Lễ Chùa Rằm Tháng Giêng & Cúng Sao Giải Hạn

HỎI: Năm nay người đi chùa lễ Phật trong dịp Tết, nhất là rằm tháng Giêng tăng đột biến, một số nơi đã gây tắc đường. Có ý kiến cho rằng, suy thoái kinh tế khu vực và toàn cầu là nguyên nhân tác động đến hiện tượng trên. Quan điểm của quý Báo đối với nhận định này thế nào? Dịp này, một số chùa có tổ chức dâng sao giải hạn, theo chúng tôi được biết, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Vậy tại sao tục này nghiễm nhiên tồn tại trong cửa Phật? Mặt khác, nếu cúng sao giải hạn mà thoát được các tai nạn và bệnh khổ thì điều này sẽ trái với nhân quả của nhà Phật. Có người giải thích rằng cúng sao giải hạn đó là “phương tiện”. Xin quý Báo nói rõ hơn về tinh thần phương tiện này.(LÂM THÀNH NHÂN, phố Hòe Nhai, Ba Đình, Hà Nội; DIỆU HỶ, hydieuph…@yahoo.com.vn)

ĐÁP: Bạn Lâm Thành NhânDiệu Hỷ thân mến!

Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt và những dân tộc Á Đông nói chung.

Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Khi chùa chiền được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, được sửa chữa trùng tu to đẹp khang trang cùng với sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị sống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa của nhân dân được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường. Vấn đề suy thoái kinh tế tác động lên tâm lý của người dân kiến họ quan tâm đến cầu nguyện chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân chính yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu tìm về những giá trị tâm linh đạo đức truyền thống và mong cầu sự phát triển bền vững trên nền tảng đạo đức và tuệ giác Phật giáo của người dân.

Từ đây đặt ra một thách thức lớn cho chùa chiềnPhật giáo nói chung là trước sự quy hướng ngày càng đông của Phật tử cùng nhân dân thì nhà chùa và Phật giáo sẽ làm gì để hướng dẫn họ một cách thiết thực, minh triết nhất làm hành trang xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn lên. Phật giáo có cả một kho tàng tuệ giác soi sáng cho mọi người đi đến thành công, sống hạnh phúc và an vui chứ không chỉ đơn thuần là cầu nguyện và nhất là khuynh hướng cầu cúng theo kiểu cúng sao giải hạn đang ngày càng gia tăng phổ biến hiện nay.

Đúng như các bạn nhận thức, trong giáo lý của đạo Phật không hề có chủ trương cúng sao giải hạn. Đức Phật đã khẳng định việc cầu cúng thần linh để mong ban phúc, giải hạn là không phù hợp với tinh thần nhân quả, là những việc không đáng và không nên làm. Kinh Trường Bộ I (kinh Sa môn quả, số 2), Đức Phật đã khuyên dạy các thầy T kheo, những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử, không nên thực hành những tà hạnh như: “chiêm tinh, xem tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, cầu thần tài…”.

Việc cúng sao giải hạn, theo sách Đường thư lịch chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao trên trời. Mỗi sao phối trí theo các phương và hàng năm mỗi tuổi chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó mỗi người có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu, khi gặp sao xấu phải sắm lễ vật cúng sao, cầu các vị thần linh như Kế Đô tinh quân, La Hầu tinh quân… gia hộ. Trước đây, việc cúng sao giải hạn diễn ra trong các đạo quán của Lão giáo và trong dân gian. Về sau tục này được “phương tiện” đưa vào một số chùa, thường diễn ra từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng.

Rõ ràng, tục cúng sao giải hạn ở một số chùa chỉphương tiện. Phương tiện nào cũng có hai mặt. Nếu khéo vận dụng, thì nhờ đi cúng sao mà những người ít đi chùa có cơ hội lễ Phật, nghe pháp, cúng dường và nhân đó mà kết duyên với Tam bảo. Ngược lại, nếu chỉ dừng ở cúng sao giải hạn, cầu cúng các tinh quân mong ban phúc thì rơi vào tà kiến, tà mạngkhông phù hợp với tinh thần phương tiện của Chánh pháp.

Khá nhiều chùa không cúng sao giải hạn mà chủ trương tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phước báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới.

Chúc các bạn an lành và tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn