Làm sao trị được bệnh hôn trầm?

Hỏi: Là người trọng tuổi như chúng con, mỗi khi niệm Phật con thường hay ngủ gục. Như vậy có cách nào trị hết bệnh ngủ gục nầy không? Xin thầy hoan hỷ chỉ cách cho con.

Đáp: Đây là một chứng bệnh không riêng gì Phật tử mà đa số người tu đều mắc phải. Người mắc chứng bệnh hôn trầm nầy cũng không phải dễ trị. Người tu sợ nhứt là hai chứng bệnh: “hôn trầm và tán loạn”. Chính hai thứ tập khí sâu nặng nầy nó làm chướng ngại rất lớn trên bước đường tu tập của chúng ta.

Có người lúc bình thường, họ ngồi lại tán ngẫu những chuyện bù khú thị phi tạp nhạp ở thế gian với nhau cả buổi, mà họ không bao giờ biết buồn ngủ là gì. Vì lúc đó, họ quá hăng say đam mê với những câu chuyện mà họ đang nói. Hằng ngày, họ huân tập những hạt giống đời quá sâu nặng, nên khi gặp nhau bắt đài đúng tần số thì họ phát thanh huyên thuyên không bao giờ biết nhàm chán mỏi mệt. Trái lại, hễ khi tụng kinh hay niệm Phật thì con ma hôn trầm buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Nó cảm thấy chán nản mệt mỏi uể oải và buồn ngủ. Những tập khí nầy, không phải chỉ mới huân tập trong hiện đời mà nó còn huân tập trong nhiều đời nữa. Chính do sự huân tập đó, nên khi gặp cơ duyên là nó hiện hành phát khởi rất mạnh mẽ.

Có người khi họ đam mê ghiền chơi một thứ gì đó, như cờ bạc chẳng hạn. Có thể nói, họ ngồi ỳ một chỗ suốt cả ngày, thậm chí quên cả ăn uống, mà họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ. Nhưng khi ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật hay nghe pháp v.v… chỉ cần trong giây lát thôi, là họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật rồi. Lý do tại sao? Tại vì hạt giống Phật pháp của họ rất cạn mỏng yếu kém. Người nào mắc phải chứng bệnh hôn trầm nầy, thì Phật gọi người đó đang bị chìm sâu vào trong hang qu.

Về phương cách đối trị, trong kinh nêu ra có nhiều cách. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu bốn cách thôi, rồi tùy ý Phật tử chọn lựa xem cách nào phù hợp và có hiệu quả nhứt, thì Phật tử cố gắng thực hiện.

  1. Nếu trong lúc đang ngồi niệm Phật hay tụng kinh mà nó muốn buồn ngủ, Phật tử không thể kềm chế được, thì Phật tử nên đứng lên lạy Phật sám hối, vì đó là nghiệp chướng của mình quá sâu nặng.
  2. Phật tử cũng có thể đứng lên đi kinh hành niệm Phật ở trong nhà hoặc ngoài sân, tùy theo khung cảnh và thời điểm thích hợp.
  3. Nếu không lạy Phậtđi kinh hành, thì Phật tử cũng có thể dùng phương pháp sổ tức niệm Phật. Nghĩa là niệm Phật bằng cách đếm số theo hơi thở. Như niệm câu hiệu Phậtthể chia ra làm hai, như hít vào niệmNam Mô A”, thở ra “Di Đà Phật” . Hít vô thở ra thầm đếm một. Cứ đếm như thế cho tới số mười rồi bắt đầu đếm trở lại. Điều quan trọng của phương pháp nầy là phải nhớ số câu theo hơi thở cho rõ ràng. Nếu nhớ không rõ là phải niệm đếm lại. Vì chăm chú như thế, nên con ma ngủ nó sẽ biến mất.
  4. Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp Chỉ Quán. Phương pháp nầy, Phật Tổ dạy chúng ta nên chọn một đề mục để quán. Như quán “thân bất tịnh” hay quán nhân duyênv.v… Khi chúng ta quán phân tích chia chẻ sâu vào, lúc đó những hệ thần kinh trong não bộ của chúng ta bắt đầu làm việc căng thẳng, do đó, nên con ma buồn ngủ sẽ tan biến ngay. Tuy nhiên, khi quán một hồi mà tâm ta bị loạn động, thì hãy lập tức dùng Chỉ, tức là dừng vọng tưởng. Như dùng hơi thở hay câu niệm Phật để tâm ta an trụ vào đó. Đó là phương cách trị bệnh tán loạn và hôn trầm rất hữu hiệu.

Việc tu hành muốn có kết quả tốt đẹp, chúng tôi thiết nghĩ, mỗi hành giả nên cố gắng kiên trì thực tập. Nhất là đối trị những tập khí sâu dầy trong hiện đời cũng như nhiều đời, không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, Có nỗ lực công phu bền chí hành trì, thì chúng ta mới có thể vượt qua những chướng ngại thử thách lớn lao trong sự tu hành. Kính chúc phật tử chóng đạt thành sở nguyện.