NGÀY LỄ HỘI RẰM THÁNG BẢY TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT SO VỚI PHẬT GIÁO BẮC TÔNG?

Lễ hội rằm tháng bảy là lễ hội quan trọng trong Phật giáo Bắc tông. Đây là ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng đồng thời là ngày mãn an cư kiết hạ của chư tăng Phật giáo Bắc tông. Phật giáo Nam tông cũng tổ chức lễ rằm tháng bảy, nhưng theo nghi thức riêng của hệ phái Nam tông.

Lễ cúng rằm tháng bảy hàng năm là nhằm nhắc nhở những người con phải nhớ đến công ơn cha mẹ. Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông, việc trả hiếu không phải chỉ thực hiện trong ngày này, mà bất cứ ngày tháng nào cũng như vậy. Kinh Tăng Chi có đề cập đến việc trả hiếu cho cha mẹ, ngay cả lúc còn hiện tiền lẫn khi đã qua đời.

Vu lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, có nghĩa là cái chậu cứu nạn treo ngược. Bồn, là tiếng Hán, có nghĩa dụng cụ đựng thức ăn. Vu lan bồn là dụng cụ cứu nạn treo ngược (hồn kẻ thác bị treo ngược ở âm phủ).

Hàng năm vào ngày rằm tháng bảy, mỗi chùa theo Phật giáo Nam tông đều có tổ chức lễ Để Bát hội cho chư tăng. Phật tử mua thực phẩm như cơm, nước, trái cây… đợi đến giờ chư tăng xếp hàng đi chậm rãi theo thứ tự trưởng hạ, Phật tử mới thành kính để thức ăn vào bình bát của chư tăng. Chư tăng thọ nhận, đọc kinh chúc phúc cho các Phật tử, thành tâm chú nguyện chia đều phần phước báu này đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Sau đó Phật tử cùng đọc kinh hồi hướng. Trong buổi lễ thường kèm theo phần thuyết giảng, để người Phật tử có dịp ôn lại những công đức sâu dầy của cha mẹ đối với con cái, để thấy rõ bổn phận làm con đối với việc đền đáp ơn sâu này.

Lễ cúng rằm tháng bảy cũng là một trong ba lễ cúng quan trọng trong năm của người Việt Nam, gọi là lễ Trung nguyên. Đó là hình thức tín ngưỡng của người dân cúng cầu siêu cho thân nhân quá vãng trong từng gia đình và tại các miếu, đình, chùa…