Hòa Thượng Sơn Vọng (1886-1963)

 

 

Hòa thượng Sơn Vọng [i]Pháp danh Visuddhi Paĩĩo (Thanh Tịnh Tuệ). Sinh ngày thứ hai, mồng 3 tháng 11 năm Bính Tuất (PL 2428), nhằm cuối năm Dương lịch 1886, tại Phnô Phrem xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Lợi (huyện Cầu Ngang hiện nay), tỉnh Trà Vinh.

Ngài sanh trưởng trong một gia đình người Việt gốc Khmer. Thân phụ là ông Sơn Tân và thân mẫu là bà Sơn Thị Tích. Ông bà cũng như các gia đình gốc Khmer khác rất sùng tín Phật giáo, một lòng hộ trì và tuyệt đối vững tin Phật pháp. Vì vậy ngay từ thuở ấu thơ Ngài đã sớm được làm quen với sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình và các hình thức lễ hội, kể cả học hành tại ngôi chùa Khmer truyền thống trong vùng.

Năm K Hợi (1899) 14 tuổi Ngài được đến học chữ Khmer tại chùa Bodhinàgàràma Raja Malla (chùa cũ) do đích thân Sư Keo trụ trì kèm dạy. Đây chính là thuận duyên tấn nhập đầu tiên để Ngài gần gũi với nếp sống tu hành của những vị xuất gia. Từ đó ngoài những buổi học chữ là các cuộc hội nhập trong tình thầy trò mật thiết. Nhờ đó ý niệm xuất gia cao đẹp đã hình thành nơi Ngài một cách vững chắc. Cũng từ ấy khái niệm tình yêu quê hương đất nước đã bắt đầu trổi dậy khi Ngài nhìn bầu trời mỗi chiều có cánh diều tuổi thơ của Ngài đang rộng mây tắm gió.

Năm Nhâm Dần (1902), lúc này Ngài lên 17 tuổi, đủ sức nhận định mọi diễn biến chung quanh và bắt đầu ghi đậm vào tâm trí những cảnh cơ cực của không riêng gì đồng bào Khmer. Cuộc sống vẫn còn nhiều đói khổ, có khi phải giành nhau từng miếng ăn để sinh tồn. Do đó khi Sư Keo là thầy dạy chữ của mình vì Phật sự phải về chùa Jaya Satthàratana (Chếc Chrum) trụ trì, Ngài liền xin phép song thân theo đến đó để xin thọ giới xuất gia.

Liền sau khi xuất gia thọ giới Sa di [ii], Ngài được gởi đi tham học giáo lý với Sư Prak tại chùa Phướng. Được một năm Ngài trở lại chùa cũ.

Năm Đinh Mùi (1907) lúc 22 tuổi Ngài được thọ Tỳ Kheo giới tại chùa Bodhinàgàràma Ràja Malla (tức chùa cũ). Được Hòa thượng Tăng Phô làm thầy tế độ, Hòa thượng Keo chùa Jaya Satthàratana làm thầy tuyên ngôn, Hòa thượng Uôk chùa Bodhinàgà làm Thầy Amsàvanàcarva (tức Yết Ma) và được ban Pháp danh là Brahmasaro, có nghĩa là “Bờ Phạm Hạnh”.

Khi đã trở thành vị Tỳ Kheo, nhiệm vụ càng thêm nặng nề nhất là phải sách tấn, trau dồi thêm luận lý Phật pháp, Do đó Ngài xin ở lại chùa Chếc-Chrum (chùa Dòng Chuối) để tiếp tục tham học bốn năm.

Năm Canh Tuất (1910), Ngài lại đến học tại chùa Prèi-Chas thuộc tỉnh Battambang, Campuchia. Trong vòng một năm nơi đây Ngài chuyên học về Thiền Chỉ (Samatha Kammatthàna) với Sư Chum.

Năm Tân Hợi (1911), Ngài trở về Trà Vinh, lúc này Ngài đã 28 tuổi, được 7 hạ lạp, Ngài được Tăng đoàn Sư Sãi đề cử trụ trì chùa Dòng Chuối (Jaya- Satthàratana). Trong trách nhiệm trụ trì, Ngài đã cho trùng tu rất nhiều công trình hầu giúp ngôi chùa này thêm vững bền với thời gian từ chánh điện đến giảng đường, trai đường và liêu cốc, kể cả giếng và hồ chứa nước… Đó là bước đầu trong dự định biến nơi đây thành trường lớp đào tạo Sư Sãi theo giáo trình biệt lập và có quy cũ. Ngài đã được sự đồng tình của Sư Sãi và quần chúng Phật tử, khiến mọi việc đều thành công sớm hơn dự tính. Cũng nhờ sự ủng hộ đó, Ngài đã thực hiện được ước mơ thỉnh từ Campuchia bộ Tam Tạng Kinh Luật bằng tiếng Pàli-Khmer về để phiên dịch phục vụ công việc tu học của Tăng sĩ Phật giáo Khmer Nam bộ. Tuy chỉ mới thỉnh được 35 quyển do điều kiện đi lại nhằm giữa lúc chiến tranh ác liệt, nhưng cũng tạo nên tiếng vang rất lớn thời bấy giờ, làm ích lợi lâu dài cho cộng đồng tu Phật.

Năm Ất Mẹo (1915), Ngài còn giúp xây giảng đường lớn trang trí sửa sang lại Bồ Đoàn và tượng Phật lớn. tại chùa Tổ Ràjamala (Trà Vinh). Ngoài ra Ngài còn giúp trùng tu, sửa sang chùa Cakka ở xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) và chùa Bình Phú (huyện Càn Long, tỉnh Cửu Long).

