Hòa Thượng Thích Minh Đức (1902-1971)

Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danhMinh Chánh, sinh ngày mùng 1 tháng 6 năm Nhâm Dần (1902) tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang). Ngài sinh trong gia đình thấm nhuần Nho giáo, hiểu thông y lý, và có lòng kính tin Phật giáo. Năm 12 tuổi, Ngài theo cụ thân sinh là Lê Minh, pháp hiệu Như Lan, tự Hoằng Quang, học đạo nơi chùa Long Định, Trà Đãnh, huyện Tri Tôn, tỉnh Long Xuyên.

Năm Mậu Thìn (1928) khi thân phụ qua đời, Ngài tiếp tục nghề y dược của cha để tế độ quần sanh. Năm này, Ngài vừa 29 tuổi, đã ý thức được những gì là chân thực, huyễn tạm mà kinh Phật đã phân định. Do đó, Ngài chuyển thỉnh mẫu thân vào chùa Long Định (nơi người anh Ngài là Yết Ma Pháp Khánh đang trụ trì tại đó) để an dưỡngtu học. Năm Quý Dậu (1933) khi mẹ qua đời, Ngài đã thực sự bước vào đường tu học bằng hình thức một người xuất gia.

Năm Giáp Tuất (1934), 32 tuổi, Ngài xin phép sư huynh lên đường tầm sư học đạo. Trước những biến động thời cuộc, Ngài tìm đến chùa Thiên Thai (núi Dinh – Bà Rịa) thọ giáo với Tổ Huệ Đăng. Nơi Tổ đứng ra thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội năm 1935 có tạp chí Bát Nhã Âm làm cơ quan ngôn luận … đang náo nức hoạt động và danh tiếng lan xa.

Sau khi được Tổ Huệ Đăng nhận làm đệ tử mới, và đặt cho đạo hiệu Thiện Mẫn, Ngài ở lại đây tu học. Cuối năm ấy Ngài được Tổ cho thọ tam đàn Cụ Túc giới tại giới đàn chùa Phước Hậu (thị xã Long Xuyên). Giới đàn này do chính Tổ Huệ Đăng chứng minh, Ngài Yết Ma Pháp Cự làm Đường đầu Hòa thượng.

Năm Bính Tý (1936), Ngài tham dự khóa hạ tại Tổ đình Long Hòa (Bà Rịa). Lúc mãn hạ có đàn thí giới, Tổ Huệ Đăng chứng minh, Yết Ma Minh Tâm làm Đường đầu Hòa thượng, Ngài được cử làm Đệ nhất tôn chứng.

Năm Đinh Sửu (1937), Ngài tham dự khóa hạ tại chùa Giác Hoàng (Cần Thơ), nhận chức Phó na. Cùng năm này, tại chùa Thiên Long (Biên Hòa) khai đàn thí giới, chư sơn tôn Ngài làm Giáo Thọ.

Năm Mậu Dần (1938), chùa Thanh Lương (Biên Hòa) khai đàn thí giới, Ngài được suy cử Yết Ma A Xà Lê. Từ giới đàn này, Tổ Huệ Đăng nhận thấy sự tu hành của Ngài càng tăng trưởng, có thể ích lợi cho đạo mạch mai sau. Do đó Tổ đặt cho Ngài pháp hiệu Minh Đức.

Năm K Mẹo (1939), Ngài được bổ xứ trụ trì chùa Hoa Nghiêm (Cần Giuộc), nơi đây Ngài đã cất một thảo am để hằng năm nhập thất an cư.

Năm Quý Mùi (1943), Hương chức xã Tân Thới Nhứt ngưỡng mộ danh đức nên thỉnh Ngài về trụ trì chùa Giác Hoàng (Bà Điểm). Tại đây ngoài việc hằng năm tiếp tục kiết thất an cư, Ngài còn tiếp Tăng độ chúng, xây dựng một giảng đường và nhà Đông nhà Tây để có nơi cho Tăng chúng tu học. Do hoạt động tích cực của Ngài, chùa Giác Hoàng trở thành cơ sở quan trọng của phong trào chấn hưng Phật giáo; các Ngài Pháp Linh, Thiện Chiếu, Hoằng Không, Long Quang thường xuyên hội họp tại đây. Bên cạnh việc hoằng đạo Ngài còn biến nơi đây thành nơi gặp gỡ của không ít cán bộ Cách Mạng, trong đó có cụ Phạm Văn Đồng. Do đó khi Cách mạng tháng 8-1945 bùng nổ chùa Giác Hoàng là nơi hậu cứ quan trọng.

