Hòa Thượng Suvanna Pannà Tăng Đuch (1909-1985)

Hòa thượng thế danh Tăng Đuch, pháp danh Suvanna Pannà, sinh ngày 24 tháng 5 năm K Dậu (1909) nhằm ngày 6 tháng 4 Âm lịch tại làng Chak-Toô-Tưng thuộc xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân, thân phụ là ông Tăng Sô và thân mẫu là bà Neang Thị Tum. Ông bà sinh hai người con trai duy nhất, người anh lớn chính là Ngài và người em là Tăng Soi.

Giai đoạn Ngài ra đời giữa lúc vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng có nhiều diễn biến chính trị phức tạp liên hệ mật thiết đến đời sống người nông dân. Lúc này thực dân Pháp đã áp đặt xong nền hành chính đô hộ để bóc lột, làm giàu nhờ chính lúa gạo của nông dân làm ra. Trong  khi đó cuộc khẩn hoang lập ấp vẫn đang còn ở quá trình tìm phương cách định hình. Đó cũng là hoàn cảnh xã hội và gia đình trong suốt quãng đời ấu thơ của Ngài. Nhờ vào truyền thống tu đạo của gia đình, nên phần lớn người Khmer vẫn giữ được phong thái sinh hoạt riêng, mà ở đó tất cả ý nghĩa đời sống đều không nằm ngoài phạm vi mái chùa.

Năm Tân Dậu (1921), song thân Ngài nương thừa truyền thống tu đạo người Khmer, muốn gia đình có một người đứng vào hàng Tăng sải để thể hiện ước vọng cao xa, đã dẫn Ngài đến chùa H.Luông Ba-Sắc Bay-Chhao (đọc tắt là: chùa Bay-Chhao) ở Bãi Sào, Sóc Trăng để bước đầu học làm giới tử và học chữ Khmer với Ngài trụ trì Ariya Ghosà Lý Ănh. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó do ảnh hưởng sau thế chiến thứ I, các thế lực thực dân trở lại ra sức củng cố, hồi phục quyền lực chủ điền người ngoại quốc, khiến tình hình làng thôn có phần xáo trộn; cộng vào đó do lần đầu tiên xa nhà nên Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được trở về thăm cha mẹ ít lâu rồi sẽ trở lại chùa chuyên tâm tu học.

Năm Ất Sửu (1925), khi tình hình đã tạm ổn và trải qua bốn năm dài phụ lực song thân công việc đồng áng, cũng như nhận thấy tuổi đã đủ sức tiếp thu kinh điển, Ngài được song thân khuyên nhủ và trực tiếp đưa Ngài trở lại chùa Bay-Chhao. Hòa thượng Bổn sư hoan hỷ đón nhận Ngài trở lại và nhanh chóng cấp đặt thời khóa học để bù lại thời gian gián đoạn vừa qua. Nhờ sự nỗ lực lớn, không lâu sau Ngài đã viết thạo chữ Khmer, đọc được Satrà kinh Khmer-Pàli (kinh viết trên lá muôn).

Năm Đinh Mẹo (1927), nhận thấy Ngài chuyên cần tinh tấn và đã có thể xuất gia thọ giới Sa di, nên Hòa thượng Bổn sư đã cho phép Ngài về nhà xin phép song thân (theo luật của Phật giáo Khmer). Năm ấy Ngài vừa tròn 19 tuổi, không lâu sau đó, nhờ vào thuận duyên tác trợ và sự chuẩn bị chu đáo của song thân, lễ tế độ xuất gia cho Ngài được tổ chức tại chùa Bay-Chhao do chính Hòa thượng Bổn sư truyền giới Sa di.

Năm Mậu Thìn (1928), nhờ vào sự nỗ lực sách tấn, Ngài được thọ giới Tỳ kheo do Hòa thượng Bổn sư làm Thầy tế độ và thỉnh Ngài Pannà Visàlatthera Lâm-Pêen làm thầy tuyên ngôn, Ngài Lâm Sóc làm thầy Yết Ma tại giới đàn Khuôn Sì Mà chùa Bay-Chhao, chính thức là Tỳ kheo với pháp danh Suvanna Pannà.

Năm Nhâm Thân (1932) Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư sang nước Cao Miên học thiền với thiền sư Vipassanà Dhura ở chùa Prêk Kôoi, huyện Roô-Ka-Koông, tỉnh Kom-Pong-Cham.

Năm Quý Dậu (1933), Ngài xin phép được trở về Việt Nam truyền bá thiền học và đã được thiền sư Vippassanà-Dhura đồng ý tác trợ. Sau khi về Việt Nam đảnh lễ Hòa thượng Bổn sư, Ngài nhận thấy điều kiện phát triển thiền học vẫn chưa đủ nhân duyên, nên đến tham học thiền tiếp tục với Thiền sư Gandhànura ở chùa Th-Lôk (Tro Loôk) ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Năm Giáp Tuất (1934), Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đến chùa Th-Kâu ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh để nhập Hạ và được tiếp tục tham học kinh điển, nâng cao kiến thức Phật pháp hầu có thể đảm đương trách nhiệm hoằng hóa mai sau. Nơi đây, ngoài kiến thức nội điển lẫn kinh tạng Nam Tông ra, Ngài còn học viết và đọc được chữ phổ thông. Thời gian tham học tại đây, Ngài luôn tỏ ra vượt trội khiến Hòa thượng Thạch Lước ngõ ý muốn lưu giữ Ngài lại chùa để có thể kế thế mai sau khi Hòa thượng viên tịch. Trước tấm thạnh tình đó Ngài rất cảm động nhưng tự nghĩ bản thân còn non hạ lạp, tuổi còn trẻ mà con đường mở rộng kiến thức Phật pháp hãy còn dài trước mắt, nên Ngài đã xin được từ chối để tham phương cầu học.

