Hòa Thượng Thích Thiên Trường (1876-1970)

Hòa thượng Thích Thiên Trường, pháp danh Như Lý, nối pháp đời thứ 39 dòng Lâm Tế Gia Phổ, Ngài thế danh Nguyễn Văn Hanh, sinh năm Bính Tý 1876, tại quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Thân phụ Ngài là ông Lê Văn Phúc, thân mẫu là bà Huỳnh Thị Quới, quê ở thôn Phú Hội, xã Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho.

Thuở nhỏ, Ngài thường theo mẹ về quê, vào chùa Bửu Lâm lễ Phật. Hòa thượng trụ trì húy Minh Đạt, tự Huyền Dương thấy Ngài tướng mạo thông minh đĩnh ngộ nên rất thương yêu, nhiều lần bảo với mẹ Ngài cho xuất gia. Nhưng bởi duyên trần chưa dứt, năm Nhâm Thìn 1892, song thân định đôi bạn cho Ngài. Vợ chồng có với nhau 3 người con, hai trai một gái. Hai người con trai đều tham gia cách mạng, người con đầu hy sinh; người con thứ hai tên Lê Văn Tỵ làm đại sứ ở Bỉ. Sau ngày giải phóng về nước làm Chủ tịch Mặt trận đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, đã hưu trí. Người con gái tên Lê Thị Mỹ.

Bởi nợ hồng trần không nặng nên người bạn đời của Ngài mạng số ngắn ngủi, sau khi sanh con được ít lâu, bà lâm bệnh nặng và qua đời. Thấm thía lẽ sanh tử vô thường nên Ngài sắp xếp việc gia đình, nhờ mẹ chăm sóc nuôi dưỡng các con. Rồi tháng 7 năm 1898 (Mậu Tuất), Ngài đến chùa Bửu Lâm xin thế xuất gia với Hòa thượng Minh Phước – Tư Trung, nương Hòa thượng Bổn sư tu học được hai năm.

Đến năm 1900 (Canh Tý), Hòa thượng Minh Phước về chùa Bửu Hưng ở Xẻo Vẹt, Sa Đéc, đổi cho Hòa thượng Minh Tông – Nhứt Bổn về trụ trì chùa Bửu Lâm. thế là Ngài lại nương theo Hòa thượng Minh Tông để tu học. Ít năm sau, Hòa thượng Minh Tông viên tịch, Ngài được kế tục trụ trì.

Năm 1904 (Giáp Thìn), sau trận bão lớn chùa Bửu Lâm bị hư sập, Ngài đứng ra trùng tu sửa chữa. Nhưng ít lâu sau, chùa xuống cấp trầm trọng, Ngài cho tháo dỡ xây dựng lại mới hoàn toàn. Đến năm 1907, chùa mới xây cất xong.

Tháng 4 năm 1908 (Mậu Thân), Ngài tổ chức lễ khánh thành chùa và khai trường Hương, chư Tăng các tỉnh miền Tây về nhập Hạ rất đông, trên dưới 200 vị. Trước ngày hưu Hạ Ngài mở trường Kỳ, thỉnh Hòa thượng Hoằng Ân – Minh Khiêm, trụ trì chùa Giác Lâm làm Hòa thượng Đàn Đầu. Về sau, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Hoằng Ân – Minh Khiêm và cất am Viên Giác ở phía sau chùa để Hòa thượng nghỉ lại ở đây dạy đạo.

Ngài duyên may được thọ giáo tu học với 3 vị cao Tăng nên sở học của Ngài thêm uyên thâm, quảng bác. Ngài có làm đôi liễn lấy tên chùa và tên Ngài đối nhau rất hay :

Bửu hòa Thiên địa tam quang chiếu

Lâm thượng Trường hưng tứ chúng tôn.

Năm 1920 (Canh Thân), sau khi Hòa thượng Minh Phước viên tịch, chùa Bửu Hưng ở Sa Đéc không người trông coi, dần dần hoang phế hư hoại nên Phật tử cúng ngôi chùa lại cho Ngài. Ngài phải về trùng tu, sau đó giao cho đệ tửHồng Lệ trụ trì.

