Sức Mạnh Của Mẹ

Lê Đàn

Ở xứ Andes có hai bộ lạc, một sống ở miệt dưới và một sống ở miệt trên núi. Ngày kia, người miệt trên xâm lăng người miệt dưới; họ cướp bóc và bắt đi một đứa bé sơ sinh.

Người miệt dưới phái những chiến binh khỏe nhất, giỏi nhất trong bộ tộc tìm cách leo lên núi cứu đứa bé về. Sau nhiều ngày cố gắng hết sức, những chiến binh ấy không thể leo lên núi được.

Trong khi họ kiệt sức và thất vọng chuẩn bị quay trở về bộ tộc, thì họ thấy người mẹ địu đứa bé trên lưng đi từ ngọn núi xuống, ngọn núi mà các chiến binh không thể tìm cách leo lên được.

Mọi người đến chào mừng và hỏi han bà mẹ bằng cách nào đã cứu được đứa bé. Bà mẹ nhún vai trả lời:

– Đơn giản thôi! Đó chỉ vì đứa bé không phải là con của các ông.

(Theo Học làm người)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Dù là vua hay dân, ai cũng được cha mẹ sinh ra, bế bồng che chở nâng niu từ những ngày còn bú mớm cho đến trưởng thành. Con được dạy dỗ, thương cha mẹ là phải để ở trên đầu. Tình cha nghĩa mẹ cao cả thiêng liêng, con luôn tôn thờ và kính ngưỡng như một đấng tối cao.

Mẹ luôn có mặt mỗi khi con cần đến. Mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe, khuyên bảo, giúp đỡ và nuôi dưỡng con từ thể xác đến tâm hồn. Mẹ luôn cố gắng để căn nhà của mẹ quanh năm suốt tháng đầy ắp tiếng cười và tình thương yêu.

Khi con gặp hiểm nguy, mẹ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ con.

Joseph.C.Rosenbaum, người Do Thái, đã có một kỷ niệm sâu sắc về mẹ. Khi ông 19 tuổi, đang trên đường đến trại tập trung, ông biết rất rõ là ông đang trên đường đi đến cái chết. Thình lình, mẹ ông chen vào đổi chỗ cho ông đi ra. Mặc dầu đã bao nhiêu năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in lời mẹ nhắn nhủ sau cùng: “Mẹ đã sống đủ rồi! Con còn trẻ nên con cần phải sống!”.

Mẹ tốt như vậy đó! “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Vậy mà mới đây báo chí, truyền hình đưa tin và hình ảnh video clip một người con trai đã đánh mẹ già ngã nhào, khiến mọi người bàng hoàng. Khi chính quyền tới thì hắn đã bỏ trốn, còn mẹ già thì vẫn bình thản như không có gì xảy ra; mẹ vẫn bao dung và độ lượng cho đứa con trai tội lỗi bất hiếu của mẹ, vì mẹ luôn tin rằng con của mẹ sẽ trở thành người tốt.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện vị quan triều Nguyễn Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở sau cuộc binh biến không thành. Có một lần ông đi qua làng La Chữ (ngoại thành Huế) gặp cậu bé đang mắng mẹ, ông bèn sai dọn mâm cơm cho cậu bé ngồi ăn.

Ông thấy cậu bé biết so đũa đầu đuôi hẳn hoi, tức là đã có nhận thức. Vị quan nổi tiếng nghiêm minh này đã ra lệnh nghiêm trị cậu bé để làm gương cho người khác về cái tội bất hiếu.

Những chuyện về mẹ thì thời nào cũng vậy, tình thương của mẹ dành cho con hết sức to lớn giúp cho mẹ có được một sức mạnh phi thường, mạnh hơn cả đạo quân gồm những chiến binh khỏe nhất, giỏi nhất của bộ tộc để cho mẹ đủ sức mạnh liều mạng sống của mình cứu lấy đứa con yêu quý.

Đức hy sinh và khoan thứ là hình ảnh đẹp nhất của mẹ. Vậy mà vẫn còn có người đến khi mẹ mất đi rồi mới nhận ra điều này.

Bởi vậy, để không phí một giây phút nào, ai đang còn mẹ thì hãy đến ngay bên mẹ để tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc được ngồi bên mẹ. Và hãy luôn nhớ chăm sóc bồi đắp và tô vẽ cho mẹ như một bức tượng sống càng ngày càng đẹp ra để hàng ngày chiêm ngưỡng.

Dẫu mai trăm tuổi mẹ về thì hồn phách thiêng liêng của mẹ luôn ở trên đầu trên cổ chúng con như những thiên thần hộ mệnh che chở cho chúng con tai qua nạn khỏi, chân cứng đá mềm.