Khi vừa kết thúc khóa Hạ tại chùa Th-Kâu, Ngài đảnh lễ Hòa thượng trụ trì Thạch Lước và quay trở lại chùa Toh-Lôk để tiếp tục học thiền với Thiền sư Mahà Kim lần nữa. Chưa đầy hai tháng lưu học tại đây thì lại một lần nữa Ngài lâm bệnh nặng đành xin trở lại chùa Bay-Chhao tại quê nhà điều dưỡng.

Năm Ất Hợi (1935) sau khi trở về chùa được bốn tháng, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đến chùa Tonl-Sa-Lien An ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng để học thiền Pariyattidhamma với Thiền sư Sơn-Nôong. Trên bước đường tham học cầu đạo, nơi đây Ngài đã đạt đến đỉnh điểm cao nhất trong suốt sáu năm dài cư trú tu học, cũng như hoàn thành chương trình Pàli cùng bộ kinh Khuddaka Nikàya bằng tiếng Pàli; từ đó Ngài có thể dịch và đọc thuộc lòng ra tiếng Khmer mà không cần xem qua mặt chữ.

Năm Tân Tỵ (1941) Ngài đảnh lễ thiền sư Sơn-Nôong xin phép được trở về chùa Bay-Chhao.

Thời gian 5 năm ở tại chùa Bay-Chhao, Ngài đã hỗ trợ đắc lực cho Hòa thượng Bổn sư trong công việc hoằng hóa và trong các mặt hoạt động xã hội giữa chùa và cộng đồng. Nhờ vậy uy tín của Ngài đã được khắp nơi biết đến.

Năm Bính Tuất (1946), chư Tăng và Phật tử ở chùa Seri-Sukhama-Sangama-Men-Chey Sà-Lôn (đọc tắt là : chùa Sà-Lôn) nhận thấy sau khi Hòa thượng trụ trì Thạch-Chea viên tịch không có vị nào cao tuổi Hạ để đảm đương trách nhiệm kế thế trụ trì. Vì thế đã đến xin Hòa thượng Bổn sư tiến cử Ngài đến để tân nhậm trụ trì hướng dẫn chư Tăng và Phật tử tu học. Ngài hoan hỷ nhận lời nhưng Ngài muốn năm sau khi tròn 39 tuổi mới chính thức đến đảm nhiệm.

Năm Đinh Hợi (1947) Ngài đến chùa Sà-Lôn tân nhậm trụ trì, trở thành vị trụ trì thứ 9 của ngôi cổ tự này ( ) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Sà-Lôn tọa lạc giữa trục quốc lộ liên tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu, rất thuận lợi cho việc hoằng hóa độ sanh.

Năm Canh Dần (1950) Ngài tự tay vẽ bản thiết kế và chỉ đạo việc xây cất Tăng xá bằng bê tông cốt thép cao 2 tầng dài hơn 20 mét, nằm ở phía Tây sau chánh điện. Công trình này hoàn tất sau 5 năm xây dựng, được Phật tử, khắp nơi ủng hộ.

Năm Ất Mùi (1955) Ngài đã bắt đầu đề xướng việc trùng tu, tôn cao chánh điện đã xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh cộng vào tài chánh eo hẹp nên công việc chỉ dừng lại ở mức tôn cao phần nền. Mãi đến năm K Dậu (1969) mới đổ được hàng cột và từ đó công việc cứ tiến hành cầm chừng theo thời cuộc nhiễu nhương. Cho đến năm Tân Dậu (1981) toàn bộ công trình mới hoàn tất theo sở nguyện. Tuổi đời của Ngài cũng bị cuốn hút vào công trình đại nguyện ấy, lúc ngoảnh lại  đã 73 tuổi. Do đó Ngài nhanh chóng hội bàn cùng Tăng chúng và Phật tử tổ chức ngay lễ Kết giới Simà để khánh thành công trình.

Thời gian thúc bách bên hông bên Ngài ra sức kiến tạo thêm các cơ sở hạng mục chung quanh chùa như giếng nước, tráng nhựa đường vào chùa, bên cạnh công việc giảng dạy thiền hành, kinh Pàli… liên tục không một ngày dừng nghỉ tạo nên cảnh tu học sinh động ở tại chùa Sà Lôn đã khởi sắc này, cũng từ đó Ngài luôn được suy cử làm Hòa thượng đàn đầu cho các Giới đàn tại đây, tế độ cho nhiều thế hệ xuất gia làm Sa di và Tỳ kheo giới.

Năm Ất Sửu (1985) giữa lúc công cuộc hoằng hóa và bao dự định tu học, trùng hưng khác chưa thực hiện được, thì Ngài thọ bệnh để rồi không lâu sau đó, Ngài thị tịch vào lúc 22 giờ ngày 6 tháng 9 (nhằm ngày 22 tháng 8 Âm lịch) thọ 77 tuổi đời, 58 tuổi Hạ.