Hòa Thượng Liên Tôn – Thích Huyền Ý (1891-1951)

Hòa thượng Liên Tôn, thế danh Võ Trấp, hiệu Đồng Gian (Thiện Minh Tử), pháp danh Như Phước, tự Giải Tiềm, hiệu Huyền Ý (Liên Tôn là tên ngôi chùa do Ngài khai sơn năm được 41 tuổi).

Ngài sinh ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1891) tại làng Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Ngài là con út lạitrai duy nhất trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha mẹ là ông bà Tú tài Võ Toản và Lê Thị Viện pháp danh Trừng Viện. Ngay sau khi sinh, thân mẫu đã đem Ngài đến quy y với Hòa thượng chùa Tịnh Lâm (huyện Phù Cát) hiệu Từ Mẫn, được ban pháp danh Như Phước.

Năm 1899, khi vừa 8 tuổi, Ngài được gia đình cho mời thầy về tận nhà để dạy học, với ước nguyện mai sau, Ngài sẽ tiếp nối con đường khoa bảng, vinh hiển như cha, anh. Vì thế Ngài đã sớm làu thông chữ Hán lẫn Quốc ngữ.

Năm 1910, khi vừa 19 tuổi, vì là con trai duy nhất nên Ngài đành thuận ý cha mẹ để lập gia đình với cô Phạm Thị Thuận người cùng làng, đã được cha mẹ đôi bên ngầm giao kết từ lâu [i].

Ngài thi đỗ bằng Tú tài năm 21 tuổi nhờ vào sức học tinh tấn và sự hỗ trợ của gia đình. Năm 23 tuổi, Ngài tốt nghiệp ngành sư phạm và được bổ ngay học vị Giáo sư.

Thời gian tiếp theo, Ngài vừa dạy học vừa chuyên tâm nghiên cứu kinh tạng. Nhờ uyên thâm Hán học và khả năng nhận thức, Ngài dễ dàng thâm nhập vào tinh hoa Phật pháp. Đồng thời Ngài hướng dẫn gia đình cùng tu, khuyến hóa người chung quanh đến với Phật giáo. Trong quá trình tham cứu nội tạng kinh điển, Ngài đặc biệt chú ý đến bộ sách hai quyển Long Thơ Tịnh Độ (Do hòa thượng Bích Liên – Trí Hải cho mượn). Đó là nhân duyên phát khởi và cũng là nội dung hành hóa được Ngài mang theo suốt cả quảng đời.

Năm 1929, lúc 38 tuổi, Ngài đến xin xuất gia với Tổ Từ Mẫn, chùa Tịnh Lâm Bình Định [ii]

Tuy xuất gia muộn, nhưng do thời gian còn tại gia Ngài đã tiếp xúc nghiên cứu và thâm nhập Tam tạng giáo điển, hơn nữa, nhờ được gần gũi với Ngài Trí Hải, nên Ngài sớm tỏ ngộ thiền lý và nhanh chóng trở nên một vị học hạnh kiêm toàn. Trong giai đoạn này, từ sở học uyên thâm và được chư sơn khuyến khích, Ngài đã sáng tác bài thơ nổi tiếng bằng chữ Hán tựa là “Đáo Liên Thành Lộ”.

Năm Tân Mùi (1931) Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học theo đề nghị của Hòa thượng Bích Liên và Hòa thượng Khánh Hòa, đã cử Ngài vào Nam để nhận trọng trách Phó Chủ bút tạp chí Từ Bi Âm, cùng điều hành tòa soạn với Hòa thượng Bích Liên.

Nhờ sự hợp lực tâm đắc ấy trong thời gian từ 1932 đến 1938, Ngài đã góp phần đưa tạp chí Từ Bi Âm trở thành một công cụ truyền bá Phật học uy tín nhất, nổi tiếng nhất thời bấy giờ, góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Để tán thán công đức Ngài, tạp chí Từ Bi Âm đã dành hẳn một số để giới thiệu về thân thế sự nghiệp Ngài.

Năm Nhâm Thân (1932) Ngài về lại quê nhà, khai sơn chùa Liên Tôn [iii], xong Ngài trở vào Nam tiếp tục sự nghiệp Phó chủ bút báo Từ Bi Âm và danh từ Liên Tôn theo truyền thống miền Trung được dành gọi thay tên Ngài.

Năm Mậu Dần (1938) báo Từ Bi Âm bị đình bản, Ngài về chùa Liên Tôn, tiếp tục nghiên cứu giáo pháp bên cạnh phụ thân.

Năm K Sửu (1949) trong tình hình đất nước đang bước vào giai đoạn quan trọng và vì muốn đem đạo hòa nhập vào thời cuộc. Ngài đã hoan hỷ nhận lời mời của chư vị có nhiệt tình cách mạng, nhận chức Hội trưởng hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5.

Trong cương vị mới mẻ ấy, Ngài đã được các vị cùng thời hỗ trợ và ủng hộ rất nhiệt tình. Trong ban lãnh đạo HộiHòa thượng Phước Hộ và Hòa thượng Trí Nghiêm là hai ủy viênHòa thượng Huyền Quang là Tổng thư .

