Hòa Thượng Thích Định Quang (1924-1999)

Hòa thượng Thích Định Quang, pháp danh Nhựt Kiến, pháp hiệu Không Tâm, nối đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Ngài thế danh Trần Văn Chỉnh, sinh ngày 25 tháng Giêng năm Giáp Tý (1924) tại ấp Bình Phú, xã Tân Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên. Nay thuộc ấp Bình Phú Quới, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thân phụ là ông Trần Văn Sự và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Quơn. Ngài là người con thứ 7 trong một gia đình có 8 anh em, gia thế trung nông phúc hậu.

Trưởng thành trong gia phong uyên thâm về y học, nho học và có truyền thống sùng mộ Phật pháp. Song thân của Ngài đã xây dựng chùa Phước Long trên phần đất của gia tộc, duyên xưa nay gặp lại, hạt giống Bồ đề có dịp trưởng thành. Năm 1941, khi được 17 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia tại chùa Phước Long với Hòa thượng Hồng Phước, trụ trì chùa Từ Quang, được Bổn sư ban pháp danh là Nhựt Kiến, hiệu Không Tâm.

Tu học được một thời gian, Bổn sư nhận thấy đã đủ yếu tố cho thọ giới nên năm 1944, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa di tại chùa Giác Hoa, Chợ Mới, Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Sau đó, Ngài đến tham học kinh luật thiền môn và hầu cận Bổn sư tại chùa Từ Quang.

Ngài tinh tấn tu học Phật pháp, đạo hạnh trang nghiêm và để viên mãn tam đàn giới pháp, vào năm 1945, Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Giác Hoa, Chợ Mới, Long Xuyên.

Năm Mậu Tý 1948, việc tu học đang tiến triển đều đặn, hầu mong nối chí thầy Tổ thì Bổn sư của Ngài viên tịch. Trong thời điểm này, thực dân Pháp trở lại xâm lược lục tỉnh Nam kỳ, lòng người căm phẫn, những phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc nổi lên khắp nơi. Trước cảnh nước mất nhà tan và nỗi đau vắng bóng thầy Tổ nhưng không bàng quang trước thời cuộc, Ngài đã tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ.

Năm Canh Dần 1950, nhân duyên hội đủ, Ngài xin cầu pháp với Hòa thượng Chơn Thành, chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang) để được hướng dẫn trên bước đường tu học và hành đạo.

Ngài giã từ Tổ đình Từ Quang ra đi cầu học, đã trải qua các ngôi già lam như : Linh Thứu, Bình An, Phước Ân, Phong Hòa, Tân Long… bất cứ ở đâu, Ngài cũng đều phát tâm công quả, chăm sóc tu bổ những ngôi già lam mỗi ngày một khang trang hơn để đáp đền ân giáo dưỡng và ân đàn na tín thí.

Năm Đinh Dậu 1957, Ngài lên Sài Gòn tham dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn.

Năm K Hợi 1959, lúc này Ngài 35 tuổi, được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Huỳnh Kim, là ngôi chùa của gia tộc họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Sắc hiến cúng. Từ đây, Ngài dừng bước tại trụ xứ này để thực hiện công hạnh một đời hành đạo của mình như ước nguyện.

Với mục đích đào tạo Tăng tài, và giáo hóa Phật tử, Ngài đã không ngại gian truân, thiếu hụt trong cảnh lau cỏ hoang vu, vừa tu sửa chùa cảnh, vừa xây dựng tạm một ngôi nhà lá để có nơi tu tập, đồng thời mở phòng thuốc Nam, xem mạch bốc thuốc giúp đỡ người hoạn nạn. Một hành trạng để hướng dẫn mọi người đến với Phật pháp bằng thân giáo và tâm nguyện từ bi.

Năm Canh Tý  1960, Ngài đến y chỉ cầu pháp với Hòa thượng Minh Đức, trụ trì chùa Thiên Tôn, quận 5, Chợ Lớn, được Hòa thượng ban pháp húy là Tâm Chỉnh, hiệu Định Quang nối pháp đời thứ 43 dòng Tế Thượng Chánh Tông – thuộc môn phái Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Năm Tân Sửu 1961, Ngài khởi công xây dựng lại chùa Huỳnh Kim trên nền của ngôi chùa cũ và thêm hai dãy đông lang, tây lang, tạm hoàn thành phần cơ bản.

Sau pháp nạn 1963, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo miền Nam thành công, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã được thành lập, Ngài được Giáo hội cử đảm nhiệm nhiều Phật sự qua các chức vụ :

– Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp.
– Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh Kiến thiết.
– Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định.
– Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Gia Định (nhiệm kỳ I).

Để đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, Ngài đã thành lập Phật học viện Huệ Quang do Ngài làm Giám viện tại chùa Huỳnh Kim, giảng dạy chương trình Sơ đẳng đến Trung đẳng Phật học chuyên khoa. Từ năm 1964 đến 1975, trường đào tạo được 3 khóa.

Năm K Dậu 1969, Ngài tiến hành xây dựng trường Bồ Đề Huệ Quang bên cạnh Phật học viện, gồm tầng trệt và tầng lầu với 10 phòng học, giành cho các lớp Tiểu và Trung học đệ nhị cấp, đệ nhất cấp. Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám đốc trường Trung tiểu học Bồ Đề Huệ Quang cùng với Ban giám hiệu điều hành sinh hoạt nhà trường.

