Giết Hại Vật Mạng Liên Lụy Đến Người Chết

Vào thời Tiền Đường, có người cư sĩ họ Kim, thành tín kiên trì giữ gìn trai giới. Sau khi chết, người này có lần nhập vào một bé trai nói với người nhà rằng: “Ta tuy có tu hành nhưng nghiệp lành vẫn còn chưa đủ để được vãng sinh Tịnh độ. Nay đang ở cõi âm nhưng được an vui lắm, có thể tự do đi lại.”

Sau đó một thời gian, họ Kim cũng nhập vào đứa bé trai ấy mà trách mắng vợ con rằng: “Tại sao lúc xây mộ cho ta lại giết gà cúng tế? Vì việc ấy mà bây giờ ta đi đâu cũng có hai người theo giám sát, không còn được tự do nữa.”

Khi ấy, đứa con dâu của họ Kim đang mang thai, người nhà liền đem việc ấy ra hỏi, họ Kim nói: “Lần này sẽ sinh con trai, mẹ tròn con vuông. Nhưng lần sau cũng sinh con trai nữa, mẹ con đều chết.” Mọi người đều lấy làm lạ, liền ghi chép lại lời ấy. Sau quả nhiên xảy ra đúng như vậy.

Cúng tế không thể chỉ dùng rau cải sơ sài, [có thể bày biện thêm các loại bánh trái, nhưng] quan trọng nhất là không được giết hại vật mạng.

Người đời mỗi khi thành tựu công danh, được như ý muốn, liền mổ lợn giết dê cúng tế tổ tiên thật linh đình. Bản thân người làm việc ấy vốn đã dương dương tự mãn, xem đó là việc làm vinh dự tổ tiên dòng tộc, mà những kẻ đứng ngoài cũng luôn dòm ngó vào, lao xao xưng tụng. Nhưng thử hỏi vào lúc ấy liệu ông bà tổ tiên có thực sự chạm đũa thọ hưởng được miếng nào chăng?

Giết hại vật mạng như thế thật vô ích, chỉ khiến ông bà cha mẹ [quá cố] phải đắm chìm sâu hơn trong nghiệp chướng. Người chết mà biết được, ắt không khỏi đau đớn ôm lòng oán hận nơi chín suối. Thật không bằng những người nghèo khó chỉ dùng hoa quả canh rau đơn sơ mà thành tâm cúng tế tổ tiên, như thế chẳng phải lại là tốt hơn đó sao?