Từ đó về sau, Ngài luôn thể hiện tinh thần tiến thủ mang nhiều ý niệm cách tân và củng cố nếp sống thiền gia cho Tăng chúng theo tinh thần Phật giáo phát triển. Đáng kể nhất là chủ trương Thiền Tịnh song tu. Kế nữa là việc rộng mở theo giới luật tìm mọi phương cách khả thi để Ni giới có điều kiện thực nhập tiến tu theo đà phát triển, đúng với chủ trương chấn hưng.

Các đệ tử thọ pháp trực tiếp với Ngài rất nhiều, hiện nay chỉ còn Hòa thượng Đồng Huy, về phía Ni giới có Sư bà Tâm Đăng trú trì chùa Linh Sơn [iv] v.v…

Một điểm đáng lưu ý Sư bà Hương Quang [v] là người con thứ tám của Ngài cũng nối gót theo con đường giải thoát trong thời gian Ngài trở về khai sơn Liên Tôn Tự. Sư bà thọ pháp xuất gia với Hòa thượng Trí Hải, sớm trở nên một trong nhiều Ni chúng xuất sắc thời ấy, xứng đáng trong hàng hậu duệ tích cực nhất không chỉ vì mối quan hệ trực thuộc gia đình mà còn do sở học và ý chí tiến tu.

Năm Tân Mão (1951) Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định tổ chức khóa huấn luyện cán sự hành chánh tại xã Cát Thắng, huyện Phù Cát vào ngày 18 tháng giêng. Trong hàng tứ chúng có sự hiện diện của Ngài. Đến ngày 27 tháng giêng, khóa học được bế mạc và theo lời mời của Ngài, toàn thể nhân sự của khóa huấn luyện đều về chùa Liên Tôn thọ trai. Chính trong ngày ấy, Ngài đã thị tịch trước đại chúng có mặt, hưởng thọ 60 tuổi đời, 22 giới lạp.

Hiện tháp của Ngài tọa lạc phía Tây Nam trong khuôn viên chùa Liên Tôn.

Tác phẩm của Ngài, ngoài bài thơ Đáo Liên Thành Lộ còn có trước tác và phiên dịch:

Sa Di Luật diễn nghĩa.

A Di Đà kinh diễn nghĩa.

Kim Cang Bát Nhã diễn nghĩa.

– Chứng Đạo Ca diễn nghĩa.

Kinh Pháp Bảo Đàn.

– Luận về Nhơn Quả.

– Luận về Niết Bàn.

Nghiên cứu duy thức A Lại Da.

– Luận về sáu pháp Ba La Mật.

– Luận về Chánh tín – Mê tín.

Tiểu thuyết:

– Hiếu nghĩa cảm phẩm.

Tu là Cội phúc.

Rất tiếc, các tác phẩm này, đáng kể nhất là bài thơ Đáo Liên Thành Lộ, cho đến ngày nay vẫn còn thất lạc chưa tìm được [vi].

Với bấy nhiêu công đức, Pháp sư Liên Tôn xứng đáng nhận sự kính trọng và mến mộ của thời nhân và hậu thế.

[i] Có tài liệu khác: Ngài đã có con trai, con gái, có người tham gia kháng chiến. Riêng người con gáitập kết ra Bắc năm 1954 và đã trở về quê nhà sau 1975.

[ii] Có nơi ghi rằng Ngài đã cầu xuất gia với Hòa thượng Trí Hải.

[iii] Chùa Liên Tôn được tái thiết lần đầu vào năm Bính Thân (1956). Năm Giáp Thìn (1964) bị chiến tranh tàn phá, mãi đến năm Tân Dậu (1981) mới được tái tạo quy mô lần thứ hai. Cả hai lần tái tạo ấy đều do Sư bà Hương Quang đứng ra thực hiện.

[iv] Hòa thượng Đồng Huy nay là Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bà Rịa – Vũng Tàu. Sư bà Tâm Đăng được Ngài ban pháp hiệu dựa theo kệ “TÁNH, HẢI, THANH, TRỪNG, TÂM, NGUYỆN, QUÃNG, NHUẬN “ của Tổ Thiệt Diệu (dòng kệ quy y) nhưng pháp tự lạiHạnh Viên (theo kệ Pháp Tự) “TỔ, ĐẠO, GIẢI, HẠNH, THÔNG v.v…” của Tổ Minh Hải (dòng Thế Độ).

[v] Sư bà Hương Quang được Hòa thượng Trí Hải ban pháp danh là THÍCH NỮ TỊNH VIÊN, thế danh là Võ thị Kim Đính.

[vi] Có tài liệu cho biết các trước tác, dịch thuật của Ngài hiện Sư bà Thích Nữ Tịnh Viên, Tọa chủ Hương Quang Ni Viện, ở thôn Trung Tín, thị trấn Tuy Phước, lưu giữ (chúng tôi chưa kịp xác minh, sưu tầm).