Hòa Thượng Thích Diệu Quang (1917-1996)

Hòa thượng Thích Diệu Quang, pháp danh Tâm Chuẩn, pháp tự Thiện Pháp, thế danh Huỳnh Phê, sinh năm 1917 tại thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thân sinh của Ngài là cụ ông Huỳnh Lương Phương, pháp danh Thị Ninh và cụ bà Lê Thị Đậu, pháp danh Tâm Cơ. Ngài là người con thứ 7 trong gia đình.

Xuất thân trong một gia đình trung lưu Nho giáothâm tín Tam bảo. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra thông minh hiếu học, chí khí hơn người. Khi lớn lên, Ngài càng uyên thâm nho học, ham thích văn chương, thi phú và tâm tính thuần hậu.

Năm 12 tuổi, thân phụ Ngài chẳng may bị bệnh nặng qua đời. Trước cảnh sinh ly, tử biệt, cốt nhục chia lìa, Ngài đau buồn khổ não và nhận thức rõ hơn cuộc sống tụ tán vô thường, khổ đau không dứt.

Mãn tang cha, Ngài được mẹ đưa đến Hòa thượng Vạn Ân, Tổ đình Khánh Long để học chữ Hán và kinh điển giáo lý Phật đà. Bẩm tính của Ngài vốn hiền lành, đức độ nên Hòa thượng Vạn Ân hết sức mến thương, dốc tâm dạy dỗ cho Ngài nên người hữu dụng.

Năm 14 tuổi (1931), trải qua những năm tháng gần gũi tôn sư, cơ duyên đến với Phật pháp ngày càng chín muồi, Ngài quyết tâm xin phép mẫu thân xuất gia đầu Phật. Buổi ban đầu khai tâm nhập đạo, Ngài thọ giới quy y Hòa thượng Vạn Ân, với pháp danh Tâm Chuẩn.

Đến năm 19 tuổi (1936), Ngài được Hòa thượng Bổn sư truyền giới Sa di và đặt pháp tựThiện Pháp. Nhờ kiên tâm khổ hạnh, tu trì Giới Định Tuệ. Chẳng bao lâu, Ngài được Bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Thiên Đức, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Huệ Chiếu làm Đường đầu truyền giới. Từ đây, Ngài nhận pháp hiệu là Diệu Quang. Năm ấy, Ngài 27 tuổi (1944).

Sau khi đắc pháp, Ngài lại càng nỗ lực tấn tu tinh nghiêm giới luật, khiến cho Bổn sư càng tin yêu, bạn bè thêm mến mộ. Ngoài ra, Ngài còn tham học kinh, luận với các Hòa thượng danh tiếng đương thời và được Hòa thượng Bổn sư truyền thừa pháp môn Du Già tâm ấn để làm phương tiện trong việc hoằng hóa độ sanh.

Năm 28 tuổi (1945), Ngài tạm đủ khả năng “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” nên được kế thừa trụ trì Tổ đình Khánh Long do Bổn sư Vạn Ân giao phó để hoằng pháp độ sanh.

Từ năm 1945 trở đi, Ngài chăm lo Phật sự, công tác từ thiệnhội, đóng góp phong trào chấn hưng Phật giáo, làm Thư Hội Phật giáo Cứu quốc, hoằng dương chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng. Nhờ đức độ cảm hóa nên Tăng chúng, thiện nam tín nữ quy tụ tu học ngày càng nhiều.

Trong những năm pháp nạn 1963, Ngài tích cực tham gia phong trào bảo vệ Phật giáo, chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Năm 1964, do chiến tranh ngày càng khốc liệt, Ngài rời Tổ đình Khánh Long về trụ trì chùa Bảo Tịnh, thị xã Tuy Hòa, Phú Yên.

Năm 1965, Ngài được Giáo hội suy cử trụ trì chùa Ân Quang, thị trấn Phú Lâm, Hòa Thành, Phú Yên. Cũng trong thời gian này, Ngài kiêm nhiệm chức vụ Chánh đại diện Phật giáo quận Hiếu Xương (huyện Tuy Hòa ngày nay).

Năm 1967, Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài nối tiếp thiền phái Liễu Quán, dòng Lâm Tế đời thứ 43 tiếp tục kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ ấn.

Năm 1973, Ngài kiêm nhiệm trụ trì thêm cảnh chùa Hồ Sơn tại thị xã Tuy Hòa.

Năm 1975, đất nước hòa bình độc lập, Ngài quyết định trở về trùng tu Tổ đình Hương Tích và trụ trì cho đến ngày viên tịch.

Sức khỏe theo tuổi tác suy yếu dần, nhưng việc Phật sự Ngài không xao lảng. Ngài được Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên cung thỉnh vào hàng Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội.

Ngày 18 tháng 8 năm Bính Tý 928-10-1996) vào lúc 5 giờ sáng, nhân căn bệnh nhẹ, Ngài đã an nhiên thị tịch, trụ thế 80 năm. Hạ lạp 55 tuổi đạo.

Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài là một tấm gương sáng, một bậc Giáo phẩm tôn kính đã khai dẫn dòng thiền Lâm Tế Phật giáo Trung phần và Phật giáo Việt Nam chảy mãi không ngừng. Trên đường hoằng hóa chánh pháp, Ngài còn xây dựng, trùng tu 8 ngôi chùa : Long Thạnh, Bửu Ân, Cảnh Thái, Ân Quang, An Sơn, Đông Quang, Thanh Hương và Hương Tích. Chính nơi Tổ đình Hương Tích là nơi dừng chân an nghỉ cuối cùng của Ngài.

Công đức và hạnh quả của Ngài thật xứng đáng để Tăng Ni, Phật tử học tập và ghi thêm một nét son đậm trên trang sử Phật giáo Việt Nam.