Hòa Thượng Thích Bửu Lai (1901-1990)

Hòa thượng pháp danh Thích Bửu Lai, pháp hiệu Giác Hòa. Thế danh Lê Văn Tồn, sinh năm 1901 (Tân Sửu) tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Ngài sinh trong một gia đình trung lưu, phúc hậu, thấm nhuần Nho giáo đồng thời hết lòng kính tin Tam Bảo. Cụ thân sinh là ông Lê Văn Hưởng và thân mẫu là bà Lê Thị Thiềm. Gia đình có bốn chị em (3 nữ 1 nam), Ngài là người con thứ ba và cả thảy bốn người đều xuất gia tu học. Hai chị là Tỳ kheo Ni Diệu Chánh, Diệu Lý trụ trì chùa Long Đức – Sa Đéc (đã viên tịch). Người em gái còn lạiTỳ kheo Ni Diệu Ngọc, trụ trì chùa Long An, Xóm Củi – Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Vừa lên 6 tuổi, Ngài được song thân cho vào trường tư thục học chữ Nho và quốc ngữ. Năm lên 7 tuổi được vào trường công học tiếp những chương trình phổ thông cần thiết thời bấy giờ. Bản tánh hiền hậu sống chan hòa và tư chất thông minh đã bộc lộ, nên Ngài được thầy giáo và bạn bè quý mến.

Năm 15 tuổi, Ngài thọ tam quy ngũ giới tại chùa Long Hòa với Hòa thượng Thích Thiện An, ở xã Ngãi Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Năm 18 tuổi (1919), cha mẹ Ngài đều qua đời, để lại mấy chị em phải tự đùm bọc lấy nhau. Không lâu sau đó, nhận thấy các chị mình cơ cực vì sinh kế, nên Ngài đành bỏ dở việc học với nhiều nuối tiếc, hầu phụ giúp các chị trong sinh hoạt hằng ngày. Khi vừa mãn tang mẹ ba năm, nhớ lời trối trăn của mẹ là phải lấy vợ để nối dõi tông đường. Hơn nữa Ngài là con trai duy nhất, lại luôn hiếu thảo, Ngài quyết định lập gia đình đúng vào năm 20 tuổi.

Năm 1922, Ngài thi vào ngành Thư Bưu Điện Đông Dương và được cử làm việc tại Sài gòn. Sống giữa nơi phồn hoa đô hội đầy cám dỗ đời thường, nhưng đây chính là nơi có đầy đủ kinh sách để Ngài tham cứu về Phật giáo. Năm 23 tuổi, nhờ được đọc 2 quyển “Tây Quy Trực Chỉ” của tác giả Trần Phong Sắc và quyển “Lão Nhơn Đắc Ngộ” của tác giả Mạch Quốc Thoại, Ngài phát tâm, dành ra nhiều thời gian để nghiên cứutu pháp môn Tịnh độ. Từ đó, Ngài thực hành ba thời khóa tu tập mỗi ngày: đầu hôm lạy sám hối tiêu nghiệp và 12 câu nguyện Di Đà, giữa đêm ngồi niệm Phật công cứ, sáng trì chú Lăng Nghiêm. Đó là duyên khởi đầy tích cực cho hành trình giải thoát của Ngài.

Năm 23 tuổi, Ngài được đổi về tỉnh nhà, làm Trưởng ty Bưu điện và Ngân khố. Được gần gũi gia đình nên việc tu trì tại gia và nghiên cứu Phật học càng có cơ duyên thuận lợi. Ngài chủ xướng thành lập Tỉnh Hội Phật Học Sa Đéc, rồi xây cất chùa Hội Quán. Ở cương vị Hội trưởng, Ngài đã làm được rất nhiều điều hữu ích cho đạo pháp tại bản tỉnh trong năm năm liền (1924-1929).

Sau 32 năm lăn lộn giữa trường đời, suy gẫm và rút ra được những giá trị đích thực của chân lý vĩnh hằng, Ngài quyết định xin về hưu sớm. Sau hai tháng sắp xếp việc gia đình, Ngài bắt đầu bước vào nẻo đạo bằng cả thân và tâm.

