Hòa Thượng Thích Hoàng Minh (1916-1991)

Hòa thượng Thích Hoàng Minh, pháp danh Tâm Huệ, thuộc đời thứ 43 dòng Tế Thượng Chánh Tông (Thiên Thai), thế danh Nguyễn Châu Thình, bí danhMinh Châu, sinh ngày 21 tháng 10 năm Bính Thìn (1916) tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Mỹ Tho ( Tiền Giang).

Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Đề, thân mẫu là bà Châu Thị Danh. Gia đình Ngài sống thuần phác theo nông nghiệp, mẫu mực lễ giáo nho phong, mấy đời kính tin Tam bảo. Nội tổđại thí chủ chùa Tân Long, Gò Lức. Ngài là con thứ sáu trong một gia đình đông con, mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, được kế mẫu dưỡng dục.

Năm 10 tuổi (1925), Ngài được thân phụ cho vào chùa Tân Long (Gò Lức) tục gọi chùa Mục Đồng thế phát quy y với Hòa thượng Chí Thiện và được ban pháp danhTâm Minh.

Năm 13 tuổi (1928), Ngài được Bổn sư cho đến học đạo với Hòa thượng Pháp Hội chùa Long Thoàng, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, được pháp hiệu là Thiện Kim, Ngài ở đây tu học được 5 năm.

Cũng tại đây, năm 18 tuổi (1933), Ngài học đạo với Hòa thượng Pháp Đạt. Được Hòa thượng thế độ, đặt pháp danhTâm Huệ, hiệu Hoàng Minh. Và cho đi thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Thanh Long, Biên Hòa.

Năm 1935 (Ất Hợi), Ngài 20 tuổi, được Hòa thượng Pháp Đạt cho đi thọ giới Cụ túc tại trường Kỳ chùa Thiên Ân (Thủ Dầu Một).

Năm 1938 (Mậu Dần), Ngài tham dự trường Hương chùa Phước Hựu, xã Vĩnh Viễn, huyện Gò Công Tây. Trong trường Hương này, Ngài được tấn phong Đệ nhất Giáo thọ, kiêm Giám khảo Luật học.

Năm 1939 (K Mão), Ngài theo học tại đạo tràng của Hòa thượng Huệ Đăng (Thiên Thai – Bà Rịa). Sau hai năm tu học ở đây, với tuệ căn mẫn đạt, Ngài thấu suốt lý kinh, tận tường nghĩa luật, nên đã được Tổ Huệ Đăng truyền tâm pháp ngày 15 tháng 8 năm 1940 cùng với Hòa thượng Pháp Lan, chùa Khánh Hưng (Sài Gòn).

Năm 1941 (Tân Tỵ) được tin nội tổ và thân phụ đau nặng, Ngài xin phép về quê để lo phụng dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành cho đến khi nội và cha già đều lần lượt qua đời.

Năm 1945 (Ất Dậu), sau khi đã mãn cư tang nội tổ và thân phụ, Ngài trở về chùa Long Thoàng và được bà đại thí chủ Huỳnh Thị Diệu thỉnh trụ trì Tổ đình này để kế tục sự nghiệp tiếp Tăng, độ chúng của thầy Tổ.

Năm 1947 (Đinh Hợi), Ngài với bí danh Minh Châu gia nhập đoàn thể Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gò Công của Mặt trận Việt Minh và được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban hành chánh tỉnh Gò Công, Chủ tịchHòa thượng Pháp Hoa.

Năm 1951, Ngài được cử đi chiến khu Lý Nhơn để tập huấn. Ngài đã viết và một ngàn tờ truyền đơn, nội dung kêu gọi đoàn thể tôn giáo chống chế độ thực dân Pháp và bù nhìn Bảo Đại.

Năm 1952 (Nhâm Thìn), Ngài bị giặc bắt, đày qua Lào, rồi đưa về giam ở ngục Hỏa Lò – Hà Nội. Đến năm 1954 (Giáp Ngọ), sau khi Hiệp định Genève được kết, Ngài được trao đổi tù binh ở Gia Lai (Kontum).

