Hòa Thượng Thích Huệ Pháp (1891-1946)

Hòa thượng Thích Huệ Pháp thế danh Võ Văn Phó, húy Hồng Phó, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài sinh năm Tân Mão (1891), tại xã Khánh Hòa, tổng An Lương, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc tỉnh An Giang, trong một gia đình trung nông, nho phong lễ giáo. Thân phụ là ông Võ Văn Huỳnh và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Đồng.

Thuở thiếu thời, Ngài đã có những biểu hiện khác thường so với các bạn cùng lứa tuổi. Đặc biệt, khi đã biết ăn, Ngài hoàn toàn không đụng đến thịt cá, và như vậy, đặc điểm này Ngài đã giữ cho đến hết cuộc đời. Thú vui giải trí của Ngài lúc này chỉ là niềm mơ tưởng về Phật pháp, được gởi gắm trong những tượng Phật bằng đất do tự tay Ngài nắn tạo.

Năm Mậu Tuất (1898), khi được 8 tuổi Ngài đã học thông chữ quốc ngữ. Nhận thấy bản tính thông minh nhạy bén của Ngài vượt hẳn các bạn đồng học nên năm sau K Hợi (1899), thân phụ gởi Ngài đến thầy giáo Bửu, vừa là nhà Nho kiêm lương y để ngài học chữ Nho và Đông y dược.

Cuộc sống hướng thượng của Ngài không còn thích hợp với gia đình, Ngài buồn chán trước nỗi thống khổ vô thường nay còn mai mất của nhơn sinh. Nhất là sau 5 năm đèn sách theo thầy Bửu, đã nắm vững được các tánh dược, phương thang và y lý Đông y cùng suốt thông được đạo lý Nho học rồi, Ngài thiết nghĩ cần phải ly gia cắt ái để tìm thầy cầu học Phật pháp diệu thâm hơn.

Do đó, năm lên 13 tuổi (1904) Giáp Thìn, Ngài quyết chí trốn nhà ra đi. Để noi gương Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài đã tự cạo tóc xuất gia tu hành và tầm sư học đạo, tạm thời ở vùng lân cận. Một hôm, may gặp người thân chèo ghe đi buôn trên Nam Vang, Ngài liền quá giang sang Cao Miên. Ở xứ này một thời gian, học đạo chưa thỏa mãn nên Ngài lại vượt qua Ai Lao, rồi thẳng sang Thái Lan.

Nhờ túc duyên, đến nơi nào Ngài cũng được các sư sãi rất thương mến và tận tình truyền dạy đạo pháp, kể cả dạy các pháp thuật để làm phương tiện độ đời. Do đó qua hai năm tu học, Ngài đã thu thập được rất nhiều những tinh ba Phật pháp của giáo hệ Nam Tông Phật Giáo và những bí pháp của Miên, Lào và Thái. Đối với người Việt ở ba nước ấy lúc bấy giờ, thật không ai bì kịp.

Năm sau, Bính Ngọ (1906), Ngài trở lại đất nước Ai Lao để đi du khảo tại cố đô Luangprabang, cánh Đồng Chun, Sầm Nứa, Phong Xa Ly, Xiêng Khom và Vientiane. Chính nơi thủ đô này, Ngài được gặp Sư tổ Như Tâm là người Việt chơn tài lỗi lạc về Nho học, Tây học và Phật học. Ngài cầu học về quẻ Dịch và yếu lý Đại thừa Phật giáo, trong những ngày Sư Tổ lưu trú tại nhà của người thân ở Vạn Tượng. Sau đó, Sư Tổ trở về Việt Nam, khai sơn chùa Định Long ở Núi Sam, tỉnh Châu Đốc.

