Một Phân Thời Gian Ngàn Phân Ngọc

Một lãnh chúa yêu cầu thiền sư Takuan, gợi ý cho ông làm cách nào để giết thời giờ.

Ông cảm thấy cuộc đời mình kéo dài lê thê trong việc theo dõi những công việc mòn vẹt chán nản ở văn phòng, và phải ngồi chết một chỗ ở đó để nhận sự tôn kính của những người khác.

Takuan viết cho vị lãnh chúa 8 chữ Nho:

Ngày này không đến hai lần

Một phân thời khắc, mười phân ngọc ngà

Ngày này không đến nữa mà

Một giây thời khắc, một nhà ngọc châu.

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn có suy nghĩ về tâm trạng vị lãnh chúa qua tháng năm làm việc?

2/ Sự suy nghĩ muốn giết thời giờ như thế có gì trái nghịch với câu ca dao:

Thời giờ như thể thoi đưa

Nó đi đi mãi có chờ đợi ai?

3/ Giá trị 8 chữ Nho của thiền sư Takuan qua 4 câu thơ như thế nào?

4/ Hãy so sánh giá trị thật giữa tiền bạc và thời gian qua cuộc sống?

5/ Bạn hiểu thế nào về yếu tố thời gian trong cuộc sống?

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1- Trong cuộc sống chúng ta phải trải qua nhiều lần thay đổi. Có thay đổi mới có tiến bộ và đổi mới. Một người làm việc lâu năm mặc dù có địa vị, viên lãnh chúa vẫn không muốn dẫm chân tại chỗ, ngồi yên tại văn phòng để được cấp dưới tôn xưng là xếp dạ dạ vâng vâng cách mòn vẹt ấy. Ý ông muốn thay đổi tình trạng hiện tại, nhưng ước mong là một việc, còn thực hiện được ý nguyện hay không lại là một việc khác.

2- Các bậc Bồ Tát hiểu biết nhìn xa thấy rộng, biết nhận ra mình và hành động của chính mình thì yếu tố thời gian do tự quyết định theo ý mình. Vị Bồ Tát có thể xử dụng thời gian, không gian một cách tự tại, rút ngắn một kiếp thành một ngày mà cũng có thể kéo dài một phút giây thành vô lượng kiếp để hóa độ tất cả chúng sanh. Như vậy, thời gian dưới cái nhìn của bậc giác ngộ có khác với thời gian của thường tình thế nhân. Ai bảo:

   Thời giờ như thể thoi đưa

  Nó đi đi mãi có chờ đợi ai

3 – Giá trị nghệ thuật, chỉ vỏn vẹn 8 chữ Hán diễn thành một bài thơ lục bát thật tuyệt vời.  Giá trị nội dung: bốn câu thơ diễn đạt ý nghĩa vô thường của đời sống mong manh qua yếu tố thời gian. So một phút thời gian bằng mười phân vàng, một giây bằng một nhà ngọc báu. Tại sao móc thời gian ít lại so giá trị châu báu nhiều đến như thế, có mâu thuẫn không?

4 – Càng so sánh càng sai lầm, và đi dần vào ngõ cụt không lối thoát. Thật vậy, tiền bạc là vật hữu hình cầm nắm, tính đếm được, thời giờ tuy hữu hình nhưng không thể cầm nắm, nhưng cũng tính đếm đo lường được. Tiền bạc ta tạo được bằng sức làm việc của mình để đổi lấy tương xứng số thời giờ đã bỏ ra. Như vậy, ta chỉthể tiêu xài, xử dụng thời giờ nhưng không tạo ra thì giờ được.

5 – Yếu tố thời gian qua cuộc sống hay đời người được chia ra làm 5 giai đoạn như:

– Thời tuổi thơ: từ 1 đến 5 tuổi

– Thời tuổi học trò: từ 5 đến 20 tuổi

– Thời thanh niên: từ 21 đến 40 tuổi

– Thời trung niên: từ 41 đến 59 tuổi

– Thời tuổi già: từ 60 tuổi trở đi.

Con người có thể tận dụng hết khoảng thời gian hiện hữu của mình trên trần thế sao cho có ý nghĩa, như thời đi học cần nỗ lực học tập tốt để thầy yêu bạn quí; thời ra đời làm việc phải đem hết khả năng đóng góp để xây dựng và tự tồn.

Nguồn:tuvienquangduc.com.au