Năm 1955 (Ất Mùi) Ngài trở về quê nhà và được bà đại thí chủ Lâm Tố Liêng (cùng phái Thiên Thai) xây chùa Thiêng Liêng và thỉnh Ngài về trụ trì.

Năm 1956 (Bính Thân), Ngài triệu tập Tăng Ni tỉnh Gò Công, thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng Già lâm thời của tỉnh. Ngài được Đại hội bầu làm Trưởng ban Hoằng Pháp. Ba khóa sau, Ngài giữ chức Trưởng ban Tài chính Kiến thiết.

Năm 1957, Ngài dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ Giả ở chùa Pháp Hội, Chợ Lớn do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức.

Năm 1959, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gò Công tổ chức khóa An cư kiết Hạ tại chùa Thanh Trước, Ngài được mời làm Phó chủ Hương kiêm Thủ bổn và Giáo thọ đảm trách luật học.

Năm 1962, bà Lâm Tô Diệm phụng cúng cho chùa Thiêng Liêng 24 mẫu ruộng để làm điền tự, phục vụ việc tiếp Tăng độ chúng. Nhờ duyên đó, Ngài thế độ được 5 đệ tử xuất gia nối tiếp mạng mạch Phật pháp.

Năm 1964 (Giáp Thìn), Giáo hội được cải tổ, Ngài được bầu làm Phó ban đại diện Phật giáo tỉnh Gò Công suốt 3 nhiệm kỳ.

Năm 1970 (Canh Tuất), Ngài được Giáo hội khối Việt Nam Quốc Tự, mời làm cố vấn liên tiếp 5 năm. Trong thời gian này, Ngài kiến thiết được 3 ngôi chùa: Linh Châu, Linh Sơn, Thiên Trường và xây dựng một túc xá từ thiện để giúp đồng bào tỵ nạn chiến tranh và giúp học sinh ở quê ra tỉnh học có nơi cư trú.

Năm 1971 (Tân Hợi), Ngài tổ chức khóa An cư kiết Hạ tại chùa Thiêng Liêng và thuyết giảng Phật học phổ thông về kinh, luật, luận.

Năm 1975, Ngài hiến 15 mẫu đất hương hỏa của chùa cho Công ty Hải sản Gò Công Đông. Năm 1976 (Bính Thìn), Ngài là thành viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước huyện Gò Công Đông. Năm 1978, được đề cử làm thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Công Đông và năm 1982, là thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang.

Mùa hạ năm 1982, chùa Huệ Quang khai trường Hương, Ngài được mời vào Ban chức sự và thỉnh giảng các môn kinh, luật. Cũng trong năm này, Ngài cùng Hòa thượng Huyền Quý chùa Liên Hoa – Gò Công Đông tổ chức xây tháp Bảo Đồng, thờ linh cốt chư Tăng Ni, Phật tử chùa Tân Long (Gò Lức) và trong khu vực.

Năm 1986 (Bính Dần), Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc tấn phong Hòa thượng và cung thỉnh vào Ban Chứng minh Phật giáo tỉnh nhà.

Năm 1987, trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần II, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tháng 3 năm 1991 (Tân Mùi), Ngài nhuốm bệnh. Ngày 16 tháng 4 năm 1991, chư vị tôn túc trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni các tự viện trong huyện Gò Công Đông và môn đồ pháp quyến tổ chức hội lễ sanh tiền. Vào lúc 20 giờ 10 phút ngày mùng 2 tháng 5 năm Tân Mùi (tức 13 tháng 6 năm 1991) Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, hưởng thọ 76 tuổi, giới lạp 56 mùa Hạ.

Suốt một đời gắn bó với đạo pháp và dân tộc, không một Phật sự nào mà Ngài từ nan, không một nghĩa vụ nào mà Ngài không hoàn tất. Ngài là tấm gương thiệp thế ( ) cho Tăng lữ thời mạt pháp vây.