Năm Đinh Mùi (1907), sau khi tiễn thầy một dặm đường, Ngài vẫn ở lại Ai Lao tiếp tục tu học và tiếp độ những tu sĩ từ Trung Việt sang lúc này rất đông. Đặc biệt nơi tỉnh Savanakhet, Ngài đã được lòng hàng Phật tử bản xứ nhờ công đức tu tập. Do đó Ngài đã chấp thuận cho họ quyên góp để xây dựng một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại đây với mục đích thỉnh cầu Ngài lưu trú lâu dài để hóa độ. Và ngôi chùa được mang tên của tỉnh (Savanakhet). Trong thời gian 7 năm lưu trú tại đây, nhờ vào uy đức lẫn những phương pháp trị bệnh bằng Đông y dược nên tiếng lành đồn xa và trong cộng đồng người bản xứ có lúc đã gọi Ngài là vị Phật sống cứu độ chúng sanh.

Năm Quý Sửu (1913) do danh tiếng đó, Toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ là Pasquere, cùng hai viên Khâm Sứ của Lào và Cao Miên, được vua Hoàng Lân của Cao Miên nhờ cung thỉnh Ngài sang nước họ để trị bệnh cho bà Hoàng Thái Hậu. Hoàng gia Cao Miên đón rước ngài như một vị Thánh y, đủ thành phần xã hội đứng chào đón Ngài như một thượng khách từ bến tàu về tận Hoàng cung, đủ nói lên tài ba y pháp và đức độ của Ngài lừng lẫy biết dường nào. Đó còn là niềm tự hào to lớn của không riêng gì giới Phật Giáo Việt Nam. Trong thời gian chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu, Ngài được mời trú tại chùa Vua Sãi. Được vua cho người hướng dẫn viếng thăm các di tích như Núi Phật Tổ, đền Angcovat, núi Tà Lơn hùng vĩ v.v… Sau khi chữa lành bệnh cho bà Hoàng Thái Hậu, vua nước Cao Miên làm lễ phong chức Chef de Bonze (tương đương Tăng Cang hoặc Tăng Thống ở nước ta) và kèm nhiều phẩm vật hoàng gia quý giá, lẫn huy chương vàng. Đến chứng kiến ngày ấy có đầy đủ vua ba nước Cao Miên, Lào và Bảo Đại của Việt Nam.

Năm Giáp Dần (1914) sau 10 năm vân du hóa độ, từ đất nước Cao Miên, Ngài quyết định trở về nước. Ngày tiễn đưa Ngài về nước cũng được Hoàng gia tổ chức long trọng, lại còn thông báo về Việt Nam cho Tỉnh trưởng Châu Đốc hay để chuẩn bị đón tiếp. Nhờ đó, khi về lại quê nhà là xã Khánh Hòa, huyện Châu Đốc, Ngài được đón tiếp trọng thể, công việc hữu ích cho đạo pháp cũng nhờ đó mà phát triển. Ngài nhanh chóng cho mở phòng chẩn trị từ thiện tại chùa Đức Lâm để giúp đỡ dân nghèo, mọi người hay tin tìm đến ngày càng đông. Vì thế người Pháp có phần lo ngại và tìm đủ mọi cách để khống chế. Sau đó Ngài tìm đến chùa Định Long trên núi Sam để bái kiến Bổn sư. Tổ Như Tâm nhân đó mới chính thức phú pháp cho Ngài là hàng thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40 với pháp danh Huệ Pháp, húy Hồng Phó. Tiếp đó Ngài được Bổn sư công cử làm Thủ tọa chùa Định Long, và khuyên Ngài nên tìm nơi trú xứ để độ chúng tiếp Tăng. Vì nhiệm vụ quan trọng ấy Ngài phải bắt đầu trở lại dùng cơm theo thời khóa sau hơn 10 năm chỉ ăn toàn rau quả.