Từ năm 1925 về sau, Ngài họp sức cùng Hòa thượng Khánh Hòa ở Bến Tre lo vận động phong trào chấn hưng Phật giáo và thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn. Nhưng về sau bị ông Trần Nguyên Chấn cản trở không mở được Thích học đường để đào tạo Tăng tài nên các vị Hòa thượng rút về miền Tây. Sau đó, thành lập Liên đoàn Phật Học xã, giảng dạy lưu động, luân phiên mỗi chùa 3 tháng. Liên đoàn này hoạt động được khoảng một năm thì tan rã.

Kế đến, năm 1934 (Giáp Tuất), Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời, đặt trụ sở tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh. Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh TràngHội trưởng khóa đầu và Ngài là hội viên sáng lập từ năm 1935 đến năm 1945.

Ngài có tinh thần yêu nước sâu nặng nên vào khoảng thời gian 1920 – 1935, lúc bị giam lỏng tại Mỹ Tho, nhà cách mạng Phan Châu Trinh thường hay tới lui đàm đạo với Ngài rất tâm đắc và sau đó trở thành đôi bạn tâm giao.

Chùa Bửu Lâm vào thời đó tuy nằm gần chợ Mỹ Tho, thuộc Xóm Dầu, một địa phận sầm uất nhưng đường vào chùa cây cối rậm rạp, nên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp các nhà cách mạng lão thành như Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng thường chọn nơi đây làm địa điểm hội họp.

Thời kỳ chống Mỹ, các cán bộ lãnh đạo như Phạm Hùng, Nguyễn Thị Lựu, Huỳnh Hoa… cũng thường gặp gỡ hội họp nơi đây. Chùa có một tủ thờ Hộ pháp rất rộng, có thể chứa đến 15 người khi có động tịnh. Ngoài ra, do có Ngài luôn trông chừng bảo vệ ở bên ngoài nên cán bộ hội họp rất yên tâm.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Hội Phật giáo Cứu Quốc giải tán. Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập hoạt động công khai. Ngài được suy tôn làm Đại Tăng trưởng.

Năm 1956, Đoàn Công Dân Vụ và Bình Định Nông Thôn của chính quyền Ngô Đình Diệm đến xin trùng tu lại chùa, nhưng Ngài từ chối. Cũng trong năm ấy, Ngài được mời tham dự Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn, liên tục trong 5 ngày.

Năm 1962 (Nhâm Dần) Đại giới đàn tổ chức tại chùa Giác Lâm, cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đàn Đầu. Ngài lúc này tuổi đã cao (88 tuổi), sức khỏe đã kém, nhưng vì Phật sự nên Ngài vẫn hoan hỷ chống tích quang lâm trợ duyên cho đàn giới được thành tựu viên mãn.

Trong suốt cuộc đời hành hóa, Ngài luôn nhiệt tâm với đạo pháp, không từ nan một Phật sự nào. Ngoài việc giảng dạy gia giáo, Chứng minh Đàn giới, trùng tu tự viện, có thể nói sự nghiệp thế độ xuất gia của Ngài là một công hạnh lớn. Ngài hóa độ rất nhiều đệ tử, trong số có những vị danh tiếng như : Hòa thượng Trí Long chùa Vĩnh Tràng, các Hòa thượng Bửu Đức, Triều Long, An Long, Hồng Lệ, Thiện Căn, Bửu Hưng…

Đóa hoa tứ đại trong suốt một mùa xuân dài tỏa hương sắc tô điểm cho ngôi nhà Phật pháp nay đã đến hồi tàn héo, phân ly. Năm 1970 (Canh Tuất), ngày 24 tháng 4, Ngài viên tịch tại chùa Bửu Lâm, hưởng thọ 94 tuổi, 50 Hạ lạp. Môn đồ pháp quyến cử hành tang lễ rất trọng thể và xây tháp kính thờ trong khu Tháp mộ phía sau chùa Bửu Lâm.