Hòa Thượng Thích Pháp Lan (1913-1994)

Hòa thượng Thích Pháp Lan, pháp húy Trừng Tâm, pháp tự Thiện Hảo, thế danh là Lê Hồng Phước, sinh năm Quý Sửu (1913) tại làng Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ Ngài là cụ ông Lê Chuẩn, mất năm 1928, thân mẫu là cụ bà Đinh Thị Sen, mất năm 1955. Ngài là con trưởng trong gia đình có 4 anh em : 3 nam, 1 nữ.

Ngài xuất thân trong một gia đình đạo đức Nho phong, kính tín Tam bảo. Ngay thuở ấu thời mới lên 8 tuổi, Ngài đã được song thân cho theo học chữ Nho với cụ đồ Huyền Lý nổi tiếng trong làng. Nhờ tư chất thông minh lại hiếu học nên Ngài đã sớm trở nên người giỏi văn thơ. Nhưng, như đã có căn duyên túc kiếp; tuy tuổi đời còn nhỏ, mà Ngài đã sớm nhận thức thế gian là huyễn mộng, phù du

Đến năm Bính Dần 1926, ý chí xuất gia thúc đẩy Ngài ly hương dấn bước vào Nam, lần đến nơi chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh Cố – Bà Rịa. Duyên lành đã đến, Ngài được Hòa thượng Huệ Đăng thu nhận làm đệ tửthế độ xuất gia ban cho pháp danh là Trừng Tâm. Năm ấy, Ngài vừa tròn 14 tuổi.

Sau 3 năm đầu thử thách mùi thiền ý đạo ở chùa Long Hòa, là Tổ đình của chùa Thiên Thai ở phía trước núi, Ngài đã được Hòa thượng Tổ sư rất lấy làm tâm đắc, và cho phép thọ giới Sa di tại Tổ đình Long Hòa, ban pháp tựThiện Hảo, nối đời thứ 42, thuộc dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Năm Quý Dậu 1933, khi đến 21 tuổi, nhận thấy Ngài có pháp khí Đại thừa, một triển vọng tốt cho Phật pháp sau này, nên Tổ sư đã cho đăng đàn thọ Tỳ kheo và Bồ Tát giới tại giới đàn chùa Thanh Long, Bình Trước, Biên Hòa, và ban cho Ngài pháp hiệu là Pháp Lan, qua bài kệ phú pháp :

“Trừng thần định tánh quán Như Lai
Tâm địa quang minh đại biện tài
Pháp pháp dung hòa giai Phật pháp
Lan hoa phúc úc thượng Liên Đài”( )

Năm Canh Thìn 1940, Tổ Huệ Đăng mở trường Phật Học gia giáo để đào tạo Tăng tài phục vụ cho Đạo pháp. Ngài cũng được tham dự cùng với quý pháp hữu lúc ấy như : Hòa thượng chùa Thiên Quang, Hòa thượng chùa Thiên Ân, Hòa thượng chùa Long Thiền (Gò Công), Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào… và sau đó Ngài tiếp tục theo học 2 năm tại chùa Long An (Chợ Lớn).

Với căn bản Nho học vững chắc và đức tính siêng năng cầu tiến, nên Ngài nhanh chóng thâm nhập giáo lý Đại thừa. Vì vậy, đến năm 1945, Ngài đã trở thành một vị Pháp sư nổi tiếng ở các trường Hương, trường Gia Giáo… khắp miền lục tỉnh Nam kỳ.

Năm Đinh Hợi 1947, để có một trụ xứ yên tâm hành hóa độ sanh, Ngài được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Khánh Hưng ở Chí Hòa – Hòa Hưng – Sài Gòn. Năm đó Ngài 35 tuổi.

