Khuyên Người Làm Thầy Giáo

Những việc làm bại danh hoại tiết, dù là người nơi thị phi phố chợ cũng không nên làm, huống chi đối với kẻ đã được người đời tôn xưng một tiếng “tiên sinh”, ngày ngày lại đem lễ nghĩa răn dạy học trò? Thà mắc lỗi khờ khạo, không mắc lỗi quá khôn lanh. Thà để người xem mình là thư sinh ngờ nghệch chân chất, đừng để người khen là bậc phong lưu tài tử. Như thế là được.

Người nho sinh ở Chiết Giang

Vào khoảng cuối triều Minh, ở Chiết Giang có một nho sinh được mời làm gia sư ở nhà một viên võ quan chỉ huy. Một hôm bị cảm lạnh, sai đứa học trò vào nhà trong lấy tấm chăn. Đứa học trò sơ ý khi ôm chăn ra vướng theo chiếc hài của người mẹ, làm rơi bên dưới giường nằm của thầy. Cả hai thầy trò đều không hay biết.

Viên chỉ huy về nhà tình cờ nhìn thấy chiếc hài của vợ nằm ở chỗ dưới giường nằm thầy giáo, nghi ngờ vợ mình tư thông cùng thầy liền tra hỏi. Người vợ cương quyết phủ nhận. Ông liền lập kế sai một đứa tỳ nữ giả nói là do phu nhân sai đến, mời thầy gặp mặt. Xong, ông cầm đao đứng rình ngoài cửa, định nếu thấy thầy giáo nhận lời đi gặp vợ mình là chém chết ngay cả thầy với vợ mình.

Thầy giáo nghe tiếng gõ cửa, từ trong hỏi vọng ra chuyện gì. Đứa nữ tỳ lớn tiếng nói: “Phu nhân con muốn mời thầy gặp mặt.” Thầy giáo nghe vậy nổi giận, quát đuổi con nô tỳ về. Viên chỉ huy lại buộc vợ mình phải đích thân đến gọi cửa mời thầy. Thầy giáo nghe rồi từ trong nhà nói vọng ra: “Tôi dẫu hèn kém cũng được mời về đây làm một thầy giáo, đâu dám làm những chuyện không minh bạch? Xin phu nhân hãy về ngay cho.” Viên chỉ huy thấy rõ mọi việc, cơn giận dần tan biến.

Hôm sau, thầy lập tức xin từ biệt ra đi. Viên chỉ huy biết mình sai, liền tạ lỗi với thầy và kể hết nguyên nhân khiến ông nghi ngờ.

Thầy giáo ấy về sau đỗ tiến sĩ, địa vị cao tột vinh hiển vô cùng.