Hòa Thượng Thích Trí Đức (1915-1999)

Hòa thượng Thích Trí Đức, pháp danh Hồng Phương, pháp hiệu Huệ Phước, pháp húy Chơn Bảo, nối dòng Lâm Tế đời thứ 40, thế danhNguyễn Thuần Nam, sinh năm Ất Mão (1915) tại Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, sau dời về xã Vĩnh Hưng, nay thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thuần Hậu, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thanh.

Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em, với truyền thống nho phong nề nếp. Năm lên 8 tuổi, cha lìa trần. Ngài theo mẹ vào chùa Châu Viên (xã Châu Thới – Bạc Liêu) làm lễ kỳ siêu cho hương linh thân phụ; tiếng mõ, hồi chuông, câu kinh, lời kệ làm Ngài từ đó tâm niệm muốn xuất gia và được Hòa thượng cho thọ tam quy, pháp danhHồng Phương.

Năm 10 tuổi, đạo tâm càng phát, Ngài được mẹ cho phép thế phát xuất gia tại chùa Châu Viên và được Hòa thượng Bổn sư trụ trì  húy Tâm Viên, tự Ngộ Chỉ thu nạp làm đệ tử.

Sau 3 năm chấp tác, phụng Phật sự Sư, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đi tham học với Hòa thượng Giác Thiên (Sài Gòn) một năm và sau đó tham học nơi Hòa thượng Phổ Huệ – người kế tục trụ trì chùa Châu Viên. Còn Hòa thượng Bổn sư chuyển về chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) để hoằng hóa độ sanh. Lúc ấy, tuy là thị giả nhỏ tuổi, nhưng Ngài đã tỏ rõ tư cách đạo phong khả kính, được cử làm trưởng tràng trong số huynh đệ môn sinh, và được Hòa thượng Phổ Huệ ban cho pháp hiệu là Huệ Phước.

Năm Quí Dậu (1933), Ngài thọ giới Sa di tại chùa Vĩnh Hòa và được Hòa thượng Phổ Huệ (chùa Châu Viên) gởi đi y chỉ nơi Hòa thượng Quảng Sơn chùa Giác Hoàng (Bà Điểm). Hai năm sau, Ngài đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Giác Lâm (Phú Thọ) do Hòa thượng Hoằng Nghĩa làm Đường đầu truyền giới (Ất Hợi – 1935).

Từ đó, Ngài vân du tham học và hành đạo, đầu tiên Ngài ở chùa Giác Linh (Tân Hòa – Sa Đéc) một năm. Nơi đây, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của đại thí chủ là bà Ban Xoàn để chứng minh chủ trì khai hội Pháp Hoa.

Năm Mậu Dần 1938, Ngài trở về chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) và được Hòa thượng Bổn sư Thích Tâm Viên truyền pháp ấn, ban pháp húy là Chơn Bảo và dự vào hàng Đệ tứ Tôn chứng tại trường Hương của chùa. Năm sau, Ngài xin phép Bổn sư đi trùng tu chùa Long Phước, nay thuộc xã Hội An Đông (Đồng Tháp) và làm trụ trì nơi này.

Năm Tân Tỵ 1941, Ngài được tứ chúng đề cử làm Giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Phước Hội, xã Hội An (An Giang).

Từ năm 1945 đến 1954, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến, một mặt vừa tu học, hoằng dương đạo pháp, một mặt Ngài tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngài là Ủy viên Ban vận động phong trào Phật giáo Cứu quốc tỉnh Long Châu Sa. Sau đó, Ngài được cử làm Chủ tịch Liên Việt huyện Lấp Vò; do vì lấy trụ xứ chùa Long Phước làm cơ sở hoạt động cách mạng, nên đã bị thực dân Pháp và tay sai hai lần đốt phá chùa.

Năm Canh Dần 1950, Ngài được cử làm Tuyên luật sư tại Đại giới đàn Phước Hòa Ni Tự (Thốt Nốt, An Giang).

