Hòa Thượng Thích Trừng San (1922-1991)

Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, pháp hiệu Hải Tuệ, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế chánh tông, thế danhNguyễn San (sau đổi là Trần Văn Lâu). Ngài sinh năm Nhâm Tuất 1922, tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, thân phụ là cụ ông Nguyễn Lợi, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Tý, đều là Phật tử thuần thành, thâm tín Tam bảo.

Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống nhiều đời tin Phật. Vốn có túc duyên Phật pháp sâu dày, nên năm 8 tuổi, Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tu học. Buổi đầu khai tâm, Ngài được Hòa thượng Phổ Hiện, chùa Khánh Long, Diên Khánh thu nhận làm đệ tử. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài y chỉ với vị kế thế trụ trì là Hòa thượng Chánh . Đặc biệt, Ngài được cả hai vị Bổn sư và Y chỉ sư trực tiếp truyền dạy Du già nghi pháp và đến năm 20 tuổi, Ngài đã làu thông.

Năm Quý Mùi 1943, Ngài được Hòa thượng y chỉ sư cho đến thọ giáo tu học với Hòa thượng Giác Phong, trụ trì chùa Hải Đức, Nha Trang.

Mùa đông, năm 1945 (Ngài được 23 tuổi), đất nước lâm vào cảnh điêu linh vì giặc ngoại xâm. Ngài đã phải ứng cơ độ thế, tham gia vào lực lượng Việt Minh chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Sau một thời gian hoạt động Cách mạng, Ngài đã bị địch bắt giam ở nhà ngục Kon Tum suốt 7 năm trường.

Mãi đến mùa hè năm 1953 (Ngài được 31 tuổi), từ ngục tù Kon Tum trở về, Ngài lại tiếp tục cuộc sống tu hànhPhật học đường Nha Trang (vừa được thành lập tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa).

Năm Đinh Dậu 1957, hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang được sát nhập thành Phật học viện Trung phần, đặt cơ sở tại chùa Hải Đức, Nha Trang, Ngài là một trong những thành viên đầu tiên của Phật học viện này. Cũng từ đó, cuộc đời tu hành của Ngài đã gắn chặt vào công tác đào tạo Tăng tài của Phật học viện Trung phần, với bao nỗi thăng trầm, biến chuyển cho mãi đến ngày mãn duyên cõi tạm.

Cuối năm 1957 (35 tuổi), Ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn đầu tiên của Phật học viện Trung phần do Hòa thượng Giác Nhiên (chùa Thiền Tôn – Huế) làm Đàn đầu truyền giới. Trong giới đàn này Ngài là Thủ Sa di.

Năm K Hợi 1959, do nhu cầu Phật sự quá cấp thiết, Ngài được Phật học viện đề cử vào trụ trì chùa Thiên Bình, xã Hòa Tân, Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau một thời gian, Ngài được Phật học viện Trung phần gọi về tham gia công tác quản lý tại đây.

Năm Ất Tỵ 1965, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, được ban cho pháp hiệu là Hải Tuệ và được truyền bài kệ phú pháp như sau :

“Hải tánh nan tư nghì
Thừa đương nhân tự tri
Không hoa do nhãn ế
Sanh, Phật tất giai phi”

Cũng vào năm này, Giáo hội thống nhất cơ cấu tổ chức Phật học viện toàn quốc, Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám sự Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Đồng thời, Ngài được mời giữ chức Giám viện Phật học viện Trung đẳng Linh Sơn, Nha Trang.

Năm K Dậu 1969, Ngài chứng minh sáng lập “Y vương niệm Phật đường” tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.

Năm Canh Tuất 1970, Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Diên Thọ, trụ sở Giáo hội huyện Diên Khánh, và chùa Linh Phong (chùa Núi) Vĩnh Thái – Nha Trang.

Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Tăng sự trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Phú Khánh cho đến đại hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ I năm 1991 (sau khi tách tỉnh).

Cuộc đời của Ngài, từ lúc trưởng thành cho đến khi già yếu, đã hòa nhập vào những bước thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. Từ kháng chiến gian khổ, ngục tù khắc nghiệt, cho đến cuộc sống tu hành nghiêm tịnh chốn thiền môn công tác Phật sự liên tục dồn dập, Ngài vẫn không từ nan phục vụ, không tránh né khó khăn; ở đâu cần thì Ngài đến, Phật sự nào được giao phó Ngài đều chu toàn.

Do sự cống hiến quên mình ấy, nên sức khỏe của Ngài đã dần dần giảm sút theo tháng năm, tuổi tác. Cho đến năm 1988 Ngài yếu hẳn và trọng bệnh phát sinh. Trong thời gian tịnh dưỡng ở chùa Long Sơn, măïc dù xác thân tứ đại hoành hành não bệnh, nhưng Ngài vẫn không xao lãng công phu tu niệm.

Một hôm, như biết trước cơ duyên sắp mãn, Ngài nhờ môn đồ chở đi thăm viếng hầu hết các cảnh chùa trong huyện Diên Khánh. Đây là lần thăm viếng quê hương cuối cùng của Ngài.

Đêm 21 tháng 11 năm 1991 (tức ngày Rằm tháng 10 năm Tân Mùi), trước số đông pháp hữu, pháp quyến đến thăm Ngài, đang nằm trên giường bệnh, Ngài tỉnh táo hỏi : “Hôm nay là ngày mấy ?” quý pháp hữu trả lời bằng ngày Dương lịch, Ngài nói: “Không, ngày Âm lịch kia”. Sau khi nghe trả lời, Ngài im lặng mỉm cười !

Đến lúc 10 giờ sáng ngày 22 tháng 11 năm 1991 (16 tháng 10 năm Tân Mùi) hóa duyên đã mãn, Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân, thu thần nhập diệt trụ thế 70 năm, hưởng 35 tuổi đạo.

Ngài đã nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng phục vụ chúng sanh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp chung của đạo pháp và dân tộc Việt Nam.