Ngôi Chùa Nào Ở TP HCM Hiện Nay Còn Lưu Giữ Pho Tượng Thích Ca Bằng Đá Vớt Từ Sông Đồng Nai Lên

Nơi lưu giữ pho tượng Thích Ca bằng đá vớt từ đáy sông Đồng Nai chính là Linh Quang tịnh xá. Tịnh xá tọa lạc tại 40/60 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4. Trước đây Linh Quang tịnh xá là ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán, nhưng đã chuyển sang hệ phái Khất sĩ. Tịnh xá được thành lập năm 1953.

Tháng 6. 1972, trong khi nạo vét cát sông Đồng Nai người ta đã tình cờ đụng phải một vật cứng. Người ta dùng cần trục đưa lên một pho tượng Phật bằng đá. Tượng được tôn trí tại tầng hai của tịnh xá. Đó là pho tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, bằng đá sa thạch xám, nặng khoảng 100 kg, tạc tư thế ngồi trên mình rắn Naga, cao 77 cm.

Tượng ngồi trên thân rắn khoanh làm 3 vòng, trông rõ những vảy nhỏ, đều đặn, chạm khắc tinh xảo. Phía sau tượng, ở vòng cuối của thân rắn, chạm một đuôi rắn nhỏ đưa lên phía trên. Con rắn uốn vòng làm bệ cho đức Thích Ca ngồi vươn lên phía sau tượng thành 7 đầu rắn. Thân cuốn từ trên xuống, từ trái sang phải, theo chiều kim đồng hồ. Cao nhất ở giữa các đầu rắn là một đầu rắn hướng về phía trước, nổi cao và có kích thước lớn hơn hẳn các đầu khác. Mỗi bên ba đầu rắn đều chạm theo tư thế nghiêng về một phía. Sáu đầu rắn đều hướng nhìn lên đầu rắn to nhất ở giữa.

thể nhận định rằng đây là pho tượng mang phong cách của tượng tròn Campuchia. Tư thế tượng này có khác với tư thế tượng tròn có rắn ở Ấn Độ. Nếu như ở Ấn Độ, tượng Thích Ca thường ngồi trên những vòng cuốn của rắn Muxilinda xếp thành ngai, hoặc thân rắn cuốn thành vòng xung quanh người đức Phật, thì đối với tượng tròn Campuchia, chủ đề này được thể hiện dưới dạng duy nhất là đức Phật ngồi trên những vòng cuốn của rắn Naga, tư thế thiền định, dưới một mái che gồm 7 đầu rắn xòe ra. Căn cứ vào kích thước đầu rắn, có thể đoán định niên đại, bên cạnh một số đặc trưng khác của tượng Thích Ca.

Toàn bộ pho tượng toát lên nét uy quyền, đường bệ, gợi lên hình ảnh của một vị vua đang thể hiện quyền lực cao nhất của mình hơn là trạng thái tham thiền nhập định của Phật Thích Ca. Đó là nét đặc thù của tượng tròn Campuchia mang phong cách Angkor Vat, thế k XII. Các pho tượng mang phong cách này là sản phẩm của một triều đại sôi động nhất trong lịch sử Campuchia, triều đại Suryavarman II, là vị vua khẳng định rõ vương quyền của mình nhất trên các mặt.

Việc phát hiện pho tượng Thích Ca bằng đá dưới đáy sông Đồng Nai mang phong cách Angkor Vat thế k XII đã góp vào việc nghiên cứu khảo cổ học và các ngành khoa học có liên quan. Đây là một trong những pho tượng quý hiếm mang phong cách đặc biệt, chưa tìm thấy ở miền Nam sau năm 1975.