Năm Đinh Hợi (1947), vâng lệnh Hòa thượng Tam Không (Thích Minh Nguyệt) – Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, Ngài xuống vùng Chợ Lớn dựng thảo am để vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến. Chọn Bến Hàm Tử là nơi gần chợ và nhiều dân cư lao động, đồng thời có nhiều tệ nạn xã hội nhất, Ngài dựng một ngôi chùa nhỏ đặt tên Tăng Phường, hiệu Giác Hoàng để thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời khuyến hóa quần chúng tu tập. Riêng Ngài hàng năm tại đây, vào mùa kiết hạ, tháng giêng và tháng chín Ngài chuyên tu “Chuẩn Đề ngũ hối sám nghi”. Đây là phương pháp tu mà Ngài cho là chóng đạt được Phật lực cần thiết để cảm hóa người khác.

Năm Canh Dần (1950), Ngài lên núi Chứa Chan kiết hạ 3 tháng trong Thạch Động.

Năm Tân Mẹo (1951), Ngài được suy cử Đường đầu Hòa thượng nhân mùa kiết hạ tổ chức tại chùa Long An đường Nguyễn Văn Cừ quận 10, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Năm Nhâm Thìn (1952), chùa Giác Hoàng (Tăng Phường) ở Bến Hàm Tử chịu chung số phận bị hỏa tai với bà con chung quanh. Ngài quyết tâm xây lại ngôi chùa khác lớn hơn, không xa nền chùa cũ bao nhiêu. Đó là chùa Thiên Tôn (ở số 117/9 đường An Bình phường 13, quận 5 ngày nay). Công trình mãi đến năm Giáp Ngọ (1954) mới hoàn thành. Phòng thuốc từ thiện được Ngài mở ra ngay tại chùa sau khi xây cất xong.

Năm Ất Mùi (1955), Ngài về thăm lại quê xưa tại núi Nan Di, xã An Hão, huyện Tri Tôn, tỉnh Long Xuyên, nơi mà thuở ấu thơ Ngài đã xuất gia. Do chiến tranh tàn phá, chùa Long Định không còn, Ngài được cư dân chung quanh hỗ trợ chặt phá cỏ cây để sau đó xây lại ngôi Tổ đình Long Định đầy k niệm này. Khi hoàn thành, Ngài cho tiếp độ Tăng chúng về tu học, xây Tháp cho Tôn sư và lập Bảo đồng cho cố mẫu.

Cũng trong thời gian này, do ảnh hưởng tình hình chung, Ngài được mời tham gia thành lập Giáo Hội Lục Hòa Tăng cùng với các Hòa thượng Thiện Tòng, Thành Đạo, Pháp Nhạc…

Mùa an cư năm Bính Thân (1956), Ngài làm Thiền chủ Giáo Hội Lục Hòa Tăng, trực tiếp đưa Giáo Hội vào các cao trào đấu tranh của nhân dân. Từ đây cho đến năm K Hợi (1959), nhiều cơ sở cách mạng nội thành bị lộ, các hoạt động đấu tranh của các Hòa thượng cũng bị ảnh hưởng. Sau các Hòa thượng đứng đầu Giáo Hội bị bắt, các hoạt động của Giáo Hội này cũng ngưng hoạt động cùng lúc với Trường Phật Học Đức Hòa, tạp chí Phật Học, nhà in đều bị đóng cửa… Những biến động này xảy ra và liên quan đến chùa Thiên Tôn, nơi tiếp xúc, hội họp của các cán bộ Trung ương và Thành ủy Sài Gòn.

Năm Canh Tý (1960) sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Ngài trở về chùa Thiên Tôn tập hợp các vị còn lại, khôi phục lại các hoạt động Giáo Hội từ nhiều cấp .

Năm K Dậu (1969), hai Giáo Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử hợp thành Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền, để huy động lực lượng đảm nhiệm vai trò mới. Ngài được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng Đạo.

Cùng năm này, tại chùa Thiên Tôn, Ngài mở ra Phật học viện Minh Đức và tổ chức Đại hội thành lập Tổng Đoàn Thanh Niên Tăng Ni. Trụ sở được đặt tại chùa này cho đến năm 1975. Tổng đoàn này trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền, có nhiệm vụ “chống Mỹ cứu nước”. Sau đó, Ngài còn mua đất xây dựng nên ngôi chùa Địa Tạng tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

Năm Tân Hợi (1971) tuổi cao sức yếu, nhiệm vụ với nước và bổn nguyện độ sanh của Ngài đã viên mãn, Ngài thâu thần thị tịch ngày 8 tháng 7 năm 1971 (nhằm 16 tháng 5 năm Tân Hợi), hưởng thọ 70 tuổi, được 28 hạ lạp.