Hòa Thượng Lâm Em (1898-1979)

Hòa thượng Lâm Em, sinh năm 1898 tại làng Mỹ Tú, huyện Sóc Trăng, trong một gia đình người Khmer có truyền thống tu học Phật giáo theo tôn chỉ của bộ phái Theravàda.

Những khi rảnh rỗi, Ngài thường được song thân tạo điều kiện để sớm biết rõ các nghi lễ, giờ giấc tu học của Phật tử tại gia. Với bẩm tính thông minh và sẵn có một tấm lòng thiết tha vì đạo, Ngài đã nhanh chóng hấp thụ được truyền thống tu học của gia đình, và chính sự trợ duyên gần gũi lớn lao đó đã hỗ trợ không ít cho bước đường tu học của Ngài sau này.

Năm Bính Thìn (1916), được sự đồng ý của cha mẹ, đồng thời nhận thấy niềm vinh dự lớn lao của một gia đình có người xuất gia học đạo, Ngài chính thức xuất gia (năm 18 tuổi), thọ giới Sa Di tại chùa Bố Thảo, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Năm Canh Thân (1920), sau thời gian chuyên cần tu học, Ngài thọ Tỳ Kheo giới, cũng tại chùa Bố Thảo (năm 22 tuổi).

Từ đó Ngài được cử đi tham học kinh tạng và luật tạng nơi các chùa trong tỉnh lẫn các nơi khác. Đến đâu Ngài cũng được các Trưởng lão quý mến, hết lòng dạy bảo. Tăng chúng cùng thời cũng thích được gần gũi và trao đổi kết quả học tập với Ngài, tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong giáo đoàn.

Ý thức rằng bản thân cần phải nâng cao trình độ tu học, cần có kiến thức căn bản về Phật học Nguyên Thủy từ kinh tạng Pàli, mang ý chí tiến thủ đó, Ngài sang tận Campuchia, gặp gỡ và cầu học nơi các Trưởng lão cao minh, đó là năm 1938. Cùng thời gian tham cứu kinh tạng Pàli ấy, Ngài còn học tham thiền một cách nghiêm túc, nên định lực và trí tuệ phát triển, đạt nhiều kết quả tốt. Đặc biệt, từ năm 1940 Ngài đã thực hành hạnh Đầu Đà ngay trong rừng suốt tám năm. Đến giữa năm 1947 Ngài mới xả hạnh.

Cuối năm 1948, Ngài trở về Việt Nam bắt đầu hoằng hóa, truyền đạt kinh nghiệm tu hành cho thế hệ kế tiếp. Ngài đã kiến tạo được trong cộng đồng Phật giáo Khmer một sắc thái sinh động khác với thời gian trước, bắt nhịp cùng phong trào chấn hưng Phật giáo chung của đất nước. Từ đó, giới Phật giáo người Việt gốc Miên có cơ hội gần gũi và gắn bó chung với Phật giáo Việt Nam.

Thể hiện sự hòa nhập đó, Ngài lên Sài Gòn, tìm đến cộng đồng người Việt gốc Miên sinh sống ở đây truyền đạt tâm nguyện, được đa số ủng hộ, sẵn sàng trợ duyên cho hoài bão của Ngài là muốn có ngay giữa đất Sài Gòn này một ngôi chùa lễ bái theo tông phái Theravàda chính thống. Đầu tiên, Ngài đã dựng lên một cái cốc nhỏ bên bờ rạch Nhiêu Lộc vùng Tân Định để có nơi tu và chờ đợi những trợ duyên.

Năm 1948, Hòa thượng Oul Srây từ Campuchia sang Sài gòn thăm họ hàng, Ngài cùng toàn thể Phật tử cung thỉnh Hòa thượnglại để trợ duyên cùng nhau xây cất ngôi chùa. Thế là không lâu sau từ cốc nhỏ của Ngài, trên bãi đất lầy đầy cỏ dại và ô rô bên bờ kinh Nhiêu Lộc, đã hình thành một ngôi chùa uy nghi đồ sộ, theo truyền thống Khmer. Đó là chùa Chăntarănsây (Candaransi, hiện nay mang số 164/235 đường Trần Quốc Thảo – Quận 3 – thành phố Hồ chí Minh). Ngài bắt đầu trụ trì ngôi chùa này ngay từ năm Mậu Tý (1948) sau khi vừa hoàn thành.

