Niệm Phật Cứu Được Chủ

Thuở xưa, có anh Trương Mân tính nết hiền lành, vì cha mẹ mất sớm nên anh phải ở đợ cho ông phú hộ, chuyên bện dép cỏ (lác) để kiếm sống.

Mỗi buổi sáng, Trương Mân thường đi cắt cỏ từ rất sớm. Lần nào đi ngang chùa, anh cũng đều ghé vào xem một lát. Lặng lẽ ngắm nhìn Đức Phật hiền từ ngồi trên tòa sen như đang cười với anh, được nghe tiếng kinh, lòng anh ấm lại. Tâm trạng đó không thể có khi anh ở nhà ông phú hộ.

Hòa thượng trụ trì thấy vậy lấy làm lạ, gọi anh lại hỏi: Này con! Có muốn tu không mà ngày nào cũng thấy đến đây?

Trương Mân chắp tay thưa: Bạch thầy! Con muốn lắm nhưng phận con là đứa ở đợ làm sao có thể tu được!

Hòa thượng cười, nói: Sự tu hành không kể chủ hay tớ, nếu có tâm thì dù gặp cảnh ngộ nào cũng tu được. Như hoàn cảnh của con, nếu muốn tu thì ta chỉ cho con một cách rất dễ. Con cứ về tập ăn chay, giữ năm giới cấm, hàng ngày niệm sáu chữ NamA Di Đà Phật, chuyên tâm trì niệm thì con sẽ gặp được điều tốt lành…

Trương Mân về nhà làm đúng như lời Hòa thượng dạy. Ban ngày làm việc, buổi tối ông phú hộ giao cho anh coi nhà kho và ngủ ở đấy. Không ai ngờ trong cái nhà kho này có anh làm công đêm đêm lần tràng hạt niệm Phật. Mỗi lần niệm Phật được 108 biến, anh ngắt một cọng cỏ lác bỏ vào giỏ, đến khi cọng lác đã đầy, anh đem giỏ đến chùa trình với Hòa thượng. Anh âm thầm chuyên tâm trì niệm như vậy được mười năm.

Một bữa nọ ông phú hộ phát bệnh nặng, gia đình cho mời hết lương y giỏi về điều trị nhưng bệnh của ông không thuyên giảm. Trong cơn mê sảng, ông phú hộ thấy qu sứ bắt về gặp Diêm vương hỏi tội: Nhà ngươi khi ở trên dương thế tham lam, ức hiếp tôi tớ, ghét bỏ người nghèo. Tội nhà ngươi rất nặng, nhưng vì có tên người ở Trương Mân rất trung tín, hàng đêm thường niệm Phật, có lòng thành cầu nguyện cho ngươi. Vì vậy ta giảm bớt tội, tha cho ngươi về, nhưng phải tu tâm dưỡng tánh, bỏ ác làm lành.

Phú hộ nghe Diêm vương phán dạy như vậy mừng rỡ vô cùng. Giật mình thức dậy, ông kể lại cho mọi người nghe điềm chiêm bao kỳ lạ ấy. Khi biết Trương Mân đã ăn chay niệm Phật suốt từ mười năm qua, ông xúc động ôm chầm lấy anh không thốt nên lời.

Hôm sau, ông cho người mang lễ vật đến chùa thỉnh Hòa thượng về nhà chứng minh lễ sám hối, cầu an cho ông. Ít lâu sau ông bình phục trở lại, liền cho người bắc cầu, làm đường, giúp đỡ người nghèo và ông cất một ngôi chùa cho Trương Mân tụng kinh, niệm Phật sớm hôm. Từ đó anh hết nghiệp ở đợ, về sau trở thành một vị sư hiền đức, được mọi người kính ngưỡng.

Theo Truyện cổ Phật giáo

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Niệm Phậtpháp môn dễ tu dễ đắc, lợi mình và người. Khi niệm Phật, chúng ta thấy rất rõ ít nhất là trong tâm vắng lặng, bình an.

Không chỉ những hàng đại trí, bậc xuất gia, người giàu sang, kẻ nhàn rỗi mới có thể tu được pháp môn Tịnh độhạng tại gia, người ít học,  kẻ nghèo hèn, người bận rộn… ai ai cũng đều tu được pháp môn này.

Nếu người nào đã từng đôi lần niệm Phật đến nhất tâm thì sẽ cảm nhận kết quả an lạc, Tịnh độ hiển hiện ngay trước mặt. Công đức niệm Phậtlượng, “hiện tiền phước thọ tăng long” và “một hậu vãng sanh Lạc quốc”. Dẫu cho trong khi niệm Phật còn phân tâm, vọng tưởng đi nữa thì hạt giống niệm Phật ấy vẫn không mất, sẵn sàng chờ đủ duyên lành sẽ nảy lộc, khai hoa.

Niệm Phật không những tự tu, tự độ cho mình mà thôi. Học theo tâm nguyện từ bi của chư Phật, Bồ tát, sau khi niệm Phật, chúng ta hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc dù còn sống hay quá vãng cũng đều được lợi ích; hiện tiền thì thêm phước thêm duyên, nếu đã qua đời thì được siêu sanh tịnh cảnh.

Anh Trương Mân niệm Phật hồi hướng công đức cho chủ mà người chủ được Diêm vương tha tội chết, đủ biết thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Vậy những ai chưa niệm Phật bao giờ, hãy thành tâm niệm Phật một lần xem có lợi ích và hiệu nghiệm như  thế không. Còn những ai đã có lòng tin theo pháp môn Tịnh độ, có niệm Phật nhưng thiếu tinh chuyên, chớ nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy hết mà lơ là công phu niệm Phật thì uổng lắm. Hãy nhớ lại lời Phật dạy để vững tin và tinh tấn: “Niệm Phật một câu, phước sinh vô lượng. Lễ Phật một lễ, tội diệt hà sa”.