Hòa Thượng Thích Thiện Thuận (1900-1973)

Hòa thượng Thích Thiện Thuận, pháp húy Nhật Dần, thế danh là Lê Văn Thuận, sinh năm Canh Tý (1900) tại Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Xúy và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Biền, thuộc thành phần trung nông và là một gia đình có truyền thống tu Phật nhiều đời. Nhờ vậy ngay từ tấm bé, Ngài đã sớm thấm nhuần nếp sống đạo đức và tỏ ra thương yêu loài vật một cách đặc biệt, được song thân quý mến và làng xóm thương yêu.

Thời gian này đất Gia Định tuy vẫn còn râm ran đó đây các phong trào đấu tranh nổi dậy tự phát, nhưng thực dân pháp đã ổn định về mọi sự áp đặt của họ. Phật giáo vẫn còn bị kềm chế đó đây, cuộc sống tu hành của Tăng sĩ gặp nhiều khó khăn. Trong tình cảnh đó, hiếm có được ngôi chùa nào còn sót lại ngay trung tâm Gia Định và vùng Bến Nghé. Vì vậy cung cách giữ gìn truyền thống và tu tập của gia đình Ngài trong hoàn cảnh này thật đáng quý.

Năm Canh Tuất (1910) Ngài thường xuyên cùng song thân đi hành hương lễ Phật các chùa quanh vùng. Theo như mong ước của Ngài, đó còn là dịp để song thân tìm được nơi tin tưởng hầuthể gởi gắm Ngài tu học sau này. Tiếc rằng do ảnh hưởng chung của thời thế, hiện trạng Phật giáo chịu chung vận mệnh đất nước bị suy thoái, nên mục đích cao đẹp là chơn giải thoát chỉ còn là hình tướng lễ bái mà thôi.

Năm Giáp Dần (1914) trên chuyến xe ngựa đầu xuân, vó ngựa gõ đều trên mặt lộ hướng về phía Đông Bắc, trong những bạn hàng buôn chuyến sớm, có song thân và Ngài đang thực hiện hoài bão cao cả hằng ấp ủ bấy lâu : Hòa thượng Hồng Hưng-Thạnh Đạo ra đến cổng Tam Quan chùa Giác Lâm hoan hỷ đón đợi Ngài cùng song thân như để báo rằng hoài bão của gia đình và bản thân Ngài giờ đây đã thành hiện thực.

Ở Gia Định thời ấy chỉ có ba ngôi chùa tạm được gọi là lớn và có quy trình tu học, đào tạo Tăng Ni được khắp nơi biết đến là chùa Giác Lâm, Giác Hải và Long Thạnh. Từ Cần Giuộc xa xôi gia đình Ngài không quản thời gian tìm đến và quyết định cho Ngài xuất gia tu học tại đây. Rằm tháng Tư âm lịch năm ấy, khi vừa đến tuổi 15, Ngài chính thức được Hòa thượng Hồng Hưng – Thạnh Đạo cho làm lễ xuất gia và đặt pháp danh là Nhật Dần, hiệu Thiện Thuận, thuộc đời thứ 41 dòng Đạo Bổn Nguyên, Tông Lâm Tế.

Năm Canh Thân (1920) Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại trường Kỳ chùa Phú Long – Phú Nhuận, do Hòa thượng Quảng Phát làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, Ngài được cử giữ chức hương đăng chùa Giác Lâm, Ngài chuyên cần chấp tác mọi công việc của chùa, dù cho đó là công việc của Sa di, vì vậy Ngài đã tạo ra mối gắn bó tu học gần gũi trong Tăng chúng. Không lâu sau, nhận thấy sở học của Ngài luôn phát tấn, cần được nâng cao để có thể đảm đương các Phật sự quan trọng mai sau, nên Bổn sư đã gởi Ngài đi tham học nhiều nơi; trong đó đáng kể nhất là thời gian Ngài được tu học với Hòa thượng Thanh Ấn, húy Như Bằng-Từ Hòa ở chùa Từ Ân (Phú Lâm). Ngài đã cầu pháp với Hòa thượng, được ban pháp hiệu là Từ Hiền-Chơn Dần.

