Phật Giáo Là Bi Quan Hay Lạc Quan

Phật giáo bảo rằng đời là khổ nhưng nhiều nhà Phật học lại tuyên bố rằng Phật giáo là một tôn giáo rất thiết thực và tích cực. Xin hỏi, Phật giáo là bi quan hay lạc quan?

T. Ph. N, Phật tử chùa Linh Sơn, Đà Lạt

Nội dung câu hỏi đã được giải đáp khá nhiều qua các sách báo Phật giáo. Phần trình bày sau đây một lần nữa khẳng định Phật giáo là một tôn giáo rất thiết thực và tích cực.

Trước hết, khổ thường được hiểu là sự đau đớn về thể xác và về tinh thần với một loạt từ đồng nghĩa như sầu, bi, ưu, não, phiền… hay buồn, thương, đau, lo, sầu, chán chường, thất vọng… để dịch từ Dukkha của Pàli hay Duhkha của Sanskrit (các sách Phật học Anh ngữ thường dịch là: suffering, pain, unsatisfactoriness, sorrow, anxiety, disatisfaction, anguish, misery, frustation, hardship…). Thực ra, dukkha hay duhkha còn có nghĩa là sự bất toàn, biến đổi, vô thường. Chính vì vô thườngkhổ nên ngay cả những niềm vui mang tính tích cực như hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời sống Sa-môn, hạnh phúc thiền định… cũng bị Đức Phật xếp vào loại dukkha vì chúng sẽ tàn phai, biến đổi, vô thường (xem kinh Đại Khổ Uẩn, Trường Bộ).

Kế đến, ta hãy xem trong các bài giảng về Tứ đế, Đức Phật nêu ra tám điều khổ trên đời: Sinh, già, bệnh, chết, mong cầu mà không được, phải chia lìa những gì mình yêu thích, phải gánh lấy những gì mình chán ghét và phải chịu sự tác động mạnh mẽ, vô thường của năm thành tố (uẩn) tạo nên thân và tâm mình. Trong tám điều khổ trên, bảy điều đầu tiên được mọi người nhận biết, kinh qua; riêng điều thứ tám cần được nói rõ hơn cho những ai chưa quen với Phật học: Toàn bộ con người vật lý và tâm lý là một kết hợp của năm thành tố ấy là sắc (vật chất), thọ (sự cảm nhận), tưởng (tư duy), hành (sự tạo tác, hành động) và thức (cái biết, kiến thức). Sự kết hợp này là do nhân duyên, hoàn cảnh nên mang tính giả tạm, tạm thời, biến đổi, vô thường, vô bản chất nhưng lại rất mạnh mẽ, gây ảo tưởng rằng đây chính là ta (ngã), của ta (ngã sở); từ đó ta chấp lấy nó, yêu thương nó để rồi bị nó tác động, sai khiến, dẫn dắt, đẩy đưa vào vòng sinh tử, luân hồi, khổ đau.

Phật giáo chia tám điều khổ trên thành ba loại: Khổ khổ (dukkha-dukkha) tức các khổ đau mà ai cũng gặp như đã nêu bảy điều khổ đầu tiên; hoại khổ (viparinama-dukkha), tức nỗi khổ phải chịu đựng sau khi những niềm vui suy tàn, biến mất; hành khổ (samkhara-dukkha), tức cái khổ vì phải chịu sự tác động của sự kết hợp vô thường, giả tạm của năm uẩn như điều khổ thứ tám đã nêu. Mục đích của Phật giáogiải thoát tối hậu khỏi mọi khổ đau, đưa đến hạnh phúc miên viễn. Đức Phật dạy: “Xưa cũng như nay, Ta chỉ nói đến Khổ và sự Diệt khổ” (Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ). Tuyên bố đời là khổ (Khổ đế), nêu rõ nguyên nhân của khổ (Tập đế) là Ái hay cả 12 nhân duyên gây khổ trong đó có Ái, trình bày mục tiêu tối hậu khi khổ được diệt trừ (Diệt đế) và vạch ra con đường để thoát khổBát chánh đạo (Đạo đế), đấy là sự đặc thù, độc đáo, thiết thực, tích cực nhất của Phật giáo. Điều này chẳng dính dáng gì đến sự đánh giá rằng Phật giáo là bi quan, yếm thế, cũng chẳng dính dáng gì đến quan điểm cho rằng Phật giáo là lạc quan, yêu đời. Ví như một người đang bị bệnh, một bác sĩ bảo rằng: “Bệnh anh nặng quá, không chữa được”, vị bác sĩ này là thiếu hiểu biết, bi quan và gây bi quan cho người bệnh. Một bác sĩ khác bảo: “Anh không có bệnh gì, không cần phải chữa trị”, vị bác sĩ thứ hai này cũng là thiếu hiểu biết, hoặc quá lạc quan khiến người bệnh cũng lạc quan, nhưng rồi bệnh anh ta sẽ trở nên trầm trọng và đưa đến cái chết. Một bác sĩ khác nữa bảo: “Anh đang bị bệnh nặng, nhưng tôi biết anh bệnh là do thế này, thế này… và chắc chắn bệnh của anh sẽ được chữa lành”. Vị bác sĩ thứ ba này dĩ nhiên không bi quan, cũng chẳng lạc quan, ông chỉ nói lên sự thật và cách xử lý đúng đắn. Phật giáo cũng như vậy.

tuyên bố đời là khổ, Phật giáo không hề bi quan, dù công nhận đời có những niềm vui chính đáng tuy chưa trọn vẹn và tuyên bố rằng mọi người đều có khả năng thoát khổ, Phật giáo cũng không phải lạc quan. Phật giáo chỉ nêu lên sự thực. Đây là thái độ tích cực, thiết thực đáng được tin tưởng và thực hành theo.

http://tapchivanhoaphatgiao.com