Ngày rằm tháng 11 năm Ất Mùi (1955), Ngài xuất gia học đạo tại Tổ đình Ấn Quang (đã 54 tuổi). Biết mình xuất gia muộn nên Ngài dốc lòng tinh tấn, đồng thời nhờ vào ân đức của chư Tổ Khánh Anh, Tổ Huệ Quang, các bậc Tôn túc như Hòa thượng Viện Trưởng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Giám đốc Phật học đường Nam Việt Thích Thiện Hòa… đã trợ duyên cho Ngài an vui tu học. Do đó một năm sau Ngài đã được thọ Sa Di giới, và được Chư tôn túc đặc cách cho thọ Tỳ Kheo và Bồ Tát giới. Sau đó Ngài xin phép Tổ Khánh Anh chứng minh lời nguyện kiết thất để tĩnh niệm đồng thời nghiên cứu hai bộ kinh Di Đà Sớ Sao và Quy Nguyên Trực Chỉ.

Năm 1957, Ngài được tham dự khóa huấn luyện trụ trì tại chùa Pháp Hội (quận 10, Sài gòn). Sau khi mãn khóa, Ngài được Giáo Hội bổ nhiệm trụ trì chùa Phước Hòa, tỉnh Trà Vinh, nơi này cũng là Phật Học Viện đào tạo Tăng tài cho Phật giáo.

Năm 1958, Ngài trở lên Sài gòn tham dự khóa Như Lai Sứ Giả để hoằng truyền chánh pháp theo triệu tập của Giáo hội. Đoàn Như Lai Sứ Giả sau khi bế giảng đã thành lập một lực lượng nòng cốt gồm chư Thượng tọa Trường Lạc, Trí Châu, Nhựt Long, Quang Minh, Thiện An, Hiển Pháp, Pháp Siêu… và được chia thành hai đoàn. Ngài làm trưởng đoàn 1, có trách nhiệm đi diễn giảng các tỉnh từ miền Đông như Biên Hòa, Vũng Tàu, Long Điền, Đà Lạt đến các tỉnh miền Tây như An Giang, Châu Đốc, Vĩnh Bình, Bến Tre, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long…

Năm 1959, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt cử Ngài giữ chức vụ Tổng Thư , kiêm Thủ quỹ Giáo Hội. Đây là chức vụ quan trọng và là bước ngoặt đầu tiên để Ngài bắt đầu những trách nhiệm mới.

Năm 1962, Ngài được mời vào Ban Giám đốc Phật Học Đường Nam Việt – chùa Ấn Quang, với chức vụ Giám Viện.

Năm 1963, trong thời kỳ Pháp nạn, Ngài cũng như các vị Tôn đức khác đấu tranh đòi sự bình đẳng tôn giáo. Trong đợt khủng bố tấn công vào các chùa ngày 30.5.1963, Ngài đã bị bắt giam tại trại Nguyễn văn Phú, Bình Đông – Chợ Lớn cùng với các vị Hòa thượng khác. Sau khi được thả ra, sức khỏe đã sa sút, Ngài phải về an dưỡng tại Niệm Phật Đường Quảng Đức – Cần Thơ.

Năm 1964, Ngài được Giáo Hội bố trí công việc phù hợp sức khỏe là Giáo sư Phật Học Viện Phước Hòa kiêm trụ trì. Đây là lần thứ hai Ngài trở lại chùa cũ. Không lâu sau đó, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài lại được cung thỉnh trở lại Sài Gòn để nhận nhiệm vụ Phó Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh.

Năm 1966, do yêu cầu Phật sự, Ngài được cử đảm nhiệm chức vụ Chánh đại diện miền Huệ Quang (gồm các tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công). Văn phòng được đặt tại chùa Kim Liên – Mỹ Tho.