Theo đạo dụ số 10 của chính thể Ngô Đình Diệm, Phật giáo Khmer Theravàda cũng cùng chung số phận bị ngược đãi, kỳ thị. Do đó trong Pháp nạn 1963, Ngài đã dấn thân cùng các vị Tôn túc lãnh đạo và hàng trăm nghìn Phật tử tham gia đấu tranh chống đàn áp Phật giáo, đòi hỏi bình đẳng, tự do tín ngưỡng. Nên Ngài đã bị bắt nhiều lần ngay tại Sài Gòn.

Là Tăng trưởng Theravàda, thành viên trong Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, ngày 10.5.1963, Ngài lên tiếng ủng hộ bản tuyên ngôn của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đòi hỏi chính phủ phải thực thi năm nguyện vọng chính đáng của giới Phật giáo. Ngày 15.5.1963, Ngài có mặt trong phái đoàn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đến dinh Gia Long để trao tận tay Ngô Đình Diệm bản tuyên ngôn ấy.

Ngày 21.5.1963, Ngài được bầu là một trong năm vị Cố vấn của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo (cùng Hòa thượng Minh Trực và các Thượng tọa Trí Quang, Pháp Tri, Thiện MinhThanh Thái). Đây là một tổ chức cần thiết phải ra đời trong cơn nguy biến của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Ngày 30-5-1963 theo chủ trương của Ủy Ban Liên Phái, Ngài đã tuyệt thực 48 giờ. Đó cũng là ngày đầu tiên cả Sài Gòn tuyệt thực mang ý nghĩa tiên phong cho các cuộc đấu tranh bất bạo động sau này. Lại cũng là ngày đầu tiên Sinh viên – Học sinh và Thanh niên nhập cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng tôn giáo và hòa hợp dân tộc.

Ngày 3.6.1963 cùng chung số phận với các chùa đối tượng của lệnh phong tỏa, chùa Chăntarănsây cũng bị chánh quyền bao vây gắt gao, vì Ngài có chân trong Ban cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Cũng bởi thế, sau cuộc tuyệt thực tại chùa Xá Lợi ngày 15.7.1963 do Ủy ban đề xướng, các Tăng sĩ người Việt gốc Miên càng bị tra hỏi và bị bố ráp đàn áp. Ngài và tất cả Tăng chúng Việt gốc Miên đều bị bắt nhốt bốn ngày.

Ngày 9.7.1963, Ngài lên tiếng phản đối Bộ Nội Vụ chính thể Ngô Đình Diệm đã Nghị định về việc treo cờ Phật giáo riêng cho đơn vị nào trực thuộc Tổng Hội. Đây là hình thức chia rẽ Phật giáo lâu dài.

Ngày 11.8.1963, Ngài vân tập Tăng sĩ Theravàda thành hàng ngũ chỉnh tề về chùa Xá Lợi tham dự lễ cầu siêu Đại Đức Nguyên Hương tự thiêu ngày 4.8.1963.

Năm 1965, Ngài được bầu vào chức vụ Tăng trưởng Giáo Hội Theravàda.

Năm 1970, Ngài được mời làm thành viên trong Hội Đồng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sau năm 1975, Ngài được mời tham gia vào Ủy Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1979 với tuổi già sức yếu, Ngài bệnh nhẹ và viên tịch lúc 15 giờ 40′ ngày 8.10 (Kattika) năm K Mùi, nhằm ngày chủ nhật 28.10.1979. Ngài hưởng thọ 81 tuổi, xuất gia 63 năm. Nhục thân Ngài được trà tỳ theo truyền thống Phật giáo Khmer và được thờ tại chùa Chăntarănxây.