫn phải cần hình thức như tụng kinh, lao tác, quán tưởng…để dứt trừ nghiệp lực há vô bổ lắm sao? Nếu chủ trương thiền phá bỏ mọi hình thức như tụng kinh mà cho là loạn tâm, chỉ e đắc tội khinh mạn Phật và chư Tổ mà thôi!

5-Ta hãy nghe Tổ Qui Sơn Linh Hựu thiền sư quở trách người hành thiền sai pháp rằng;

Tiền lộ mang mang

Vị tri hà vãng

(Ðường trước mờ mờ

chưa biết về đâu)

Như thế, há không luống phí một đời hành đạo lắm sao?

Như người đi buôn có sắp đặt kế hoạch trước, nông phu có chuẩn bị sẵn sàng chờ mùa gặt tới, người bác sĩ đợi ngày ra trường để phục vụ tha nhân theo ngành chuyên môn của mình; người hành thiền cũng vậy, phải đủ tư lương lộ trình và đích đến. Ðó là dự án tối thiểu nếu thiếu chuẩn bị hẳn gặp vô vàn khó khăn, như thanh niên vào đời, đứng trước ngã ba đường vô định không biết hướng về đâu, thật là đáng thương trách…

Nguồn:tuvienquangduc.com.au