Hy Vọng Tan Theo Mây Khói

Lời dẫn: Làm người, ai cũng có hi vọng, mong muốn tương lai mình được tốt đẹp hơn, nhưng khi thất vọng thì vô cùng đau khổ. Nếu như chúng ta muốn thực hiện tương lai tốt đẹp thì hiện tại phải cố gắng nỗ lực, phải lao tâm khổ tứ và kiên nhẫn, thậm chí chuẩn bị tâm lý nếm mùi đau khổ cay đắng thất bại; cuối cùng, mới hưởng hạnh phúc ngọt ngào của sự thành công.

Tâm lý con người thường rất mâu thuẫn, khi họ làm việc trong môi trường yên tĩnh thì muốn bôn ba bên ngoài. Lúc họ ra ngoài làm việc một thời gian thì sinh tâm chán ghét, lại mong muốn cuộc sống yên tĩnh. Cho nên nói: “Tĩnh quá muốn động, động quá muốn tĩnh”. Cuộc sống luôn mâu thuẫn động tĩnh như thế. “Đời người mười việc thì có  tám, chín việc không vừa ý”. Người sống trong động không được yên tĩnh; người sống yên tĩnh lại không ra được bên ngoài tham gia hoạt động. Do vậy, con người khổ não rất nhiều.

Ngày xưa có một người. Khi mùa đông lạnh rét, hắn ở trong phòng đốt củi sưởi ấm, để tiện ban đêm được ấm áp cả căn phòng và ngủ ngon giấc. Một hôm ở bên lò sưởi, hắn chợt ngủ gục, trong giấc mơ hắn thấy mình từ từ bay lên cao, lên đến tận tầng mây xanh, ở dưới mặt trời rất ấm áp, dần dần gió lạnh thổi đến, thổi xuống dưới tầng mây, từ không trung hắn thấy mình hạ xuống núi rất lạnh. Bỗng từ trên núi hắn thấy mình rớt xuống hang sâu thăm thẳm, hắn hét to lên, chợt tỉnh giấc, thấy trên thân mình không có đắp chăn, lửa trong lò sưởi cũng đã tắt khi nào, khắp thân hắn lạnh tê cứng, mới biết đây là mộng.

Bài học đạo lý

Cổ đức dạy:

Trần gian vốn là mộng

Thực hư cũng là mộng

Say mộng hay tỉnh mộng

Vẫn là mộng mà thôi.

Đời người vốn là một giấc mộng dài. Khi chúng ta nằm mộng hi vọng được làm quan, mau giàu có, kiếm được nhiều tiền, nổi tiếng khắp thiên hạ v.v…Vì vậy, hàng ngày chúng ta mới cần cù chịu khó làm việc; bất luận băng rừng vượt suối, hay chịu đựng một nắng hai sương đều mong muốn một ngày mình được thành đạt hoài bão. Tục ngữ có câu: “Cuộc đời có lạnh, có nóng, có gian khổ, có hạnh phúc”. Con người có lúc làm việc khổ nhọc, có khi hưởng thụ thanh nhàn, đều là mong muốn tương lai tốt đẹp hơn hiện tại. Mong muốn tương lai như thế này, hay như thế kia, tất cả đều là ảo tưởng không dừng.

Người học Phật hi vọng tương lai chứng được quả Phật Vô Thượng, cho nên khi mới phát tâm, tinh tiến tu hành chí thành tha thiết. Sự tu hành giống như ở trong căn phòng lạnh lẽo, phải đốt củi sưởi ấm, lửa cháy lên dần dần ấm áp căn phòng, xua tan khí lạnh lẽo; sau đó con người mới hưởng thụ ấm áp thích thú .

Trong lòng mỗi người chúng ta đều có những phiền não tham, sân, si, nếu phát tâm tinh tiến tu hành thì giống như ngọn lửa bắt đầu cháy, phải liên tục đút củi vào thì mới có thể xua đuổi tất cả phiền não, làm cho thánh đạo sưởi ấm khắp thân tâm. Cuối cùng, phiền não không còn, phước huệ viên mãn, đạo quả mới có thể thành tựu.

Nhưng có người chú trọng ham muốn vật chất, dập tắt lửa thánh đạo; hoặc dập tắt lò sưởi đang bùng cháy, vì danh lợi làm cho ngọn lửa thánh đạo không còn hiệu quả. Rốt cuộc, lửa thánh đạo đã lạnh, khổ công tu hành không biết chạy đến đâu, đạo quả càng lúc càng xa người.

Mỗi người ở thế gian đều có hi vọng. Đứa bé vừa ra đời thì mong bú sữa, rồi muốn đi; lớn lên một chút, muốn ăn bánh kẹo, đi chơi chạy nhảy; tuổi thiếu niên mong được chạy xe máy, đeo đồng hồ; tuổi thanh niên mong thương được cô gái xinh đẹp; tuổi trung niên mong làm nên sự nghiệp, kiếm được nhiều tiền, làm chức vụ cao cấp; tuổi già mong được cháu ngoan, con hiếu. Nhưng thế gian này việc không như ý có đến tám, chín phần mười, đau khổ nhiều hơn.

Hi vọng có chính, có tà. Cổ đức dạy: “Người có nguyện tốt thì trời ban cho”. Chúng ta muốn thực hiện hi vọng chính đáng, cũng phải trả giá thích hợp- lao tâm lao lực; nếu không thì trở thành ảo tưởng. Bất cứ việc gì ở thế gian đều phải cần cù chịu khó mới có thành tựu; huống gì việc lớn xuất thế gian thoát khỏi sinh tử. Nếu như chúng ta sống cho qua ngày thì làm sao có được thành tựu. Tục ngữ có câu: “Học Phật một năm, hai năm Phật ở trước mắt; ba năm, bốn năm Phật ở trên trời”. Đây là bệnh chung của người học Phật. Đạt được danh vọng, địa vịthế gian đều phải trải qua muôn nghìn thử thách. Chúng ta học Phật vì sao không chịu trải qua sự rèn luyện?