Hòa Thượng Thích Pháp Hải (1895-1961)

Hòa thượng thế danhNguyễn Văn An, pháp danh Pháp Hải, sinh năm Ất Mùi (1895) tại làng Thông Dong, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Dá, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Tốt.

Khi lên 8 tuổi, Ngài được gia đình cho theo Nho học. Học hành tiến bộ, lại thêm tính tình hòa nhã, khiêm cung nên Ngài được thầy khen bạn mến. Đến năm 17 tuổi (Nhâm Tý 1912) Ngài xuất gia đầu Phật, quy y với Hòa thượng trú trì chùa Tây Hưng ở Sa Đéc.

Năm 22 tuổi, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đến cầu pháp với Sư tổ chùa Long Phước ở tỉnh Vĩnh Long và tu học ở đây được sáu năm. Đến năm 28 tuổi, Ngài được Sư tổ Long Phước bổ xứ làm trú trì chùa Phước Sơn ở quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Từ năm 1932, phong trào chấn hưng Phật giáo khởi phát rầm rộ tại Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa làm trụ cột. Ngài là một trong những thiền sư cộng tác tích cực. Năm 1933 và 1934 Ngài cùng với các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang tổ chức Phật Học Đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật Học Xã tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, chùa Thiên Phước tại quận Trà Ôn và chùa Viên Giác tại Bến Tre. Tại các nơi này, cùng với Hòa thượng Khánh Anh và Huệ Quang. Ngài đóng góp tích cực vào việc giảng dạy Phật pháp cho Tăng sinh.

Sau hơn một năm Phật Học đường Liên Đoàn Phật Học Xã tan rã vì thiếu tài chánh. Năm 1934 Ngài cùng các Hòa thượng Tăng hữu và một số cư sĩ hữu tâm lại tổ chức Hội Lưỡng Xuyên Phật Học và thành lập Phật Học Đường Lưỡng Xuyên. Trụ sở của hội cũng như Phật Học Đường đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh) do bà Dương Thị Liễu cúng cho hội. Ngài được mời làm trú trì, kiêm giáo sư giảng dạy cho Tăng Ni. Lúc bấy giờ Ngài đã 40 tuổi (Ất Hợi 1935) tuy gầy yếu, nhiều bệnh nhưng không lúc nào Ngài bê trễ việc giảng dạy và chăm lo các Phật sự khác. Ngoài việc giảng dạy giáo lý, Ngài còn lo việc ăn ở chu đáo cho học đường. Sự tận tụy chăm sóc của Ngài làm cho toàn thể học chúng vô cùng kính mến.

Ngài trú trì chùa Long Phước được sáu năm (1934-1940). Tiếp đến Hội Lưỡng Xuyên Phật Học mở chi hội tại quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đặt trụ sở tại chùa Hiệp Châu. Ban Quản trị Chi hội cung thỉnh Ngài về làm trú trì chùa Hiệp Châu để cầm cương lĩnh cho các Phật sự của Chi hội. Ngài trụ xứ tại đây được bốn năm (1944) thì Sư tổ chùa Long Phước ở Vĩnh Long viên tịch, Ngài phải trở về thừa kế đảm nhiệm chức trú trì tại Tổ đình. Dưới sự giáo hóa dìu dắt của Ngài, Tăng Ni và Phật tử Vĩnh Long quy hướng về Ngài rất đông.

Năm 1951 (Tân Mão), Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được thành lập tại chùa Ấn Quang do Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp chủ. Các chi hội lần lượt được thành lập khắp các tỉnh miền Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Ngài được mời làm Trị sự trưởng của Tỉnh giáo hội. Tiếp sau đó, Hội Phật Học Nam Việt thành lập chi hội tại Vĩnh Long, Ngài lại được mời nhận chức Chứng minh Đạo sư kiêm Hội trưởng Tỉnh hội.

Mặc dầu đã cao tuổi, lại thường bịnh hoạn, mỗi lần có hội họp, Ngài vẫn tham dự đầy đủ từ đầu cho đến mãn cuộc. Có những buổi họp kéo dài đến khuya. Ngài ngồi mỏi mệt ngất trên bàn chứng minh. Cả hội nghị đều thỉnh Ngài đi nghỉ. Nhưng Ngài dạy: “Không sao đâu, tôi cố gắng ngồi đây để khuyến khích tinh thần cho quý vị hăng hái làm việc”. Đây là một công hạnh đặc biệt của Ngài, Tăng Ni và Phật tử Vĩnh Long nhớ mãi.

Năm 1961, Ngài vì bệnh già, đã viên tịch tại chùa Long Phước tỉnh Vĩnh Long, vào ngày mùng 6 tháng 8 năm Tân Sửu, hưởng thọ 66 tuổi đời, 49 tuổi đạo. Kim quan của Ngài được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt rước về cử hành lễ mai táng long trọng tại An Dưỡng Địa Bình Chánh, gần bên mộ Hòa thượng Khánh Anh, Tăng hữu chí cốt của Ngài, đã từng cùng nhau hoạt động tích cực cho phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Nam Kỳ.

Đến ngày rằm tháng 2 năm Đinh Mùi (25-3-1967) nhân ngày vía Phật nhập Niết Bàn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm lễ trà tỳ linh cốt của Tổ Khánh Anh và của Ngài, rồi rước về thờ tại chùa Ấn Quang, trụ sở của Giáo Hội. Đến ngày 14-10 năm Mậu Thân (1968). Giáo Hội lại đưa một phần linh cốt của Ngài và Tổ Khánh Anh về tôn thờ tại chùa Long Phước tỉnh Vĩnh Long, nơi Ngài đã trụ xứ cho đến mãn đời.