Từ năm 1951 – 1956, Ngài thành lập trường Gia giáo Sơ-Trung học Lục Hòa Tăng tại bản tự để giảng dạy chư Tăng các nơi về tu học. Theo học khóa này, có các Tăng sinh ưu tú sau này như : Thượng tọa Huệ Lạc, Chơn Nghĩa, Quảng Tường… đảm đương Phật sự trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong thời gian này, Ngài một mặt tiếp tục công việc tiếp dẫn hậu lai, một mặt tham gia hoạt động bí mật của Cách mạng chống thực dân Pháp, Ngài được giao phụ trách An ninh Khu 4 – Mỹ Tho và giữ chức vụ Chủ tịch Lực lượng Phật giáo Cách Mạng Sài Gòn– Gia Định.

Năm Quý Tỵ 1953, Ngài được đề cử làm Tổng Thư Tăng Đoàn Liên Tông Việt Nam.

Năm Quý Mão 1963, Ngài đã cùng chư tôn Giáo phẩm, tham gia trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Năm Giáp Thìn 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được cử làm Vụ trưởng Đoàn Phật tử vụ, thuộc Tổng vụ Cư sĩ và Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Gia Định, rồi thành viên Hội đồng Giáo phẩm Viện Hóa Đạo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kiêm Chủ tịch Tổng Đoàn Thanh niên Tăng Ni Việt Nam.

Năm K Dậu 1969, được tin Hồ Chủ tịch qua đời ở miền Bắc Việt Nam, Ngài đã làm 2 câu đối và tổ chức lễ truy điệu tại ngay chùa Khánh Hưng:

Nam Bắc toàn dân quy thượng Chính
Á Âu thế giới kính tu mi” ( )

Năm Canh Tuất 1970, Ngài đảm nhận chức vụ Cố vấn Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam.

Năm Quý Sửu 1973, Ngài được đề cử Chủ tịch Ủy ban Phật giáo vận động phóng thích tù nhân. Và tham gia nhiều phong trào đấu tranh khác của các giới trí thức, sinh viên, học sinh… ở Sài Gòn – Gia Định.

Năm Ất Mão 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đại gia đình Phật giáo Bắc-Trung-Nam, từ từ quy về một nhà. Ngài tích cực tham gia phong trào vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, và kiêm các chức vụ như : Trưởng ban Liên lạc Phật giáo yêu nước quận 3; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.

Năm Tân Dậu 1981, Đại hội đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước được tổ chức tại chùa Quán sứ – Hà Nội. Ngài được suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ (1981-1992).

Năm Nhâm Tuất 1982, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Ngài nhận trách nhiệm Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo trong 3 nhiệm kỳ (1982 – 1998) và năm 1989, Ngài kiêm Trưởng ban Kiểm Tăng cho đến ngày viên tịch.

Đối với đất nước, Ngài được mời tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh 2 nhiệm kỳ (1986 – 1993) để góp phần cùng các hội đoàn, các giới xây dựng đất nước phồn vinh, độc lập.

Năm 1992, tại Đại hội kỳ 3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày mãn duyên.

Vào những năm cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng Ngài vẫn đóng góp cho đạo cho đời bằng tất cả tâm nguyện vô ngã vị tha : giảng dạy Tăng Ni Phật tử, chứng minh các khóa an cư kiết Hạ và trùng tu ngôi Tam bảoKhánh Hưng” thêm trang nghiêm, tú lệ.

Lộ trình phụng sự đạo pháp – dân tộc, trang nghiêm Giáo hội, tiếp dẫn hậu côn của Ngài đã viên mãn. Sau cơn suy tim đột ngột, Ngài xả báo an tường thu thần thị tịch lúc 2 giờ 30 phút ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Tuất, nhằm ngày 01 tháng 3 năm 1994, tại trụ xứ chùa Khánh Hưng. Ngài trụ thế 81 năm, Hạ lạp trải qua 59 mùa An cư kiết Hạ.

Hơn 50 năm hóa đạo, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết, tài đức cho đạo pháp – dân tộc và lịch sử đấu tranh, phát triển nền hòa bình, độc lập, thống nhất chung cả đời và đạo . Một hình bóng cao cả của bậc Sứ giả Như Lai, tận tụy giảng dạy Tăng Ni – Phật tử; quên mình vì sự nghiệp chung của đất nước, đã khắc đậm trong tâm trí của hàng hậu bối, của bao tầng lớp Phật tử Việt Nam.