Hòa Thượng Thiện Thắng (1923-1993)

Hòa thượng Thiện Thắng, thế danh là Lê Văn Nhỏ, sinh năm Quý Hợi – 1923 tại tỉnh Tây Ninh, thân phụ là cụ ông Lê Văn Chí, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Châu. Song thân Ngài nguyên quán tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đều là Phật tử thân tín Tam bảo, hiền lương, đạo đức.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, nên từ thuở nhỏ Ngài đã được huân tập hạt giống Phật pháp, sớm hoài vọng chí nguyện xuất gia.

Năm lên 8 tuổi (1931), Ngài có cơ duyên được vào chùa Pháp Hải (Bình Tây, Chợ Lớn) theo truyền thống Hệ phái Bắc Tông để tu tập quen dần với lối sống giải thoát vị tha. Từ đó, Ngài chuyên cần học tập kinh điển, theo thời gian vân du khắp nơi và thường độc cư thiền định tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh trong nhiều năm liền.

Năm 1954, Ngài được 31 tuổi, nhận thấy Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sanh mà cảm ứng, Phật giáo cũng có nhiều hệ phái tùy theo sở hạnh, sở trísở nguyện của mỗi người. Thế là Ngài chuyển hướng hội nhập vào Hệ phái Nam Tông và được thọ giới Sa di nơi Hòa thượng Suvanna Khippapanne tại chùa Giác Quang (Bình Đông – Chợ Lớn), Ngài được ban cho pháp danh Thiện Thắng. Kể từ đây, Ngài cất bước tham học nhiều nơi. Ở đất nước Cao Miên, nơi người dân có truyền thống Phật Giáo Nam Tông, Ngài đã đến đây tu học và được truyền Đại giới Tỳ kheo tại chùa Bhibhe-Taramsìyá, Thầy Tế độ là Hòa thượng Dhammappannõ, Thầy Yết maHòa thượng Khippapanne.

Sau khi thọ Đại giới, Ngài đã để hết tâm trí và thời gian vào việc tu học, nghiên cứu kinh Tạng Pàli, và tu tập thiền định để khi trở về nước có thể hoằng dương Phật pháp ở quê hương mình. Qua một thời gian, Ngài đã thông suốt Kệ kinh tạng PàliPhật giáo Nam Tông, nhất là đạo hạnh ngày càng uy nghi, đức độ.

Năm 1976, trở về quê hương sau nhiều năm tham phương cầu đạo ở đất nước chùa Tháp; Ngài về chùa Tam Bảo (Đà Nẵng) để hoằng pháp lợi sanh.

Năm 1978, Hệ phái Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, quyết định bổ nhiệm Ngài chính thức trụ trì chùa Từ Quang, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ có kinh nghiệm truyền giáo thu thập ở nước bạn, vừa có giới hạnh uy nghi, nên Tăng Ni, Phật tử quy tụ về chùa ngày một đông để nương tựa Ngài tấn tu đạo nghiệp. Trong các nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo Hệ phái Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam từ 1976 – 1988, Ngài luôn luôn tham gia tích cực và được suy cử làm Ủy viên Kiểm soát, Cố vấn hệ phái.

Năm 1989, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề bạt Ngài làm Cố vấn trợ lý cho Hòa thượng Siêu Việt, Tăng trưởng Hệ phái Nam Tông, điều hành Phật sự trong hệ phái.

Năm 1993, Ngài được mời làm thành viên Ban Chứng minh của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù tuổi đời đã cao, thân tứ đại đã cỗi, nhưng Ngài vẫn luôn hành đạo xả thân vì Đạo pháp, vì chúng sinh. Lúc ở miền Nam, khi đến miền Tây, rồi ra miền Trung… ở đâu cũng có dấu chân hoằng pháp của Ngài bước đến. Trong suốt cuộc đời hoằng đạo cho đến ngày viên tịch, Ngài đã tế độ nhiều đệ tử xuất gia, cư sĩ tại gia ở nơi bản tự và nhiều chùa khác trong Hệ phái Nam Tông. Ngoài ra, Ngài còn để tâm biên soạn, trước tác kinh sách cho hàng hậu học sau này, như bộ Ngũ Uẩn Vấn Đáp… và một số tác phẩm Phật học khác.

Những ngày cuối đời, tuy tuổi già sức yếu, nhưng Ngài luôn luôn nêu cao nếp sống đạo hạnh của một bậc cao Tăng nghiêm trì Giới, Định, Tuệ. Ngài thường nhắc nhở đồ chúng : “Sự nghiệp tu hành quí ở chỗ hồi quang phản tỉnh, tự giác, giác tha, chứ không phải hào nhoáng hình thức chùa, tháp, lễ nghi, cúng bái”.

Trong mùa Vu Lan 1993 – Phật lịch 2537, Ngài lâm bệnh nặng, và theo định luật vô thường, có sinh tức có diệt, ngày 24 tháng 8 năm 1993 (tức mùng 7 tháng 7 năm Quý Dậu) vào lúc 6 giờ 30, Ngài đã xả báo an tường, thu thần thị tịch, trụ thế 70 năm, hơn 40 năm hành đạo.

Hòa thượng Thiện Thắng là một bậc Tòng lâm mô phạm cho hậu thế kính ngưỡng noi gương. Cái chân chất thanh thoát, mộc mạc của một Thiền sư, cái thành quả đóng góp cho Giáo hội, cho Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam đã lan tỏa và truyền khắp tất cả hàng đồ chúng ngày nay và mãi mãi sau này.