Năm K Mão (1939) Ngài trở về Giác Lâm và giữ trách nhiệm điển tọa. Thời gian này Hòa thượng Bổn sư đã già yếu, Ngài luôn cận kề chăm sóc và thực hiện những đạo lệnh quan trọng nhằm củng cố và phát triển Tăng đoàn nơi Giác Lâm.

Năm K Sửu (1949) Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài tuân thủ di chúc, được đại chúng suy tôn kế thế trụ trì chùa Giác Lâm. Với bản tính điềm đạm, ít nói, nhu hòa, đã giúp Ngài thực hiện trọng trách, được lòng tất cả Tăng chúng và Phật tử gần xa.

Trụ trì ngôi đại già lam này, Ngài đạt nhiều công hạnh tốt, nhưng cũng là thời gian ít có vị trụ trì nào như Ngài, đã chứng kiến một thực trạng mang tính lịch sử : Tăng chúng ngày một giảm đi, không phải vì suy vi đạo nghiệp hay trở lực chướng duyên nào, mà họ đã nghe theo tiếng gọi của Hội Phật giáo Cứu quốc, tạm xếp Tăng bào, lên đường kháng chiến cứu nước cứu dân. Chùa Giác Lâm còn là nơi nuôi giấu cán bộ và là nơi hội họp của nhiều cấp ủy một thời.

Năm Nhâm Thìn (1952), tình hình có vẻ lắng dịu, các vị ra đi ấy đã có nhiều vị trở về, tiếp tục hợp sức với Ngài chuyên lo Phật sự. Từ đây, Ngài có một quyết định mang tính lịch sử : tham gia vào tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, cùng Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng làm nơi bồi dưỡng, đào tạo Tăng tài, lấy tên là “Trường Lục Hòa”. Cũng nơi đây, thành lập cơ sở in ấnPhật học tạp chí”, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng tạp chí ra mắt được vài số thì đình bảnkhông đủ nhân lực tài lực.

Năm Quý Tỵ (1953) Ngài hiến cúng mẫu đất trước khuôn viên chùa Giác Lâm, dùng làm nơi xây tháp để tôn trí ngọc Xá lợi Phật do Đại đức Narada từ Tích Lan mang sang tặng, vào ngày 24.6.1953, và trồng một cây Bồ đề được chiết cành từ nơi đất Phật.

Năm Đinh Dậu (1957), Ngài được tấn phong Hòa thượng nhân Đại giới đàn tại chùa Trường Thạnh, lễ Khai Bằng Giáo Phẩm được tổ chức trọng thể tại trường Lục Hòa – chùa Giác Viên.

Năm Nhâm Dần (1962) Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền – Biên Hòa) được suy tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng. Từ đây, Ngài vẫn tích cực ủng hộ Giáo hội, nhưng do đa đoan bổn tự nên Ngài âm thầm với cuộc sống chuyên tu nhiều hơn. Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng cũng vì bảo vệ tôn chỉ, mục đích Lục Hòa, nên đứng ngoài các đấu tranh về chính trị, xã hội.

Năm Canh Tuất (1970) Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử được hợp nhất, đổi tên thành Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Ngài được suy cử vào thành viên Hội đồng Viện Tăng Thống.

Năm Nhâm Tý (1972) Ngài được đề cử chức vụ Viện trưởng Viện Hoằng Đạo và Hòa thượng Thích Huệ Thành giữ ngôi vị Tăng Thống.

Năm Quý Sửu (1973) Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 26 tháng 3 âm lịch, thọ 73 tuổi đời, giới lạp 53 mùa hạ. Môn đồ pháp quyến đã xây tháp thờ Ngài trong khuôn viên chùa Giác Lâm.