Năm Mậu Ngọ (1918) sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài tạm giao chức Thủ tọa chùa Định Long cho thầy Thiện Ngọc để về xã Khánha tìm nơi xây cất chùa theo di huấn của Bổn sư. Các nhà hảo tâmđịa phương hết lòng hỗ trợ công cuộc xây cất này. Mãi đến năm Ất Sửu (1925) chùa mới thực sự hoàn thành và được đặt tên là chùa Long Khánh. Ngày khánh thành cũng là ngày mở Đại giới đàn tại đây và Ngài được cử làm Đường đầu Hòa thượng, truyền giới cho Tăng Ni, Phật tử đến thọ pháp. Sau đó Ngài cho mở các khóa học Phật pháp thường kỳ và đã đào tạo được rất nhiều vị tinh chuyên Phật học tại đây.

Năm K Tỵ (1929), Hòa thượng Khánh Hòa cùng với Sư Thiện Chiếu chùa Linh Sơn – Sài Gòn và ông Cò Mi Chấn (Dinh Đốc Lý Sài Gòn) khởi xướng việc chấn hưng Phật Giáo, Ngài hỗ trợ bằng cách cho thành lập Phật Học Thư Xã và cho ra đời tập san Phật Học đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ.

Năm Canh Ngọ (1930), để chuẩn bị cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời, Hòa thượng Khánh Hòa công cử Ngài đi khắp các tỉnh Nam kỳ vận động chư Tôn đức tham gia phong trào Chấn Hưng Phật Giáo. Đến ngày 26.8.1931, Thống đốc Nam kỳ mới giấy phép cho hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập. Ngài được mời làm hội viên chính thức, mỗi năm thường kỳ Ngài phải lên Sài gòn để dự đại hội một lần.

Năm Nhâm Thân (1932), đại hội bầu lại Ban Trị Sự Trung Ương Hội, Ngài được cử làm Hội Trưởng chi nhánh tỉnh Châu Đốc.

Năm Bính Tý (1936). Ngài lại được cử giữ chức Chánh Hội trưởng HNKNCPH sau ba năm gián đoạn. Cùng năm đó, Hội đề cử Ngài đại diện mang kinh sách sang tặng cho hai vương quốc Cao Miên và Ai Lao để góp phần cổ xúy phong trào Phật học đang thịnh phát ở đó. Chuyến đi này trải qua một tháng hai mươi ngày, Ngài được tiếp đón trọng thể.

Năm Ất Hợi (1935), kinh tế và uy tín chùa Long Khánh ngày càng phát triển, ruộng đất của chùa lên đến trên 12 mẫu do các Phật tử hảo tâm hiến cúng đền ơn Ngài chữa lành bệnh nan y cho họ. Nhờ đó việc tiếp Tăng độ chúng ngày thêm sung mãn như ý nguyện của Ngài và Ngài có phương tiện để trùng tu và kiến tạo thêm các công trình của chùa, làm tăng vẻ trang nghiêm hùng vĩ.

Năm Bính Tý (1936), nhân giỗ Tổ Bổn sư (ngày 2-9 ÂL) có mặt rất nhiều chư Tôn đức cùng cư sĩ Phật tử ở địa phương, Ngài đã ân cần phó chúc, dặn dò các đệ tử những điều trọng yếu để sống đúng đạo hạnh của người con Phật hộ đạo giúp đời. Từ đó, Ngài chuyên tâm tu niệm và sách tấn đại chúng tu hành cho đến ngày mãn duyên.

Năm Bính Tuất (1946), sau thời gian nhuốm bệnh, Ngài đã thâu thần viên tịch vào lúc 15 giờ 20 phút chiều ngày 26 tháng 3 ÂL. Trụ thế 56 năm,42 tuổi đạo. Bảo tháp Xá lợi Ngài được tôn trí ngay trong khuôn viên chùa Long Khánh, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngày nay.

Một bậc danh Tăng của Việt Nam với đức độ và công hạnh đã làm cho vua Cao Miên và Ai Lao qui ngưỡng kính phục. Điều đó góp phần gieo giống Bồ đề khắp ba nước Đông Dương để Phật giáo được hoằng dương rộng rãi.