Năm Ất Mão 1975, đất nước thống nhất. Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do quý Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào, Bửu Ý… lãnh đạo. Ngài được phân công là Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11, văn phòng đặt tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn.

Năm K Mùi 1979, sau khi Hòa thượng Bửu Chơn phụ trách quận Gò Vấp viên tịch, Ngài được phân công trở lại quận nhà để đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận Gò Vấp cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.

Mặc dù có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu của thành phố sau khi thống nhất đất nước, nhưng Ngài vẫn tiếp tục mở Đạo tràng tu Bát Quan Trai và thuyết giảng Phật pháp để Phật tử có nơi nương tựa tu học, huân tập thiện căn.

Năm Nhâm Tuất 1982, tại Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, Ngài được cử làm Ủy viên Tài chánh trong Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố trong suốt 3 nhiệm kỳ, đồng thời được Tăng Ni, Phật tử quận Gò Vấp cung thỉnh làm Chứng minh cho Phật giáo quận và tiếp theo là Chánh đại diện Phật giáo quận Gò Vấp. Trong nhiệm kỳ 4 của Thành hội Phật giáo, Ngài đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát và Trưởng Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.

Năm Canh Ngọ 1990, Ngài cùng Hòa thượng Thiện Hào – Chứng minh Ban thừa kế Tổ đình Thiên Thai, khởi công trùng tu chùa Thiên Bửu Tháp tại núi Thiên Thai – Bà Rịa và Tổ đình Thiên Tôn cùng Tháp Tổ tại Bình Khê – Bình Định, là hai di tích cuối cùng của Tổ sư Huệ Đăng. Ngoài ra, Ngài còn đứng ra vận động Phật tử góp công, góp của xây dựng lại chùa Linh Sơn Hải Hội tại phường 12. Gò Vấp do Hòa thượng Bửu Đăng khai sơn, là một Liệt sĩ có bia tháp tôn thờ tại đây.

Năm Quý Dậu 1993, Ngài đã tổ chức trùng tu Chánh điện chùa Huỳnh Kim. Nhờ công đức của Ngài và sự tùy hỷ hiến cúng của Phật tử, ngôi chánh điện chẳng bao lâu đã được hoàn thành và trang nghiêm như ngày nay.

Cuối năm 1993, sau khi trùng tu các công trình cơ sở của chùa Huỳnh Kim hoàn tất, Ngài mở lớp học tình thương tại cơ sở để giúp đỡ các cháu thiếu nhi nghèo, mồ côi không có điều kiện đến trường được thoát nạn mù chữ.

Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được các nhà hảo tâm tài trợ học bổng hàng tháng, đủ cung cấp cho khoảng 150 cháu học sinh nghèo khó. Đồng thời ngoài các lớp học chương trình chính khóa, Ngài còn mở thêm hai lớp sinh ngữ Anh, Pháp văn và phụ cấp toàn bộ lương tháng cho giáo viên, nhân viên liên quan đến lớp học.

Lo ngày mai cho lớp trẻ có tương lai tươi sáng, Ngài cũng không quên những người tuổi già bóng xế. Cũng trong năm 1994, Ngài được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội Tương tế Kim Quang, với số hội viên gần 5.000 người, không phân biệt thành phần tôn giáo, nhằm tương trợ lúc về già, bằng cách tự nguyện đóng góp khi trong Hội có người từ trần.

Năm Đinh Sửu 1997, tại Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, Ngài được cử làm Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, kiêm Chứng minh Ban đại diện Phật giáo quận Gò Vấp.

Cuối tháng 11 năm 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Ngài được Đại hội suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương.

Sau khi Hòa thượng Thiện Hào, Chứng minh Ban Thừa kế Tổ đình Thiên Thai viên tịch, Ngài được chư tôn đức môn hạ Tổ đình Thiên Thai suy cử làm Trưởng Ban thừa kế để duy trì và phát triển chốn Tổ.

Ngoài công việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn tham gia các công tác đoàn thểhội và từ thiện như: Đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ quận Gò Vấp trong nhiều khóa.

Do công đức và sự nghiệp phục vụ cho đạo pháp – dân tộc, Ngài được Nhà nước trao tặng :

Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
– Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.
– Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và địa phương…

Năm K Mão 1999, Ngài kết hợp với Ban đại diện Phật giáo quận Gò Vấp, mở lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Huỳnh Kim cho trên 60 Tăng Ni sinh trong quận ghi danh theo học. Dự kiến lớp học sẽ khai giảng vào ngày 19 tháng 9 Âm lịch, nào ngờ sau một cơn bệnh, Ngài đã theo định luật vô thường, xả báo thân thu thần thị tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày mùng 7 tháng 9 Âm lịch, nhằm ngày 15. 10. 1999 tại trú xứ chùa Huỳnh Kim, trụ thế 76 năm, Hạ lạp 51 mùa An cư kiết Hạ.

Với một đời hành đạo không biết mỏi, quyết tâm đào tạo Tăng tài cho Phật pháp, xây dựng tòng lâm Phạm vũ và phát huy lòng yêu nước trong sáng nồng nàn trước sau như một, nhất là trên cương vị một sứ giả Như Lai, Hòa thượng là một tiêu biểu cho thế hệ Tăng lữ Việt Nam ở giai đoạn thống nhất đất nước và Phật giáo ở cuối thế k.