Khu Vườn Hoàn Hảo

Nhiều chùa Phật giáo ở Nhật nổi tiếng vì các khu vườn đẹp trong chùa. Cách đây nhiều năm, có một ngôi chùa tự hào có khu vườn ngoạn mục nhất trong tất cả các chùa. Khách phương xa đến không ngoài mục đích là để ngắm cách sắp xếp tuyệt vời nhưng rất đơn giản của ngôi vườn.

Lần nọ có một vị lão sư đến viếng chùa, ông đến rất sớm lúc trời vừa rạng đông. Ông muốn tìm hiểu tại sao khu vườn này được xem là ngoạn mục nhất, nên ông núp sau một bụi cây lớn nơi ông có thể nhìn rõ toàn thể quang cảnh.

Ông thấy có một nhà sư trẻ trong chùa bước ra mang theo 02 giỏ mây. Trong 3 giờ liền ông theo dõi nhà sư này cẩn thận lượm từng chiếc lá cây và cành khô rơi xuống từ cây mận sum xuê đứng giữa khu vườn. Người lượm từng lá, từng que. Người săm soi mỗi lá, mỗi que. Người quan sátsuy ngẫm mỗi lần nâng lấy chiếc lá hay que khô. Lá nào người thích, người đặt vô một giỏ, số còn lại người bỏ vô giỏ kia, cái giỏ đựng rác. Sau khi lượm và đổ giỏ rác xong, người nghỉ uống trà giải lao cùng suy tính việc làm quan trọng sắp đến.

Trong ba tiếng kế tiếp nhà sư trẻ đặt mỗi lá, mỗi cành trong khu vườn vào chỗ phù hợp với mỗi lá, mỗi cành. Người làm công việc này một cách rất cẩn thận, chính xác và tỉnh thức. Nếu chưa vừa ý người lại chuyển đổi vị trí lá hay cái que bằng cách nhích lên hay nhích xuống hay trở qua, trở lại cho đến khi nào người mỉm cười đắc ý mới sang chiếc lá hay que khác. Người chọn màu sắc cũng như hình dáng của chiếc lá hay que phù hợp với vị trí của chúng trong vườn người mới vừa lòng. Nhà sư trẻ này có sự tỉ mỉ không ai bì kịp, nghệ thuật chọn hình dáng và màu sắc rất ngoạn mục, và am tường nét đẹp thiên nhiên vô cùng tinh tế. Do đó sau khi công tác xong ngôi vườn trở nên trong sáng kỳ diệu.

Bấy giờ lão sư khách bước ra. Bằng nụ cười với hàm răng thiếu trước hụt sau, ông khen tài làm vườn của nhà sư trẻ:

Tuyệt, thật là tuyệt, thưa sư! Tôi đã theo dõi Sư trọn buổi sáng nay. Sự chuyên cần của Sư rất đáng được ngưỡng mộ. Và ngôi vườn của Sư… hầu như là toàn hảo.”

Vị Sư trẻ tái mặt và cứng người tưởng chừng như bò cạp cắn. Nụ cười tự mãn của người vụt tắt và rơi tỏm xuống vực thẳm  trống không. Ở Nhật, không ai biếc chắc là mình có thể hiểu rõ cái cười của các vị sư cao tuổi!

“Thưa,…. Lão sư…nói…. sao?” Khó chịu, nhà sư trẻ  ấp úng thưa.

“Thưa lão sư, hầu như hoàn hảo là thế nào?” vừa nói người vừa sụp quỳ xuống chân lão sư. “Thưa lão sư, xin Ngài đoái thương con. Ngài chính được Đức Thế Tôn gởi xuống trần gian để chỉ dạy con cách biến ngôi vườn thành tuyệt hảo viên mãn. Xin ngài, bậc thánh nhân, hoan hỷ chỉ dạy giùm con.”

“Thật tìnhmuốn ta chỉ cho à?” Vị lão sư hỏi, vẻ mặt nhăn nheo hóm hỉnh.

“Dạ con xin… con xin lão sư!“

Vị lão sư tiến thẳng ra giữa vườn, dùng đôi tay già nua nhưng hãy còn rắn chắc, ôm lấy thân cây mận rậm lá. Rồi với nụ cười như của một thánh nhân, ông rung cây mận đáng thương kia. Cành, lá, vỏ cây rơi tung tóe đầy sân, nhưng ông vẫn không ngừng. Khi không còn lá nào rơi nữa ông mới ngừng rung.

Vị sư trẻ điếng hồn. Khu vườn tiêu tan mất rồi, công phu sáng giờ bị hoang phí. Người muốn giết vị lão sư. Nhưng vị lão sư nhìn quanh và tỏ vẻ thản phục công trình mình vừa mới hoàn tất. Rồi bằng nụ cười hòa nhã, ông ôn tồn nói với nhà sư trẻ:

“Bây giờ khu vườn của Sư mới thật sự hoàn hảo đó!”