Hiếu Thảo Không Thẹn Với Lòng

Đế Quân kể rằng: Thân phụ ta họ Trương, tên húy là Vô Kỵ, làm quan Bảo Thị[i] dưới triều Chu Lệ Vương.[ii] Khi ấy, vua đàn áp những người chỉ ra lỗi lầm của mình, thậm chí giam cầm. Vua giận cha ta thẳng thắn can gián, đày đi Phiên Dung[iii] cho đến chết. Khi ấy ta còn nhỏ, theo mẹ đến Phiên Dung đưa di thể cha ta về an táng ở Hà Sóc.[iv]

Năm ta được mười tuổi đến trường học, lấy tên tự Trung Tự, là có ý muốn nối theo chí hướng cha ta. Đến tuổi trưởng thành, khi ông nội ta qua đời, tên tự của ta là Trọng.[v] Mẹ ta hiền thục sáng suốt, hết lòng dạy dỗ cho ta.[vi]

Đến khi Chu Tuyên Vương[vii] lên nối ngôi, ban chiếu xem xét lại đối với hậu duệ của những người trước đây bị chết vì sai lầm của vua trước. Ta vâng lời dạy của mẫu thân, đến kinh thành dâng biểu minh oan cho cha. Tuyên Vương ban chiếu khôi phục quan chức cho cha ta, ban tên thụy là Hiến,[viii] lại phong ta làm quan Bảo Thị, nối chức cha ta.

Ta có người anh trai tên Trương Doãn Tư, không may mất sớm, mẹ ta đau buồn khôn nguôi. Ta thường lấy việc con thứ có thể kham nhận nối dõi thay cho huynh trưởng để an ủi mẫu thân.

Khi bà nội ta là Triệu thị qua đời, không lâu sau ông nội cũng tạ thế, ta lấy danh phận là cháu nội, thay cha chịu tang ông bà trong 3 năm. Do bi thương quá độ nên thân thể suy kiệt, trong triều ngoài nội đều nghe biết, ngợi khen ta là hiếu thảo. Do đó mà người đời hết lòng kính trọng, mỗi khi gặp ta chỉ gọi bằng tên tự, không dùng tục danh.

[i] Là chức quan giữ việc giúp vua giữ đúng theo lễ nghĩa, chính đạo, kiêm việc dạy dỗ con em trong hoàng tộc.

[ii] Chu Lệ Vương (周厲王), niên đại chưa thể xác định chắc chắn, nhưng thời gian trị vì rơi vào khoảng sớm nhất là năm 878 trước Công nguyên, và chấm dứt muộn nhất cũng vào khoảng năm 842 trước Công nguyên. Ông tên thật là Cơ Hồ (姬胡), là vua thứ 10 của nhà Tây Chu.

[iii] Nay thuộc tỉnh Giang Tây.

[iv] Nằm về phía bắc sông Hoàng hà.

[v] Chữ Trọng (仲) thường được dùng cho người con thứ. Vì Đế Quân có người anh đã chết sớm.

[vi] Theo lời Đế Quân kể lại thì mẹ ngài mỗi ngày đều tụng Quán kinh (觀經), tức kinh Quán Vô Lượng Thọ, về già không bệnh, an nhiên ngồi mà thị tịch. Như thế có thể tin được rằng vào thời ấy đã có Phật pháp truyền đến. (Chú giải của soạn giả)

[vii] Chu Tuyên Vương cai trị trong khoảng từ năm 827 đến năm 782 trước Công nguyên.

[viii] Hiến (獻) có nghĩa là người hiền.