Năm K Mùi (1919), thời gian này Ngài tập trung nhiều cho công tác từ thiệnhội, góp phần nâng cao mức sống và tạo niềm tin nơi cộng đồng Khmer Nam bộ. Ngoài việc xây dựng đường sá, nhà cửa cho dân nghèo, Ngài còn cho xây nhiều hội trường, trường học phục vụ công tác giáo dục trẻ em. Đặc biệt tại chùa Dòng Chuối, (Jaya Satthàratana Chếc Chrum), Ngài còn cho xây một lò hỏa táng phục vụ tang chế theo truyền thống Phật giáo Nam Tông v.v… Đó là khoảng thời gian dài Ngài đã tích cực góp phần vào cộng đồng xã hội, vì nền giáo dục và sinh hoạt của đồng bào Khmer đều chỉ dựa vào các ngôi chùa mà giáo viên không ai khác hơn là những vị Sư Sãi.

Từ những năm Canh Ngọ (1930) đến năm Canh Dần (1950), Ngài lại tập trung vào công việc đào tạo Sư Sãi. Vì vậy các giảng đường rộng lớn nơi các ngôi chùa quanh vùng đã được Ngài đôn đốc xây dựng để dạy tiếng Pàli. Trong đó có trường sơ cấp Pàli đặt tại chùa Dòng Chuối. Và một giảng đường Pàli dành riêng cho chư Sư bổn tự cũng được xây lên tại chùa này. Ngài cũng là một trong nhiều vị Lục Cả trực tiếp đứng ra giảng dạy.

Do những cống hiến mang nhiều ý nghĩa tốt Đạo đẹp Đời đó, Ngài được Hội Phật Giáo tỉnh Sóc Trăng tặng huy hiệu vinh quang. Đồng thời, Ngài được Hoàng Thân Sihanouk và đức Tăng Hoàng Vương quốc Campuchia phong tặng huy hiệu và bằng khen vào năm Mậu Tý (1938). Ngài còn được xem như vị Tăng Hoàng của tỉnh Trà Vinh, danh xưng này tương đương vị đứng đầu điều hành mọi hoạt động Phật giáo trong toàn tỉnh.

Vào thời chính thể Ngô Đình Diệm, chủ trương xây dựng ấp chiến lược được ban ra khiến công cuộc làm ăn sinh sống của bà con nông thôn bị hạn chế trầm trọng. Chùa chiền bị phong tỏa hoặc bị đập phá. Các Sư Sãi nếu không rời khỏi nơi tu hành thì bị vu khống đủ điều v.v… Do đó, bằng tất cả uy tín và đạo hạnh của mình Ngài đứng ra kêu gọi mọi người chống lại. Ảnh hưởng lời kêu gọi của Ngài đã lan rộng khắp miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, tại tỉnh Trà Vinh ngày 14-9-1960 Ngài đích thân chỉ đạo cuộc biểu tình quy mô nhất, quy tụ hầu hết Sư Sãi và Phật tử trong tỉnh, yêu sách tôn trọng chùa chiền, không được bắt Sư Sãi đi quân dịch, không được gò ép nông dân rời bỏ ruộng vườn, phương tiện sinh sống duy nhất v.v… và yêu sách đó Ngài đã thành công. Tuy nhiên, sau đó một tuần, ngày 20-9-1960 với hơn hai mươi ngàn người Kinh lẫn Khmer khắp nơi kéo về hợp cùng năm ngàn người thị xã Trà Vinh biểu tình đã bị đàn áp thẳng tay làm hơn mười người chết và hàng trăm người khác bị thương.

Trong quá trình đấu tranh chống độc tài áp bức, Ngài từng giữ chức vụ Phó Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương MTGPMN Việt Nam ngay từ khi vừa thành lập, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới của miền Nam Việt Nam và Cố vấn Ủy Ban MTDTGP miền Tây Nam bộ.

Năm Quý Mão (1963) mặc dù đang mang trọng bệnh, nhưng vì Phật sự cấp bách Ngài phải đi vận động, kêu gọi Tăng tín đồ bảo vệ chùa chiền và làng ấp. Nhưng giữa đường kiệt sức và Ngài đã viên tịch khi chung quanh mọi biến cố đang dồn dập. Hôm đó là ngày 5 tháng 3 năm 1963, Ngài hưởng thọ 78 tuổi. Do hoàn cảnh chiến tranh Ngài được tạm chôn cất ngay nơi viên tịch. Mãi đến năm Tân Dậu (1981) nhân lễ Chôl Ch-năm Th-mây mới được môn đồ pháp quyến đưa về hỏa táng theo đúng truyền thống Phật giáo Khmer Nam bộ và được tôn thờ tại chùa Dòng Chuối.

Với nhiều công trạng làm lợi đạo ích đời, khi nhục thể đã trở về với tứ đại, Ngài Sơn Vọng vẫn còn sống mãi trong tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ, mà hình bóng in đậm ở trăng sao trên trời đêm đêm soi tỏa an lành cả một vùng đất quê hương truyền thống đạo Phật.

[i] Còn gọi Đại Đức Sơn Vọng, theo truyền thống Phật Giáo Theravada Nam Tông, danh từ Đại Đức thường gắn liền mãi về sau cả cuộc đời vị sư.

[ii] Cũng từ truyền thống đó, ngay sau khi xuất gia đã thọ Sa Di giới.