Thượng tuần tháng 11.1969, Ngài có dịp cùng Chư Tôn đức khác đi thăm các nước Đại thừa Phật giáo như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Năm 1971, Ngài cùng hai Thượng tọa Thiền Tâm và Bửu Huệ lên Đại Ninh – Lâm Đồng xây dựng Hương Nghiêm Tịnh Viện, mở các khóa tu tập Tịnh độ cho Tăng Ni sinh chuyên tu. Trong bốn năm với vai trò “Liên Hạnh”, Ngài đã đạt được nhiều kết quả như sở nguyện. Năm 1974, sau căn bệnh đột ngột, sức khỏe Ngài sa sút nhiều. Do đó, khi rời Bệnh viện Đà Lạt, Ngài phải lui về an dưỡng tại Niệm Phật Đường Quảng Đức. Mọi việc ở Hương Nghiêm Tịnh Viện đều thác cho Hòa thượng Thiền Tâm đảm nhiệm.

Sau năm 1975, Ngài được tín nhiệm mời làm Cố vấn cho Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Cần Thơ và được mời làm Ủy viên danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ.

Năm 1978 đến 1984, Ngài được bầu vào Chủ tịch đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Cần Thơ với chức vụ Phó Chủ Tịch, liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ liền.

Năm 1983, Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Hậu Giang và Ban Đại Diện Phật Giáo Thành phố Cần Thơ thành lập, Ngài được suy cử ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự và kiêm Ủy viên Hoằng pháp Giáo Hội tỉnh.

Năm 1989, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hậu Giang khai giảng, Ngài giữ chức vụ Hiệu trưởng kiêm giáo thọ các môn luật tạng và kinh tạng. Ngày 28.11.1988 Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và giữ chức chứng minh Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Hậu Giang.

Ngày 8.12.1990 Ngài được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” nhân k niệm 60 năm thành lập.

Ngài cũng đã từng được cung thỉnh làm giới sư trong nhiều giới đàn như: Giới đàn chùa Phổ Minh, Giới đàn chùa Kim Liên (Mỹ Tho), Giới đàn chùa Khánh Quang (Cần Thơ) v.v…

Ngài có năng khiếu về thơ văn, đã từng lấy bút hiệu Thượng Đức trong Tao Đàn Tây Đô thời kỳ chưa xuất gia. Do đó khi làm công tác hoằng hóa, diễn giảng sau này, để kết thúc và cô đọng tinh ý bài giảng, Ngài thường hay dùng thơ để kết luận.

Năm 1990, Ngài đã 90 tuổi, sức lực có hao mòn theo thời gian nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Trong những ngày tháng cuối đời này, Ngài đã dạy bảo rất nhiều điều hữu ích, vẫn duy trì nếp sống đều đặn thường ngày và không hề xao lãng công tác Phật sự.

Những ngày đầu hạ của năm cuối cùng này, Ngài còn đến chùa Khánh Quang làm Thiền chủ cho Khóa hạ tại đây do Ban Trị sự tỉnh tổ chức. Ngài còn kiêm luôn công việc giảng huấn. Buổi chiều hôm ấy Ngài lại đến chùa Bảo An để chứng minh lễ tác pháp của chư Ni. Khi về, Ngài đã lâm bệnh trầm trọng, nhưng tối đến, Ngài vẫn gắng gượng ngồi đọc cho thư riêng ghi chép tham luận chuẩn bị cho một cuộc hội thảo chống mê tín, dị đoan sắp đến. Đó là những cố gắng cuối cùng của đời Ngài.

Ngày 24.10 năm Canh Ngọ (10.12.1990) Ngài viên tịch, sau 90 năm trụ thế, được 34 hạ lạp để lại nhiều lợi ích cho Đạo pháp – Dân tộc của một bậc truyền thừa dòng Lâm Tế, đời thứ 40.

Về phương diện trước tác, phiên dịch, Ngài đã để lại những tác phẩm như:

Khuyến phát Bồ Đề tâm văn (dịch).

Các bài văn giác thế.

Thiền môn trường hàng luật (duyệt xét,  giảochính).

Ý nghĩa nghi thức tụng niệm (sưu tập).

Sưu tập giảng luận giáo lý (39 bài).