Hòa Thượng Thích Bổn Viên (1873-1942)

Hòa thượng Thích Bổn Viên, pháp tự Chơn Thành, thế danh Nguyễn Văn Hượt, sinh năm Quý Dậu (1873) tại làng Bàng Long, tổng Thuận Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).

Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có truyền thống nhân từ phúc hậu, là người con trai út sau hai người chị và hai người anh, nên được cha mẹ chăm nom và thương yêu hết mực. Việc học hành cũng được quan tâm hàng đầu – nên với tư chất thông minh – Ngài đã sớm biết chữ nho lẫn chữ quốc ngữ. Tuy là con út được nuông chìu, nhưng Ngài rất hiếu thảo, luôn vâng lời cha mẹ.

Thời cuộc xã hội từ lúc Ngài sinh ra cho đến khi trưởng thành luôn xao động bất ổn, nhưng ít có gia đình nào hưởng được sự bình an trọn vẹn như gia đình Ngài. Năm Quý Tỵ (1893), khi bốn anh chị được cha mẹ lo cho an bề gia thất, kế đến chuẩn bị tìm người mai mối để xây dựng gia đình cho Ngài; thì cuối năm ấy Ngài âm thầm từ biệt gia đình, ra đi tìm đường học đạo. Năm ấy Ngài vừa tròn 20 tuổi.

Từ năm Giáp Ngọ (1894) đến năm Đinh Mùi (1907) Ngài đến Châu Đốc, vào vùng núi Thất Sơn tìm thầy học đạo, quyết tâm thực hiện chí nguyện xuất gia học Phật của mình. Tuy không chọn pháp môn chuyên tu, nhưng hành trạng của Ngài trong thời gian này như một mật hạnh chuyên cần, rất gần với mật tông, kết hợp với các hiểu biết về thảo dược làm thuốc nam, trị bệnh cho bá tánh quanh vùng rất đạt hiệu quả. Từ đó y thuật của Ngài càng ngày được nâng cao dần với tiếng tốt vang xa. Cuộc sống tu hành của Ngài rất khép kín, ít biểu lộ, nên vẫn chưa rõ Ngài học đạo thọ giới với ai; chỉ thấy Ngài thường hái rau trái và cây thuốc đem ra chợ Nhà Bàn để đổi lấy gạo đem vào hang núi ăn; lo tu thiền, trì chú, nuôi giữ đời phạm hạnh.

Năm Mậu Thân (1908) từ ngọn núi Tà Lơn, Ngài quyết định trở về thăm mẹ sau 15 năm cách biệt. Thời gian cũng đủ để các sự kiện nguôi ngoai và Ngài đã vững bước trên lộ trình tu Phật, không còn trở lực nào cản ngăn. Ngày 12 tháng 7, Ngài đã về đến nhà đúng lúc mẹ Ngài đang lâm bệnh nặng. Ngài dùng hết tài y thuật của mình, tự tay chữa bệnh và hốt thuốc cứu chữa, một mặt lập đàn tràng khấn nguyện, xin được giảm thọ mười năm để mẹ sống thêm với đời mười năm nữa.

Với trí tuệ của người con Phật và với bản chất vốn rất hiếu từ, Ngài cố gắng bằng mọi phương tiện để được gần gũi chăm sóc cũng như hướng dẫn nẽo tu cho mẹ (do thân sinh đã mất lúc Ngài vừa 14 tuổi). Cuối năm ấy các chức sắc trong làng tìm đến thỉnh Ngài đứng ra nhận lấy ngôi chùa Bửu Long vốn bị hoang phế lâu nay. Nhận thấy cơ duyên sớm đưa đến rất vẹn vẻ đôi đàng, Ngài hoan hỷ nhận lời và thu xếp cho mẹ cùng về chùa để tiện việc chăm nom, hướng dẫn tu học. Nhờ công đức tu tập, tiếng thơm hiếu đễ và đặc biệt là tài bốc thuốc chữa bệnh của Ngài, không lâu sau chùa Bửu Long nhanh chóng biến thành chốn già lam hưng thạnh, được nhiều Phật tử đến tu học và lễ bái thường xuyên.

Năm Canh Tuất (1910) nhận thấy trọng trách mai sau đã dần đưa đến và để có thể tiếp Tăng độ chúng đúng giới luật, Ngài đến chùa Phước Linh ở Thạnh Phú, Xoài Hột xin cầu pháp với Hòa thượng Thục Thiện, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Trí Thắng ( ), được đặt pháp danh là Bổn Viên, pháp tự là Chơn Thành.

Năm Nhâm Tý (1912) trong các khóa Hạ và các trường Kỳ thời gian này, Ngài thường được cung tiến ngôi vị Yết Ma A Xà Lê.

Năm Nhâm Thân (1932) Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại trường Kỳ giới đàn chùa Minh Đức, Phú Túc – Bến Tre. Từ đây, Ngài hội lực cùng quý Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Bến Tre), Hòa thượng Thiện Chiếu (Gò Công), Hòa thượng Thiên Trường (chùa Bửu Lâm), Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng)… xúc tiến khởi phát phong trào chấn hưng Phật giáo. Khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) Ngài tham gia với tư cách là sáng lập viên, cộng tác với báo Từ Bi Âm, tạp chí của Hội.

Năm Đinh Sửu (1937) Ngài cùng với các Hòa thượng trong phong trào chấn hưng, đồng sáng lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh cùng với tạp chí Duy Tâm.

Năm Canh Thìn (1940), Ngài tổ chức trường Hương tại chùa Bửu Long với quy mô lớn nằm trong chủ trương của phong trào chấn hưng Phật giáo, với sự tham dự của hầu hết danh Tăng lãnh đạo trong vùng. Tuy nhiên, khi gần đến ngày khai mạc thì chánh quyền thực dân tìm cách cản trở, không cho tổ chức vì phong trào cách mạng đang sôi sục khắp nơi.

Ngày 23 tháng 11 cùng năm, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, chùa Bửu Long và Đình Bàng Long trở thành một trong nhiều nơi che giấu cán bộ. Ngài cho xuất bồ lúa của chùa (khoảng 60 giạ) đóng góp cho lực lượng cách mạng. Ngày 2 tháng 12, thực dân Pháp ruồng bố tại Vĩnh Kim, thả bom vào chợ làm chết hơn 40 người và bao vây chùa Bửu Long lẫn đình Bàng Long bắt Ngài đem đi.

Năm Nhâm Ngọ (1942) sau khi được thực dân Pháp thả ra, sức khỏe Ngài suy kiệt do những ngày tháng tù đày và bị tra tấn, cộng vào sức yếu tuổi già, nên lúc 10 giờ ngày 24 tháng Giêng năm ấy, Ngài đã viên tịch tại chùa Bửu Long, hưởng thọ 69 năm, với 32 năm hành đạo.