Năm Giáp Ngọ 1954, Ngài làm Giáo thọ sư tại trường Hương chùa Khánh Sơn (Sóc Trăng).

Năm Tân Sửu 1961, thể theo di chúc của Hòa thượng Bổn sư, Ngài được cử làm Phó trưởng tử, truyền đăng đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế, kế thế tông môn, nối truyền Tổ ấn làm trụ trì chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) cho đến ngày viên tịch.

Năm Nhâm Dần 1962, Ngài được cử làm Yết ma A Xà Lê tại giới đàn chùa Vạn Phước (Sóc Trăng) và là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già quận Vĩnh Lợi (lúc đó còn thuộc tỉnh Sóc Trăng).

Năm Giáp Thìn 1964, Ngài được suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu cũ, liên tục các nhiệm kỳ đến năm 1976. Trong những năm này, Ngài tích cực hoạt động trong Phật sự và ngoài xã hội, Ngài sửa sang, kiến thiết lại chùa Vĩnh Hòa, xây dựng thêm Tăng xá làm nơi tu học cho Tăng Ni Phật tử. Ngoài ra, hàng năm khai giảng các khóa An cư kiết Hạ, khai đàn truyền giới, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Năm Ất Tỵ 1965, song song với việc hoằng pháp tại trụ xứ, Ngài còn ứng cơ độ thế, lập nhi viện, trường mẫu giáo Vĩnh Hòa. Năm 1968, sáng lập trường Trung học Bồ Đề giáo dục học sinh theo tinh thần “trí đức dũng nhân” của đạo pháp và dân tộc.

Vào các dịp lễ truyền thống Phật giáo lớn như Vu Lan, Phật Đản, tết Nguyên đán, Ngài còn đi thăm viếng ủy lạo các trại tập trung cải huấn tỉnh Bạc Liêu đa phần là tù chính trị trước giải phóng, và các bệnh viện, trại dưỡng lão, cô nhi… thể hiện tấm lòng Từ bi cứu khổ của một vị Bồ tát giáo hóa chúng sanh.

Năm Tân Hợi 1971, Ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Quan Âm (Cà Mau) do Giáo hội tổ chức và hàng năm được mời dự vào hàng Tam sư truyền giới tại giới đàn các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Năm Quý Mão 1973, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Từ năm Canh Ngọ 1990, dù tuổi cao sức yếu nhưng khi Giáo hội cần cầu, Ngài vẫn hoan hỷ nhận nhiệm vụ Chứng minh Ban trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải, kiêm chánh đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu.

Năm Đinh Sửu 1997, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.

Đầu năm K Mão 1999, nhận thấy tứ đại suy yếu trần duyên sắp mãn, Ngài đã cho họp tứ chúng công bố đề cử Ban trưởng tử kế thừa truyền đăng tông môn chùa Vĩnh Hòa và dặn dò, nhắc nhở chúng thường trụ tinh tấn tu trì, đóng góp cho đạo pháp và dân tộc nhiều hơn.

Ngày 26 tháng 5 năm K Mão, nhằm ngày 09 tháng 6 năm 1999, vào lúc 19 giờ, Ngài đã an nhiên thị tịch trong sự kính tiếc của môn đồ pháp quyến và toàn thể Giáo hội địa phương. Ngài trụ thế 84 tuổi đời, với 64 Hạ lạp.

Hòa thượng Thích Trí Đức là một bậc cao Tăng thạc đức, giới hạnh uy nghi, phúc tuệ vẹn toàn. Ngài là Tôn chứng sư tại các Đại giới đàn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… ấn chứng thọ giới cho biết bao giới tử, môn đồ phục vụ cho đạo pháp và dân tộc cho đến nay. Cả cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, công hạnh viên minh thật đáng để hàng hậu tấn noi gương, và ghi nhớ một bậc danh Tăng đức độ của Phật giáo Việt Nam trong thế k XX.