Hòa Thượng Thích Tâm Truyền (1832-1911)

Hòa thượng Thích Tâm Truyền, pháp danh Thanh Minh, tự Huệ Văn, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41, tục danh là Đỗ Lương, sinh ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1832) – Minh Mạng thứ 13, tại thôn Tiên Kiên, tổng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị.

Chưa có tư liệu nào về song thân phụ mẫu của Ngài, chỉ biết Ngài sinh ra trong một gia đình nho gia thuần túy, được tiếng tốt khắp vùng, được mọi người quý trọng. Lúc đầu, Ngài theo học nho học, sau đó bỏ nho theo Phật. Nhân một hôm đến chùa Diệu Đế ăn một bữa cơm chay, Ngài cảm thấy ngon và phù hợp với suy nghĩ của mình, bèn có ý muốn xuất gia tu tập. Lúc ấy Ngài vừa tròn 15 tuổi.

Năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852), lúc 20 tuổi, Ngài đến chùa Diệu Đế cầu xuất gia tu học với Hòa thượng Diệu Giác, được Hòa thượng đặt pháp danh là Thanh Minh, tự Huệ Văn, Ngài chuyên cần học hỏi tu tập. Với khả năng nho học sẵn có, Ngài dễ dàng hội nhập giáo điển Đại thừa, được Tăng chúng thương yêu và tôn trọng.

Năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), khi Hòa thượng Tăng Cang Nhứt Nhơn viên tịch, Bổn sư Ngài được sắc chỉ bổ nhiệm sang trụ trì chùa Báo Quốc vào tháng Chạp, Ngài được cử quản chúng trong khoảng thời gian Bổn sư tìm người thay thế ở chùa Diệu Đế.

Từ đây cho đến năm 1894 là giai đoạn bận rộn nhất của Hòa thượng Bổn sư Ngài; liên tiếp lo trùng tu chùa Báo Quốc, khai mở các giới đàn để chọn Tăng tài, vừa là giai đoạn triều đình Huế có nhiều biến động, thực dân Pháp đã can thiệp vào nội tình Đại Việt.

Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), với tính khiêm cung, đạo lực khả úy, Ngài đã được Bổn sư tin tưởng giao nhiệm vụ cho Ngài đi cung thỉnh chư Tôn nhiều nơi về chùa Báo Quốc khai Đại giới đàn quan trọng (ngụ ý của Hòa thượng Diệu Giác nhân đó chứng tỏ sức sống của Phật giáo với tình hình bất ổn của thời thế lúc bấy giờ). Cho nên một trong những vị có đầy đủ uy đức lớn lao được Hòa thượng Bổn sư quan tâm và nhất quyết phải cung thỉnh cho được là Hòa thượng Từ Mẫn ở chùa Tịnh Lâm ở Phù Cát – Bình Định, bởi sự có mặt của vị Hòa thượng này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn cho giới đàn và thâm ý chung, Ngài được lệnh vào tận Bình Định để làm nhiệm vụ đó.

Tháng 4 cùng năm, Đại giới đàn chùa Báo Quốc được khai mở do chính Hòa thượng Bổn sư Ngài làm Đường đầu Hòa thượng; Hòa thượng Từ Mẫn làm Đệ Nhất Tôn chứng, Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma, Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ.

Cũng tại giới đàn quan trọng này, Ngài vừa là Chủ sự Tăng, vừa là Giới tử thọ Cụ túc giới. Giới đàn khi đã hoàn mãn, Hòa thượng Từ Mẫn dành thời gian rất lớn ở lại bên cạnh và ân cần khuyến dạy riêng Ngài. Hòa thượng còn dạy Ngài phải nhanh chóng cầu pháp với Hòa thượng Bổn sư vì đã thọ Cụ túc giới.

Tháng 11, Hòa thượng Diệu Giác chấp thuận lời cầu thỉnh đó, đã ứng tâm phú pháp cho Ngài :

Minh lai quảng lãng hội long quân
Pháp hiệu Huệ Văn phú nhữ kim
Pháp pháppháp giai thị pháp
Thứ diễm truyền đăng cách khả tầm.

Sau đó ban pháp hiệu cho Ngài là Tâm Truyền.

Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895), Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác viên tịch, Ngài kế thế trụ trì chùa Diệu Đế.

Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896), Ngài lại được bộ Lễ triều đình cử sang chùa Báo Quốc trụ trì.

Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), Ngài phát nguyện chỉ ăn một bữa Ngọ theo luật Phật chế với tâm nguyện đạo lực thêm kiên cố.

Năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898) vào tháng 6, Ngài trùng tu chùa Diệu Đế. Vua cấp cho 3.000 xâu tiền hỗ trợ, tiếp đến tháng 7, Ngài lại xin trùng tu chùa Báo Quốc và cũng được vua cấp 600 xâu tiền; nhân đó Ngài xây dãy Ngũ Công Đức Đường (tức nhà hậu chính chùa Báo Quốc).

Năm K Hợi, Thành Thái thứ 11 (1899), Ngài miễn cưỡng nhận chức Tăng Cang chùa Diệu Đế sau nhiều lần chư sơn môn thiết tha khuyến thỉnh (nhân Tăng Cang lúc đó là Nguyễn Hữu Thiêm đã cao tuổi xin được hồi hưu, mà chưa có người thay thế, triều đình giao cho chư Tăng tuyển chọn và đệ trình Bộ Lễ).

Tháng 7 cùng năm, Ngài cho trùng tu chùa Viên Giác (vị trí tọa lạc phía sau chùa Báo Quốc) do Tổ Liễu Quán khai sơn.

Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900) tháng Chạp, Ngài cho xây dựng lại chùa Viên Thông, trước đó vào tháng 6, Ngài cũng đã tổ chức đại trùng tu chùa Huệ Lâm ở thôn Bình An, tọa lạc phía hữu, gần chùa Vạn Phước (nay không còn).

Năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901), Ngài tổ chức xây dựng “Bích Khê Từ Đường” để thờ Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác.

Đó cũng là công việc cuối cùng mang ý nghĩa hết sức to lớn trong đời Ngài : báo đáp thâm ân. Sau đó tất cả đều dừng lại theo nhịp độ thu dần của tuổi già. Thời gian còn lại, Ngài chuyên thực hành bố thí và mỗi ngày đều đặn trì tụng 3 biến công phu và 6 biến tịnh độ gồm Di Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Thí Thực.

Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1911), mùa Hạ tháng 6 (nhuận), Ngài thị tịch vào giờ Tý, thọ 79 tuổi đời, 49 tuổi đạo.

Các đệ tử xây tháp Ngài tôn trí bên hữu chùa Diệu Đế.